Khóc trước mặt con – nên hay không?

Kỳ vọng trở thành những ông bố, bà mẹ hoàn hảo khiến chúng ta lúc nào cũng phải mạnh mẽ, khôn ngoan và tràn đầy năng lượng để truyền cảm hứng sống tích cực cho con. Thế nhưng, thể hiện mặt yếu đuối của bạn đôi lúc lại khiến con hiểu bạn hơn và học được những bài học quý giá. Vì thế, nếu cần, hãy cứ cho phép bản thân được khóc trước mặt con một chút.

Kìm nén cảm xúc tiêu cực không khiến chúng biến mất

Là cha mẹ, không ai muốn những cảm xúc tiêu cực của mình ảnh hưởng đến tâm trạng của con. Tôi vẫn nhớ đâu đó có lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ, rằng: “hãy để tất cả những phiền muộn công sở ở ngoài ngưỡng cửa trước khi bước vào nhà”. Thoạt tiên ai cũng thấy thật hợp tình lắm, nhưng phải chăng, kiểu tư duy áp đặt này đang vô hình tạo nên những áp lực vô lý lên cha mẹ? Chúng ta cũng là con người bình thường thôi, với những cảm xúc lúc lên lúc xuống, có phải robot đâu mà nói bỏ qua lo lắng là phút sau quên ngay được? Liệu các bậc cha mẹ chúng ta, dù yêu con đến mấy, có thể học được cách chia tách rạch ròi cảm xúc như vậy không?

Câu trả lời là không thể, và cũng không nên.

Giấu đi cảm xúc tiêu cực sẽ gây ra những tác động không tốt với cả cha mẹ và con. Với cha mẹ, kìm nén giận dữ, buồn phiền hay âu lo là điều không mấy dễ chịu. Gồng mình chịu đựng hàng tá vấn đề ngoài xã hội trong suốt cả ngày, trở về nhà lại phải tiếp tục “đeo” một chiếc “mặt nạ” nữa, nguy cơ stress, hay thậm chí trầm cảm, là rất cao.

Không chỉ vậy, việc phải âm thầm chịu đựng các cảm xúc này, bằng một cách nào đó sẽ biểu lộ ra ngôn ngữ cơ thể hay hành vi của chúng ta, phổ biến nhất là việc trở nên thờ ơ, dễ cáu gắt hoặc “đăm đăm” một cách đáng sợ. Nhận ra những dấu hiệu này, con có thể cảm thấy lo âu hoặc tưởng nhầm là lỗi của mình, sẽ tránh mặt hoặc ngại nói chuyện với cha mẹ. Lâu dần, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ ngày càng rộng. Việc cố gắng giữ mối quan hệ tốt đẹp với con xem ra cũng “xôi hỏng bỏng không”.

Bày tỏ cảm xúc – dạy con một cách chân thành

Tôi đã từng được nghe câu chuyện về việc khóc trước mặt con của một người bạn. Thực sự nó không tệ như chúng ta tưởng. Chị gặp trục trặc với công việc và lo lắng cho sức khoẻ của bà ngoại, trên đường đón con về nhà, việc duy nhất chị có thể làm là giữ im lặng, để cảm xúc không bật thành những giọt nước mắt khiến con gái đang ngồi cạnh phát hiện ra. Thế nhưng, con lại có nhiều câu chuyện hỏi mẹ, điểm số, ôn thi, lớp học thêm, chuyện tối nay ăn gì.

Trước khi cho con được bất cứ lời khuyên nào, chị đã khóc.

Điều ngạc nhiên là, tuy bất ngờ, con đã rất bình tĩnh lắng nghe hết câu chuyện của chị, im lặng hồi lâu và bảo rằng: “Thôi, mẹ đừng buồn nhiều, con và bố hôm nay nấu cơm cho mẹ nhé”. Chỉ từng đó thôi mà chị chợt nhận ra mình đã có thể dựa vào con gái nhiều đến thế nào. Thật vậy, các con tinh tế và mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Và nếu cần, bờ vai vững chắc nhất chúng ta có chính là các cô cậu mười mấy tuổi rất hồn nhiên này.

Không chỉ vậy, có cơ hội nhìn thấy cha mẹ vào những lúc buồn bã, âu lo sẽ là bài học giản dị, sâu sắc nhất về những va vấp trong cuộc sống. Con sẽ học được cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực, giải toả nó để tiếp tục bước đi. Chúng ta vẫn mong muốn được lắng nghe câu chuyện của con, vậy hãy để con có cơ hội được lắng nghe câu chuyện của chính mình. Chắc chắn rằng, con sẽ cảm thấy được thực sự tôn trọng và trưởng thành lên nhiều.

Đâu là giới hạn cho các chia sẻ?

Tuy nhiên, vẫn có các giới hạn trong việc sẻ chia cảm xúc. Có những điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói với con, đặc biệt nếu chuyện đó có liên quan đến mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Với những trường hợp này, cha mẹ nên suy nghĩ trước, và nếu thực sự cần thiết, hãy nói chuyện với tâm thế thông báo một cách bình tĩnh cho con.

Nỗi buồn, cũng giống như niềm vui, là những khía cạnh không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Bộc lộ cảm xúc chân thực chính là mở lòng với con, cho con được hiểu thêm về bản thân mình, từ đó, con và cha mẹ sẽ gắn bó với nhau hơn. Bài học về đối diện với nỗi buồn, về sự chia sẻ, về sự tin tưởng, đôi khi lại có thể chạm đến con bằng những phút giây rất yếu mềm này.

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.