khen con đúng cách

“Người ta” nói, phải khen con nhiều vào. Khen nhiều thì con mới tự tin, mới có động lực phấn đấu. Rút kinh nghiệm từ đời cha mẹ, chẳng bao giờ được ông bà khen ngợi điều gì, nên cha mẹ cố gắng khen con thật nhiều thật nhiều. Liệu rằng có nên cứ tiếp tục như vậy?

Không phải cha mẹ nào cũng nhận ra rằng tùy vào từng trường hợp khác nhau, việc khen ngợi con quá nhiều nhưng không đúng cách cũng có thể gây tổn thương lòng tự trọng của con. Con có thể sẽ trở nên dễ tự ái hơn hoặc ngày càng “cứng đầu”, “khó bảo” hơn khi lớn lên.

Hiểu rằng ai cũng muốn ghi nhận những việc làm tốt của con, nhưng những lời khen “có cánh” không đúng lúc, đúng chỗ, sẽ có nguy cơ mang lại tác hại khôn lường. Thông qua bài viết ngày hôm nay, RMIT sẽ mang đến cho quý cha mẹ một số thông tin để lời ngợi khen của cha mẹ có thể trở thành nguồn cảm hứng tích cực cho con trong cuộc sống.

4 kiểu khen ngợi cha mẹ nên tránh

❌❌ Cẩn thận với những lời khen ngợi kém chân thành

Khi bước vào độ tuổi thiếu niên, con sẽ không dễ dàng hài lòng với những lời khen sáo rỗng. Ví dụ như “con của mẹ lúc nào cũng giỏi”, “con của mẹ đạt được là hiển nhiên”, v.v… Chúng đều là những lời khen thiếu thông tin và vô tình truyền đi thông điệp rằng cha mẹ không thật sự hiểu con và chỉ muốn khen ngợi con cho có. Chính vì thế, cha mẹ nên nỗ lực tìm hiểu một chút về những điều con đang làm. Một lời khen chính xác có thể khiến con cảm nhận được sự quan tâm chân thành đến từ cha mẹ.

❌❌ Đừng khen rằng con thật hoàn hảo

“Con là đứa trẻ giỏi nhất rồi!”, “Con luôn xinh đẹp nhất!”, “Con là người tài năng nhất mà!”. Những lời khen như thế này có thể khiến con cảm thấy sợ hãi sự thất bại. Con không muốn mất đi sự tin tưởng từ phía cha mẹ, và có thể trở nên dè dặt hơn trước những thách thức trong cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, con cũng có thể trở thành một con người dễ tự ái và chậm thăng tiến trong cuộc sống.

Đọc thêm: Nỗi sợ bị đánh giá – tâm tư ít ai hay của các con thế hệ Z

❌❌ Hạn chế khen ngợi những thứ quá dễ dàng đạt được

Điều này có thể sẽ vô tình hạ thấp những tiêu chuẩn của con trong cuộc sống. Con có thể trở thành một người dễ dàng hài lòng với những thứ mình đạt được và đồng thời tự đánh giá thấp khả năng của chính mình. Con cũng có thể nảy sinh những suy nghĩ như “mình không bao giờ có thể làm được như thế”, hoặc “làm được như thế này là quá tốt rồi”. Thêm nữa, con cũng có xu hướng trở thành một người luôn đánh giá thấp năng lực của những người xung quanh.

❌❌ Hãy khen ngợi thực lực của con chứ không phải những điều thiên phú

Nếu cha mẹ vẫn thường khen con như thế này: “Con thật là có năng khiếu vẽ!”, “Con sinh ra đã hát hay rồi!”, thì thật sự cần phải lưu ý một số vấn đề. Nghiên cứu cho thấy kiểu khen ngợi này có thể sinh ra cảm giác bất lực khi mắc lỗi. Chúng tạo ra một niềm tin tiêu cực rằng nếu không có “thiên phú” thì chẳng thể làm nên trò trống gì, và từ đó con né tránh việc cải thiện những điểm yếu của bản thân.

4 cách đơn giản để ghi nhận sự cố gắng của con

✅✅ Tập trung vào quá trình, sự nỗ lực hoặc chiến lược con sử dụng. Đừng chỉ nhìn vào thành quả

Tất cả những lời khen như “Con luôn đạt điểm tốt mà”, hay “Con rất giỏi tiếng Anh”, v.v… đều là những nội dung tập trung vào kết quả. Chúng đóng khung con người của con vào những nhãn dán như “điểm cao” hay “giỏi tiếng Anh”; đồng thời vô tình phủ nhận hành trình nỗ lực của con. Chúng có thể khiến con cảm thấy rằng người đời chẳng thấy đường mình đi đã đành, ngay cả cha mẹ cũng không muốn trân trọng sự nỗ lực của con.

Sẽ thật tốt nếu cha mẹ chuyển hướng sang khen ngợi quá trình, ví dụ như:

– “Cha mẹ biết con đã rất chăm chỉ cho bài thi tiếng Anh lần này, cha mẹ rất tự hào về con”

– “Cha mẹ thích những lúc con cố gắng làm lại những đáp án sai trong bài kiểm tra Toán thay vì bỏ cuộc”

Điều này sẽ tạo cảm hứng để con chăm chỉ hơn nữa và liên tục tìm cách cải thiện quá trình của bản thân. Một con đường tốt chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến những kết quả tốt.

✅✅ Đập tay, nháy mắt, v.v… hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn!

Theo giáo sư Morris và tiến sĩ Zentall, một cử chỉ thể hiện sự ủng hộ của cha mẹ (như đập tay với con) có thể tạo ra cảm xúc tốt để thúc đẩy con tiếp tục cố gắng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể thực hiện một số hành động như ôm con khi con gặp thất bại. Con không chỉ cần sự ghi nhận của cha mẹ khi đạt được thành quả, mà còn cần sự đồng hành và thấu cảm của cha mẹ khi vấp ngã.

✅✅ Để con thấy mình là một thành viên quan trọng của gia đình

Tại Việt Nam, nhiều cha mẹ vẫn cho rằng con còn quá nhỏ, từ đó phân biệt rạch ròi giữa “việc của người lớn” và “việc của trẻ con”. Nhưng với một số bạn trẻ, việc coi trọng và để con được tham gia vào những chuyện quan trọng của gia đình như những người trưởng thành chính là cách tốt nhất để cho thấy sự công nhận của cha mẹ.

Đọc thêm: Con đã đủ lớn để nghe những bí mật của bạn?

✅✅ Đừng cố gắng để có một đứa con hoàn hảo!

Đây chính là lời nhắn gửi cuối cùng mà RMIT muốn mang đến trong bài viết ngày hôm nay.

Nhiều khi cha mẹ hay nghĩ rằng con trẻ ngày nay có điều kiện phát triển tốt hơn, thì việc thông minh hơn và làm tốt các nhiệm vụ của mình là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, xã hội hiện đại song hành với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội là vô vàn những thách thức mới mà ngay cả cha mẹ cũng chưa từng trải qua.

Chính vì vậy, cho dù con có giỏi giang hay vụng về, chỉ mong rằng cha mẹ luôn trân trọng từng bước tiến của con, để gia đình trở thành nguồn động lực lớn nhất của con ngay cả khi xã hội trở nên phức tạp và khôn lường. 


👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác

👉 Đọc thêm các bài viết hay tại mục Nuôi dạy con

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.