Tết, cứ bước vào nhà, hít thấy mùi nấm hương mộc nhĩ nồng nồng, mùi măng ngai ngái, mùi giò lụa, giò xào ngây ngây là như bước vào một miền thân thương êm ái lạ lùng. Tết có một mối liên hệ khăng khít với những căn bếp. Phải chăng vì vậy mà các bậc cha mẹ luôn muốn gia đình quây quần trong bếp vào những ngày cuối năm chộn rộn này, cho con học lấy đôi điều nhỏ bé về thứ “quốc hồn” đậm đà yêu dấu này không? Bài viết này là 3 món ăn vừa dễ làm, vừa ý nghĩa có thể tập làm ngay vào dịp Tết này.
1. Thịt đông
Nằm trong mâm cỗ 8 món của cái Tết Bắc Việt “riêu riêu lành lạnh”, thịt đông được quan niệm là biểu tượng cho ao ước “trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp”. Thực vậy, món ăn rất dung dị này lại bao hàm được cả cái ý vị thanh tân của những ngày đất trời sang xuân.
Con cứ đứng cạnh, nhìn mẹ làm là sẽ biết. Mẹ vừa gia giảm tiêu muối, vừa điểm lại với con nguyên liệu không thể thiếu của bát thịt đông “chuẩn Bắc”: thịt chân giò lợn còn nguyên bì, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, măng, hạt tiêu… Nấu xong, con múc thịt vào từng bát nhỡ, để qua đêm cho nước keo lại như thạch, đợi bày mâm mới úp ra đĩa. Rồi mẹ sẽ chỉ cho con, đây phần đông óng ánh, trong veo như niềm mong ước năm mới tinh khôi, kia màu vàng của măng, màu những miếng thịt ninh kĩ nhừ tươm, xắn một miếng vào bát vẫn còn thấy rung rung nhè nhẹ, quyện với nhau như tâm nguyện gia đình ấm êm, keo sơn hoà hợp, ăn trong những ngày Tết ren rét này thì thực hợp lắm.
2. Thịt kho trứng
Nếu như cái lạnh miền Bắc ưu ái món đông thì người miền Nam lại mê mệt thịt kho trứng. Các cụ đã khéo sắp miếng thịt kho vuông vắn, nâu ngậy với những quả trứng tròn trịa, ram rám vàng như nguyện ước “vạn sự vuông tròn”. Thịt vừa tới có màu nâu hấp dẫn, đậm vị nước kho sóng sánh, là món ăn quen thuộc của bao thế hệ, khiến người con dù có đi xa, đặt chân vào căn bếp là thấy ngay hương vị gia đình, thấy cảm giác ấm áp quây quần bao bọc từng giác quan của mình. Đặc biệt, trứng thường không xắt ra từng miếng mà được để nguyên quả với ngụ ý mong muốn năm mới trọn vẹn đủ đầy.
Đây không chỉ là món ăn dành riêng cho ngày Tết mà còn là gợi ý tuyệt hay cho bữa cơm ngày thường. Vì thế, đối với những “bạn nhỏ” sắp đi du học, học nấu một nồi thịt kho trứng sẽ giúp con mang cả hương vị Việt vào những tháng ngày học tập bận rộn và ít nhiều lạnh lẽo ở phương xa.
3. Nem rán
Có lẽ bữa cơm ngày Tết của người Việt mà thiếu món nem rán thì sẽ “nhạt màu” đi nhiều lắm. Dùng chung với nước mắm pha ớt tỏi, dăm miếng nộm đu đủ, những chiếc nem nhỏ nhắn, rán vừa tới nâu vàng, cắn giòn rụm cứ như đang reo lên những náo nức khe khẽ, ước ao năm mới rộn ràng, cả năm may mắn tươi vui.
Không chỉ cần nhiều nguyên liệu hơn thịt kho trứng hay thịt đông, nem cũng yêu cầu “kĩ năng” bếp núc cao hơn ở con. Cha mẹ có thể dạy con cách chăm chút từng bữa ăn gia đình từ chính cách cuốn chiếc nem gọn gàng, cái cẩn thận lúc rán nem sao cho chín đều, không cháy. Làm nem có thể dễ dàng gắn kết cả gia đình. Bố băm thịt, mẹ và con người cuốn, người rán. Đôi khi nhón trộm một miếng, cả nhà lại xuýt xoa “ăn lúc này mới ngon nhất đấy”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhớ về Tết hầu như ai cũng nhớ kỉ niệm ngồi cặm cụi cả tiếng chỉ để… cuốn nem.
Tết, đâu phải ở việc so đo chậu đào to hay bé, rượu nhiều hay ít. Tết, đến từ chính những điều giản đơn mà ấm áp vậy thôi. Thức ăn mùa Tết, cũng như vậy, ngon chưa chắc đã ở “kĩ xảo đầu bếp” hay đặc sản. Cái khiến cho lòng chúng ta lúc nào cũng mong ngóng đến ngày 23 tháng Chạp, khi người người ra chợ mua cá chép, mũ, quạt, là hương vị của quây quần, của việc người lớn được tạm quên đi tất cả những bon chen đầy mệt mỏi ngoài kia, các con được tạm quên đi những kì thi sắp đến, “cứ xuống bếp” trông nồi thịt kho đang dở, chảo nem sắp vàng, thịt đông đã nhừ tới. “Cứ xuống bếp đã, Tết mà”, nhà mình nhỉ!
Giang Nguyễn