Khi miêu tả tính cách con người, ta hay dùng khái niệm “hướng nội” hay “hướng ngoại”. Dù xuất hiện đã lâu, hai khái niệm này vẫn bị hiểu sai khá nhiều, phổ biến nhất là “Hướng nội là nhút nhát, hướng ngoại là xởi lởi.” Đây là cách miêu tả hết sức phiến diện và sơ sài.
Một trong những định nghĩa đơn giản nhất của hướng nội và hướng ngoại là cách một người phục hồi và nạp năng lượng như thế nào. Người hướng ngoại cảm thấy đầy sức sống khi ở giữa đám đông. Người hướng nội thấy khoẻ khoắn nhất khi ở một mình. Nói đơn giản hơn, sau một ngày học tập mệt mỏi ở trường, nếu con bạn muốn đi chơi với bạn bè gặp gỡ những người xung quanh để cảm thấy thư giãn thì con là người hướng ngoại, còn nếu con không muốn gặp gỡ bất cứ ai, chỉ muốn dành thời gian cho bản thân thì con là người hướng nội. Cách nạp năng lượng này không liên quan mật thiết đến kỹ năng giao tiếp của hai tính cách. Có rất nhiều người hướng nội có khả năng giao tiếp tuyệt vời nhưng họ chỉ sử dụng khi muốn, cũng có nhiều người hướng ngoại bị “lố” khi giao tiếp. Quan trọng hơn hết, người hướng nội hay hướng ngoại vẫn có thể học những kỹ năng mà họ muốn, từ nói trước đám đông cho đến kỹ năng tập trung lắng nghe. Không bao giờ nên viện cớ vì tôi hướng nội/ hướng ngoại nên tôi không làm được điều này.
Sẽ hết sức sai lầm nếu bạn cho rằng hướng ngoại tốt hơn hướng nội và cố chỉnh sửa con sang thái cực bên kia. Bạn cần nương theo con, phát huy những điểm mạnh và chú ý những điểm yếu. Ví dụ với con hướng nội, con có khả năng tư duy độc lập và làm việc một mình rất tốt. Tuy nhiên, con thường có xu hướng nuốt cảm xúc vào mình, không chia sẻ với ai, bạn cần năng hỏi han con, khuyến khích con kết bạn. Với con hướng ngoại, con phát huy thế mạnh tốt nhất khi làm việc nhóm, tuy nhiên khả năng lắng nghe thường kém, dễ bỏ lỡ cơ hội tiếp thu, bạn hãy nhắc con rèn luyện kỹ năng này.
Để kết luận, hướng nội hay hướng ngoại thì đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, cũng như rất nhiều lựa chọn công việc hay ngành học phù hợp. Điều quan trọng nhất là con hiểu mình, trân trọng mình và sống hết tiềm năng mà con có.
Giang Trần