Hướng nghiệp ngành khoa học kỹ thuật

Trong những năm gần đây, rất nhiều tập đoàn lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã và đang bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên, một trong những khó khăn họ gặp phải là việc kham hiếm nguồn nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản và có khả năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao các ngành kỹ thuật công nghiệp lại thiếu nhân lực và làm sao để có thể hướng nghiệp cho con em mình theo ngành này.

”Tạm được Bách Khoa”

Câu nói “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” thường được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông trong kỳ thi đại học mỗi năm. Câu nói này phản ánh rất thực tế quan điểm của bậc cha mẹ trong việc khuyến khích con cái chọn ngành học. Đối với rất nhiều cha mẹ Việt Nam, chỉ khi nào rớt Y, Dược hay không vào được Ngoại Thương, Tài Chính, các con hãy theo học cách ngành khoa học kỹ thuật. Bản thân tôi đã gặp không ít trường hợp khi các em học sinh thi đậu một lúc hai trường, Y và Bách Khoa. Dù bản thân rất yêu thích ngành Kỹ thuật, nhưng sau một thời gian dài bị thuyết phục bởi ba, mẹ, cô, chú, dì, cậu, ông bà ngoại, và cả hàng xóm nữa, em học sinh đã quyết định theo ngành Y vì ”nghe có vẻ như mọi người đúng hơn con.”

Trong bài viết này, tôi hy vọng mình có thể truyền tại được thông điệp đúng đắn đến với quý cha mẹ về nhu cầu nhân lực và đặc điểm của ngành khoa học kỹ thuật tại Việt Nam, với mong ước rằng cha mẹ sẽ khuyến khích các em ra quyết định hướng nghiệp dựa trên hiểu biết bản thân và thị trường thay vì chạy theo những thông tin ảo chưa được chứng thực từ thế giới thông tin muôn vàn muôn vẻ ngày nay.

Nhu cầu nhân lực trong ngành khoa học kỹ thuật

Trong các cuộc trò chuyện với những công ty khoa học kỹ thuật như Schindler, Bosch, Intel, Sam Sung, tôi học được rằng họ luôn cần nhân lực trong các vị trí kỹ sư và kỹ thuật viên. Các công ty này thường xuyên hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam trong các chương trình học bổng, đào tạo kỹ năng, thực tập, đào tạo lãnh đạo tương lai, đào tạo nghề vv. với mục tiêu đào tạo nhân lực tương lai cho công ty mình. Họ cần nhân lực ở các cấp khác nhau, từ chuyên gia đến kỹ thuật viên. Do đó, các em học sinh có thể chọn ngành học phù hợp với khả năng học văn hóa của mình, từ trung cấp nghề, cao đẳng, cho đến đại học, cao học, …

Ngành khoa học kỹ thuật Việt Nam luôn cần nhân lực giỏi, có nghĩa rằng họ cần người lao động bên cạnh việc giỏi chuyên môn còn phải có các kỹ năng khác như làm việc nhóm, giao tiếp tốt, giải quyết vấn đề tốt, làm việc độc lập, ngoại ngữ, vv.  Đặc biệt nhóm ngành này không đòi hỏi mọi người phải là chuyên gia hay kỹ sư. Họ đặc biệt cần kỹ thuật viên tay nghề giỏi, kiến thức sâu, và có khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm tốt. Do đó, cho dù các em học nghề hay cao đẳng mà có những kỹ năng họ cần, các em vẫn có thể tìm được những công việc tốt, lương khá, và ổn định cũng như có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp tốt.

Nhóm ngành khoa học kỹ thuật Việt Nam rất rộng, bao gồm từ điện máy, xây dựng, công nghệ thông tin, giáo dục, động vật học, cho đến kỹ thuật y khoa, môi trường, bền vững, công nghệ xanh, và nhiều ngành khác. Tương lai gần sẽ còn nhiều ngành nữa mở ra trong nhóm ngành này. Do đó, cha mẹ và các em hãy nghĩ thoáng ra khi xem xét nhóm ngành này. Đặc biệt, với vị trí của Việt Nam trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nếu các em học giỏi chuyên môn và cả ngoại ngữ, cơ hội làm việc bên ngoài Việt Nam sẽ rất cao.

Họ là ai?

6 nhom tinh cach holland

Theo học thuyết Holland, các em phù hợp với nhóm ngành khoa học kỹ thuật thông thường thuộc về nhóm Kỹ thuậtnhóm Nghiên cứu, với những đặc điểm sau:

— Thích làm việc với máy móc, vật cụ thể, cây cối, con vật, hay hoạt động ngoài trời.

— Thích tìm hiểu sâu một vấn đề gì đó. Thích tìm ra câu trả lời qua các hoạt động quan sát, tìm tòi, phân tích, và nghiên cứu.

— Không thích sự lờ mờ, thiếu rõ ràng. Không thích phải tiếp xúc và tương tác với người khác quá nhiều. Điều này không có nghĩa là họ không thích con người, chỉ là con người mang đến quá nhiều yếu tố chủ quan mà họ lại thích sự khách quan và chính xác.

— Họ có khả năng hiểu những khái niệm và nội dung phức tạp, nhưng lại thấy khó khăn trong việc diễn đạt nội dung ấy cho người khác hiểu được. Do đó, họ thường thích làm việc với máy móc hay diễn đạt qua viết lách hơn là phải giao tiếp với người khác.

— Rất khó để thuyết phục họ nếu không dùng lập luận logic. Đây là những bạn trẻ ít khi làm quyết định dựa theo cảm tính. Họ cũng không tin những người có vẻ quá cảm tính.

Vì hai nhóm sở thích này cũng có những đặc điểm tương đối phù hợp với các ngành thuộc Y và Dược hay Tài chính – Ngân hàng, nên nếu quyết định thi, các em cũng có khả năng đậu vào các ngành trên. Để phân biệt xem mình hợp với nhóm ngành nào, các em phải hiểu rõ bản thân và hiểu rõ ngành mình sắp chọn ở mức sâu sắc hơn là chỉ nhìn vào ”tên ngành học, tên công việc, lương bổng và địa vị xã hội mà ngành ấy mang lại cho người học.

Cha mẹ có thể hỗ trợ như thế nào?

Để giúp con cái chọn đúng ngành, cha mẹ nên:

— trước tiên bỏ đi định kiến xã hội mà câu nói “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” đại diện rất rõ. Đó là chỉ khi không còn chọn lựa nào nữa thì hãy học khoa học và kỹ thuật.

— sau đó cho phép con mình chọn ngành các em thích và thấy tự tin khi học hơn là khuyến khích các em học những ngành mà mình nghĩ sẽ tốt cho các em. Vì cuối cùng thì các em là người sẽ sống với công việc ấy chứ không phải cha mẹ.

— từ lúc các em còn nhỏ quan sát xem các em thích những hoạt động nào, có thích sử dụng tay chân trong các hoạt động trải nghiệm không, có thích vọc máy móc, sửa xe, tập điều khiển xe sớm (từ xe đạp đến xe máy hay cả xe hơi).

— cho phép các em trải nghiệm trong các hoạt động, cuộc thi, hay tham gia câu lạc bộ xây dựng mô hình, rô bô, lắp ráp,…

— cùng con đọc và tìm hiểu những công ty quốc tế hay trong nước để xem nhu cầu tuyển dụng của họ trong ngành kỹ sư, kỹ thuật, … như thế nào.

Cuối cùng, cha mẹ hãy hãnh diện vì con là con, vì những đặc điểm tự nhiên con có, và khuyến khích con phát triển theo tự nhiên thay vì ”hướng” con theo những hối tiếc, ước muốn của bản thân hay theo xu thế của xã hội. Vì theo quan sát của tôi suốt 8 năm qua trong lúc làm tư vấn hướng nghiệp cho các em và gia đình, miễn con cái hạnh phúc thì cha mẹ sẽ yên lòng.

Thông tin về tác giả Phoenix Hồ Phụng Hoàng

Chị Phoenix Hồ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Chị đã tham gia giảng dạy nhiều lớp hướng nghiệp cho giáo viên cấp 2, 3; và là tác giả cuốn sách “Cứ đi để lối thành đường”, với chủ đề về hướng nghiệp cho học sinh sinh viên.

Chị Phoenix có bằng Thạc sĩ Tư vấn và Phát triển Hướng nghiệp của trường Đại học Santa Clara (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quản trị Giáo dục của trường Đại học RMIT. Chị từng giữ vị trí Quản lý tư vấn và hướng nghiệp tại trường Đại học RMIT Việt Nam trong nhiều năm.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.