Không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để hiểu tâm tư tình cảm của những cô cậu mới lớn, các bậc cha mẹ ngày nay thường tìm cách làm bạn với con trên mạng xã hội Facebook. Thế nhưng, không phải lúc nào các con cũng hào hứng với ý tưởng này, nhiều trường hợp cha mẹ còn ngậm ngùi nhận thông báo “đã bị chặn” hoặc ngã ngửa vì con đã “huỷ kết bạn” với mình từ lúc nào. Bài viết này chính là “bộ quy tắc ứng xử” giúp cha mẹ có thể dễ dàng trở thành người bạn “thật teen” trên Facebook của con.
Quy tắc số 1: Đừng trở thành một thám tử nghiệp dư
Nhiều cha mẹ coi Facebook như một công cụ đắc lực để kiểm soát hoạt động của con. Kết quả là, con thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi dạng: “Sao con bảo ngủ sớm mà 12h30 đêm qua mẹ vẫn thấy con online?”; “Cái áo trên hình con up chiều nay là mới mua à?”… Những câu hỏi chẳng khác gì thẩm vấn như thế này chắc chắn sẽ khiến con cảm thấy “đời tư” bị xâm phạm nghiêm trọng.
Không chỉ là “chặn” hay “huỷ kết bạn”, thế hệ internet này còn có những chiêu thức khác như ẩn bài đăng với cha mẹ hay lập một tài khoản mới chỉ để kết bạn với “hội người già”. Không sớm thì muộn, con sẽ nghĩ ra cách ẩn đi những thông tin này nếu cha mẹ cứ đóng vai thám tử dò xét. Vì thế, trong trường hợp thực sự muốn hỏi con về một câu chuyện nào đó, tốt hơn hết cha mẹ đừng nói rằng mình đã thấy nó trên Facebook. “Mẹ nghe em con kể” có thể sẽ là phương án “nghi binh” tốt hơn.
Quy tắc số 2: Gọi điện cho cha mẹ của bạn con không phải là cách trả lời bình luận hay
Phản ứng thái quá có lẽ là điều đáng sợ nhất đối với các con. Một cô bé từng kể trong chán chường và giận dỗi về việc mình đã xấu hổ ra sao khi mẹ em gọi điện cho mẹ của một bạn nam khác trong lớp chỉ vì một bình luận “có vẻ” nhiều tình cảm của bạn trai đó. Hoá ra, đó chỉ là lời của một bài hát đang nổi mà thôi.
Tôi vẫn nhớ lời khuyên hài hước mà rất đúng của một chuyên gia tâm lí dành cho các bậc cha mẹ trước khi vào trang cá nhân của con mình – “Đừng hoảng”. Hãy nhớ lại những điều “điên rồ” mình từng làm khi còn là những cô cậu tuổi teen, hãy nhớ lại những lần hò hẹn đầy hồi hộp mình từng giấu cha mẹ, hãy nhớ lại, tuổi 15 mình đã có nhiều “bí mật động trời” như thế nào. Đôi khi, ngẫm lại, những điều “hư hỏng” hay “nhố nhăng” kia có lẽ lại chẳng nghiêm trọng đến thế. Nếu thực sự muốn biết liệu con có đi quá giới hạn, hỏi trước ý kiến giáo viên chủ nhiệm sẽ là một cách xử sự hợp lí hơn.
Quy tắc số 3: Trên Facebook, con đã là người lớn
Một số cha mẹ lại hết sức cố gắng trở thành một người bạn thân thiện và tích cực với con trên Facebook – “gắn thẻ” con vào vô số bài báo về sức khoẻ hay các cạm bẫy học đường, “bình luận” vào tất cả các bức ảnh khen con, liên tục đăng ảnh của con, kể cả những bức ảnh từ thời còn bé mà chắc chắn sẽ làm giảm đi độ “ngầu” của một chàng trai 17 tuổi. Nếu bạn từng làm một trong các điều trên, đừng ngạc nhiên nếu một ngày nọ mình không thể “gắn thẻ” được con vào bức ảnh đi ăn cỗ của cả gia đình.
Bởi lẽ, các con dùng Facebook khác với cha mẹ. Trang cá nhân chính là “bộ mặt” mà con muốn xây dựng trước bạn bè. Hình ảnh, câu chữ, thậm chí đến những thông tin được chia sẻ cũng phải do các con “kiểm duyệt” kĩ lưỡng.
Các cô cậu tuổi teen ngày nay muốn trở thành những nhà sưu tầm giày, muốn check-in ở cửa hiệu trà sữa mới nhất, muốn chia sẻ những thành tích học tập mới hay kỉ niệm đi chơi cùng các bạn chứ chưa chắc đã muốn trở thành cô bé làm vườn chuyên nghiệp. Chính vì vậy, tốt hơn hết cha mẹ hãy gửi tin nhắn riêng hoặc hỏi ý kiến con trước khi tag con vào bức ảnh nào nhé!
Quy tắc số 4: Dù sao thì Facebook cũng là thế giới của riêng con
Thực ra, trên Facebook con luôn muốn được có không gian riêng. Vì thế, có khi trở thành những người bạn “thầm lặng” của con trên Facebook lại là điều hay: thỉnh thoảng nhấn “thích” một chiếc ảnh của con, khen ảnh đại diện mới của con trong bữa ăn cơm, nhắn tin chia sẻ cho con một bài hát nhẹ nhàng vào đợt thi cử căng thẳng… Đó là những cách rất tinh tế khiến con cảm thấy hoàn toàn thoải mái với sự hiện diện của cha mẹ trên mạng xã hội phức tạp này.
Xét đến cùng, sẽ chẳng có quy tắc nào lớn hơn sự tôn trọng quyền cá nhân của con. Vì thế, bồng bột của tuổi trẻ, nhiều khi can thiệp của người lớn là bắt buộc, nhưng đôi khi cũng rất cần những bao dung.
Hãy kể với chúng tôi những trải nghiệm của chính bạn khi “làm bạn” với con trên Facebook để cùng chia sẻ kinh nghiệm với những bậc cha mẹ khác nhé.
Giang Nguyễn