“Em luôn cảm thấy mình không xứng đáng với những gì có được”.

Đó là câu nói mà Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, hiện đang là tham vấn viên tâm lý tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội, thường xuyên “phải” nghe trong những lần tham vấn với các em học sinh sinh viên.

Theo Thạc sĩ Mai, không phải các em sa sút hoặc gặp khó khăn trong học tập mới là người lo lắng mà chính nhiều em với “bảng vàng” thành tích từ điểm số đến hoạt động xã hội mới phải chật vật với cảm giác lo âu và tội lỗi bởi “dường như những gì em làm đều chưa đủ”.

Các em có thể đạt được điểm số ấn tượng, đồng thời đang điều hành các dự án xã hội do mình khởi xướng, hoặc có một công việc bán thời gian khác tạo thu nhập tốt… nhưng lại mang trong mình nhiều cảm giác thua kém ở bản thân. Luôn có một nỗi sợ vô hình nhưng đè nặng lên các em rằng những thành công các em đạt được đều chỉ là may mắn và đến một ngày nào đó, khi may mắn không còn, mọi người sẽ nhận ra các em thực ra chẳng có gì và là kẻ thất bại hoàn toàn.

Cha mẹ có thấy bất ngờ với thực tế này? Bởi có lẽ, góc nhìn của đa số cha mẹ vẫn là: “Nếu con mình học tốt, đạt nhiều thành tích, tham gia nhiều hoạt động thì có gì để phải lo lắng?”

Trong bài viết này, thạc sĩ Phạm Thanh Mai sẽ chia sẻ cùng cha mẹ về “Hội chứng kẻ giả mạo” – một vấn đề tâm lý mà ngày càng nhiều “con ngoan trò giỏi” mắc phải, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sống của con.

Thuật ngữ “hội chứng kẻ giả mạo” (impostor syndrome) lần đầu được đưa ra bởi Tiến sĩ Tâm lý học Pauline Rose Clance vào những năm 1970 [1] nhằm mô tả lại một nhóm những biểu hiện điển hình quan sát thấy ở những cá nhân đạt thành tựu cao nhưng luôn nghi ngờ năng lực của mình và cảm thấy bản thân thua kém. Những biểu hiện này là:

📍 Cho rằng thành công đều do may mắn hay do điều kiện thuận lợi bên ngoài tạo nên
📍 Không công nhận năng lực của bản thân như một thứ có giá trị
📍 Không nhìn nhận chính xác những thành công đạt được, có xu hướng đánh giá thấp những gì mình đạt được
📍 Cho rằng bản thân không xứng đáng với những lời khen ngợi hay sự chú ý từ mọi người
📍 Có nỗi sợ thường trực bị “vạch trần” như một người thiếu năng lực
📍 Khó để cảm thấy hài lòng với bản thân hay những gì đạt được, luôn cảm thấy mình phải cố hơn nữa
📍 Trì hoãn hay né tránh, không dám hành động để đạt được mục tiêu của bản thân; sợ thất bại

Mặc dù không được coi là một dạng rối loạn tâm thần, hội chứng kẻ giả mạo có thể gây nên nhiều khó khăn tâm lý và ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sống của con. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hội chứng này đi liền với gia tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm [2].

Trong một số trường hợp, chính nỗi lo sợ thường trực bị “vạch trần” như một kẻ kém cỏi thúc đẩy các bạn trẻ học hay làm việc quá sức, dẫn đến trạng thái kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần.

Trong một số trường hợp khác, nỗi sợ này lại trở thành rào cản khiến các em không dám đón nhận những thử thách mới và làm hạn chế tiềm năng phát triển của các em. Khi đi làm, cảm giác không xứng đáng có thể khiến các em thiệt thòi khi không dám đàm phán lương hay chọn những vị trí công việc không tương xứng với năng lực. 

Cách nuôi dạy trong gia đình có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành những góc nhìn về bản thân ở con trẻ. Điều này đồng nghĩa có một số cách thức giáo dục không lành mạnh có thể vô tình khuyến khích sự hình thành hội chứng kẻ giả mạo ở con.

Cách thức đầu tiên có thể nói đến là lạm dụng sự trừng phạt hay chỉ trích. Những lời chê trách hay chỉ trích thường xuyên về bất kể điều gì con làm có thể khiến con hình thành niềm tin bản thân không đủ tốt cho dù mình có cố gắng đến đâu.

Một dạng thức khác của sự chỉ trích mà nhiều bậc phụ huynh thường làm là so sánh con với người khác hoặc tạo ra một môi trường cạnh tranh quá mức cho con (bắt buộc con phải tham gia rất nhiều cuộc thi để chứng tỏ năng lực).

Câu nói “áp lực tạo kim cương” trong những tình huống này không hoàn toàn chính xác. Kim cương chỉ hình thành trong điều kiện áp lực và nhiệt độ phù hợp, nếu áp lực quá cao, thậm chí những nguyên tố để tạo thành kim cương có thể bị bay hơi. Tương tự cũng vậy, con chỉ phát triển tốt nhất trong một ngưỡng áp lực phù hợp. Nếu đi quá xa, có thể gây ra những căng thẳng không đáng có và thui chột năng lực của con.

Cách thức thứ hai, dù cho trông hoàn toàn đối ngược với cách thức kể trên, lại có thể đưa đến cùng kết quả: khi cha mẹ “tắm” con trong những lời khen và động viên thái quá. Điều này có thể khiến cha mẹ ngạc nhiên xét đến việc rất nhiều thông tin hiện giờ khuyến khích cha mẹ khen ngợi con cái.

Khen ngợi là điều tốt nhưng nếu cách khen không phù hợp, có thể vô tình tác động xấu tới sự tự tin của con. Chẳng hạn, rất nhiều bậc phụ huynh, khi con gặp khó khăn, sẽ động viên bằng câu nói “không sao cả, gì cũng có thể làm được hết. Chỉ cần con cố gắng.”

Thực tế là không phải chuyện gì cũng có thể đạt được như cách chúng ta mong muốn dù chúng ta cố gắng. Đã có không ít bạn chia sẻ trong phòng tham vấn rằng những lời động viên này khiến các bạn cảm thấy tệ hơn, giống như các bạn chưa nỗ lực đủ, hay ai cũng có thể làm được, nhưng vì bản thân các bạn có khiếm khuyết gì đó nên mới không làm được.

📍 Động viên và khen ngợi đúng cách

Thay vì những câu động viên chung chung và mang tính “tuyệt đối hóa” như “con có thể làm bất kì điều gì” hay “chỉ cần cố là được”, cha mẹ có thể học cách đưa ra những lời động viên hay khen ngợi cụ thể hơn. Chẳng hạn, “mẹ rất vui vì con tự giác học mà không cần mẹ nhắc”. Hoặc, công nhận những nỗ lực con bỏ ra dù kết quả chưa được như ý: “ba biết là con đã cố gắng rất nhiều. Nhưng đôi khi kết quả không tỉ lệ với nỗ lực mình bỏ ra. Nhưng con luôn có cơ hội khác.”

Đọc thêm: Khen con sao cho đúng hay những cách hợp lý để ghi nhận những nỗ lực của con

📍 Đặt những mục tiêu phù hợp

Làm cha làm mẹ, chúng ta đều có những kì vọng nhất định cho con. Thế nhưng, chúng ta cũng cần hiểu rằng những gì chúng ta muốn ở con không phải lúc nào cũng là phù hợp với con hay là điều tốt nhất cho con. Vậy nên các bậc phụ huynh được khuyến khích lắng nghe con mình và cùng con xác định những mục tiêu phù hợp với năng lực, sở thích, và quỹ thời gian mà con có.


📍 Cùng con đối diện với thất bại

Khi con gặp thất bại nào đó, thay vì né tránh nói về nó hay vội vàng xoa dịu con, cha mẹ có thể cùng con trò chuyện cởi mở về lần không thành công này. Tập trung cùng con làm rõ điều gì con thấy bản thân đã làm tốt, điều gì con thấy có thể cần làm khác đi ở lần sau, con có cần thêm giúp đỡ từ ai, như thế nào để lần tới có thể thành công hơn.

Đọc thêm: Làm sao để giúp con đối diện với thất bại?

📍 Học cách chấp nhận những điểm không hoàn hảo ở bản thân

Nếu cha mẹ đang đòi hỏi sự hoàn hảo ở chính mình, khả năng cao cha mẹ sẽ đòi hỏi sự hoàn hảo ở con. Gợi ý này trước hết khuyến khích cha mẹ nhìn lại và suy ngẫm liệu mình có đang tự đòi hỏi thái quá ở mình.

Đã có không ít trường hợp các em nữ đến tham vấn gặp vấn đề rối loạn ăn uống và trầm cảm bởi mẹ của các em gặp vấn đề tương tự. Hay những em trai phải đương đầu với áp lực thành công quá lớn bởi cha các em đạt nhiều thành tựu và kì vọng điều tương tự ở các em.

Dù là ai trong chúng ta, cũng sẽ có những thành công và thất bại, những điều khiến ta tự hào cũng như những điều còn cần cải thiện. Đó có lẽ là điều mà cha mẹ sẽ cần tự nhắc với chính mình và với con, để chúng ta có thể hiểu và chấp nhận cho sự không hoàn hảo của nhau.


👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con tại chuyên mục Nuôi dạy con

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.