mô hình chữ T

Nhiều cha mẹ vẫn luôn tin rằng “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, tức sự am hiểu ở một lĩnh vực nhất định sẽ tốt hơn việc biết mỗi thứ một chút. Thế nhưng, trong một thế giới phát triển công nghệ không ngừng với nhiều ngành nghề từng hot một thời như ngân hàng, kế toán… đang dần biến mất, liệu chuyên môn hóa có còn là lối đi bảo chứng thành công cho con?

Trong bối cảnh này, hẳn biết nhiều sẽ có lợi bởi con sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn những bạn bè lựa chọn biết ít nhưng sâu. Nhưng thời gian và sức người hữu hạn. Nếu học tập và rèn luyện một cách quá dàn trải, con sẽ rơi vào trạng thái hoang mang và khó nổi bật giữa một dàn đối thủ đều là những người “biết tuốt”.

Vậy học “rộng” và học “sâu”, đâu mới là con đường chân lý mà các bậc cha mẹ và con nên hướng tới trong quá trình học tập và phát triển bản thân để sống sót trong một tương lai đầy biến động?

Hãy cùng RMIT & Cha mẹ đi tìm câu trả lời thông qua Chữ T – mô hình phát triển kỹ năng phổ biến được sử dụng để đánh giá và phát hiện nhân tài tại các tập đoàn lớn trên thế giới như McKinsey, Google…


Mô hình chữ T là gì?

Đúng như tên gọi, mô hình chữ T (Chữ T model) được cấu thành bởi 1 trục tung và 1 trục hoành, xếp lại với hình dáng giống như chữ T.

➡️ Trục tung hay chiều thẳng đứng của chữ T thể hiệu chiều sâu về kiến thức và kinh nghiệm ở một lĩnh vực nhất định (Deep Expertise).

➡️ Trục hoành hay chiều ngang của chữ T phản ánh độ “rộng” hay sự đa dạng về kiến thức và kỹ năng của một cá nhân (Wide Knowledge Base).

Tiền đề của mô hình chữ T đó là chúng ta KHÔNG NÊN tập trung phát triển đơn phương chiều sâu hay chiều rộng, mà phải vừa có chuyên môn thế mạnh, vừa chủ động tìm tòi, học hỏi để có thêm hiểu biết về những lĩnh vực liên quan. Nói cách khác, mô hình chữ T khuyến khích người học: 1) xác định rõ một bộ kỹ năng lõi, và 2) tìm cách mở rộng các bộ kỹ năng có liên quan để phát triển toàn diện và bổ trợ bộ kỹ năng lõi một cách tốt nhất.

Ví dụ, thay vì chỉ tập trung học 3 môn Toán – Lý – Hóa để thi đại học như bạn bè, một học sinh ban A phát triển theo mô hình chữ T cũng không nên lơ là các môn học khác bởi những kỹ năng thu nhận được từ các môn học đó sẽ bổ trợ cho sự phát triển của nhóm ngành chính mà con chọn. Chẳng hạn, học tốt môn tiếng Anh sẽ giúp con tiếp cận nguồn tài nguyên, học liệu khổng lồ về khoa học của thế giới và dễ dàng tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế Toán – Lý – Hóa; trong khi đó, môn Tin học lại dạy con tìm kiếm nguồn tri thức mở trên mạng Internet một cách an toàn và bảo mật; môn Ngữ văn rèn luyện cho con tư duy nghị luận, phản biện, giúp con tự tin trình bày và bảo vệ thành quả nghiên cứu khoa học ở các bậc học cao hơn sau này…

✅ Một vài đặc điểm phổ biến của một học sinh, sinh viên phát triển theo mô hình Chữ T:

▪️Yêu thích và giỏi ít nhất một môn học/ngành học sở trường
▪️Có hiểu biết cơ bản về một số môn học/ngành học có liên quan
▪️Có thể giao tiếp và cộng tác với những người cùng hoặc không cùng chuyên môn
▪️Thấu hiểu những khó khăn, trở ngại mà những người theo học ngành học/hướng chuyên môn khác với mình thường gặp phải
▪️Tư duy cởi mở, khát khao dung nạp tri thức bất kể kiến thức đó có trực tiếp liên quan đến môn học/ngành học đang theo đuổi hay không

Vì sao con nên áp dụng mô hình chữ T càng sớm càng tốt?

So với 2 lộ trình truyền thống là trở thành chuyên gia (học “sâu”) và làm quản lý (học “rộng”), mô hình Chữ T đem lại rất nhiều lợi thế vượt trội. Người áp dụng Chữ T được trang bị sự linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những tình huống nằm ngoài chuyên môn, cùng tâm lý “bọt biển” luôn sẵn sàng, thậm chí hưng phấn khi được tiếp thu kiến thức mới nằm ngoài phạm vi chuyên môn của mình.

Với các con học sinh cấp 2 và cấp 3, các con lại càng nên áp dụng mô hình Chữ T càng sớm càng tốt bởi 3 lý do chính sau.

1️⃣ Tránh học lệch, giảm thiểu nguy cơ “đâm lao thì phải theo lao”

Tình trạng học lệch không còn là một hiện tượng hiếm gặp. Càng học lệch trong một khoảng thời gian dài, con sẽ càng mất gốc ở những môn học khác, dẫn đến việc tự giới hạn cơ hội và những lựa chọn nghề nghiệp của mình ở một nhóm môn nhất định.

Trái lại, khi học theo mô hình Chữ T, con sẽ học một cách vừa chuyên sâu vừa toàn diện, qua đó tránh được tình trạng “đâm lao phải theo lao” bởi con vẫn có kiến thức nền tảng ở các môn học khác, đủ để con có thể “bẻ lái” bất kỳ lúc nào nếu thị trường có sự biến đổi về nhu cầu tuyển dụng hoặc con thấu hiểu bản thân hơn và có quyết định thay đổi ngành học.

2️⃣ Trau dồi kỹ năng mềm

Việc phát triển theo mô hình Chữ T sớm không chỉ giúp con phân bổ phạm vi và công sức học tập một cách hợp lý, mà còn tạo môi trường thúc đẩy phát triển kỹ năng mềm cho con. Cụ thể, với sự linh hoạt sẵn có cùng lượng kiến thức vừa sâu vừa rộng, con có thể dễ dàng giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, từ thầy cô, bạn bè cho đến sau này là đồng nghiệp, bất kể người đối diện có nền tảng chuyên môn ở lĩnh vực nào. Bên cạnh đó, khi phát triển theo mô hình Chữ T, một cách tự nhiên, con sẽ cân bằng được giữa việc nhìn vào bức tranh tổng thể và việc chú ý tiểu tiết thuộc phạm trù chuyên môn, qua đó cải thiện đáng kể năng lực phân tích, xử lý vấn đề và giải quyết tình huống.

3️⃣ Trở thành người “đa-zi-năng” luôn được săn đón

Lisa Stern Hayes – nhà tuyển dụng của Google từng chia sẻ quan điểm tuyển dụng của Google thế này: “Google có tốc độ phát triển rất nhanh. Nếu chúng tôi thuê những người chỉ chuyên một mảng nhất định thì khi công ty cơ cấu cải tổ, chúng tôi không thể sử dụng những người đó được nữa. Vì vậy, giải pháp thông minh nhất là tìm những nhân sự linh hoạt, sẵn sàng đảm đương mọi vị trí được giao.”

Không chỉ Google mà rất nhiều công ty lớn trên thế giới đều đã thay đổi triết lý tuyển dụng từ tuyển chuyên gia sang tuyển những người đa-zi-năng. Bởi vậy, lời khuyên của Tiến sĩ Vikram Mansharamani giảng viên Đại học Harvard dành cho các bạn trẻ đó chính là: hãy cố gắng đa dạng hóa kỹ năng và kinh nghiệm càng sớm càng tốt, bởi kiến thức đa ngành và sự linh hoạt cùng khả năng thích ứng nhanh đều cần bồi đắp trong thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều là có thể thành thạo. 

3 bước giúp con phát triển theo mô hình chữ T

Để phát triển theo Mô hình Chữ T, con cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể. Cha mẹ có thể tham khảo 3 bước dưới đây để giúp con định hướng tốt hơn trong việc học hỏi các bộ kỹ năng mới và gia tăng lợi thế cạnh tranh cho bản thân.

➡️ BƯỚC 1: Xác định bộ kỹ năng lõi

Bộ kỹ năng lõi chính là nhóm kỹ năng, môn học hoặc thế mạnh mà con đang sở hữu và muốn phát triển lâu dài. Để thực hiện bước này, cha mẹ và con có thể tham khảo các công cụ hướng nghiệp khác nhau như trắc nghiệm hướng nghiệp Holland, trắc nghiệm tính cách MBTI hay trò chuyện với chuyên gia hướng nghiệp.

Ví dụ, Linh – một học sinh lớp 12 chuyên Văn ở Hà Nội – sau khi tìm hiểu thì nhận ra thế mạnh của bạn là khả năng sáng tạo nội dung. Bản thân Linh cũng nhận thấy mình dành rất nhiều thời gian xem video từ các nhà sáng tạo nội dung khác trên YouTube, TikTok và được truyền rất nhiều cảm hứng từ họ. Từ đó, Linh ấp ủ mong muốn theo học và làm việc trong ngành Truyền thông, đặc biệt là ở mảng sáng tạo nội dung, và bạn xác định kỹ năng lõi của mình chính là lên kịch bản nội dung truyền thông số.

➡️ BƯỚC 2: Xác định bộ kỹ năng mở rộng cần trau dồi

Bộ kỹ năng mở rộng là nhóm kỹ năng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bộ kỹ năng lõi mà con cần rèn luyện bổ trợ cho bộ kỹ năng lõi.

Ở ví dụ của Linh, để thành công trong ngành Truyền thông, bạn hiểu rõ chỉ biết sáng tạo nội dung thôi là chưa đủ. Vì vậy, Linh đã nhìn nhận lại và khoanh vùng nhóm những kỹ năng liên quan trong ngành Truyền thông có thể bổ trợ cho kỹ năng lõi của bạn như:

–Kỹ năng thiết kế đồ họa, sản xuất và dựng video
–Kỹ năng giao tiếp, đàm phán, đối ngoại
–Kỹ năng làm việc trong đội nhóm
–Ngoại ngữ

➡️ BƯỚC 3: Lập kế hoạch chi tiết để hoàn thành mục tiêu

Sau khi đã phân tích rõ bộ kỹ năng lõi và kỹ năng mở rộng cần trau dồi, cha mẹ có thể cùng con lên một lộ trình cụ thể, với bối cảnh và thời gian dự trù hợp lý để hiện thực hóa mục tiêu. Một nguyên tắc cha mẹ và con cần ghi nhớ đó là nên đánh thứ tự những kỹ năng cần ưu tiên trau dồi thay vì cùng lúc phát triển nhiều kỹ năng.

Ví dụ, ở trường hợp của Linh, gia đình có thể động viên bạn tham gia một vài khóa học online nhập môn về các phần mềm đồ họa như Photoshop, Illustrator, Premiere ngay từ khi học cấp 3 để bạn rèn luyện tư duy thẩm mỹ và kỹ năng sử dụng phần mềm đồ họa. Linh cũng có thể tích cực tham gia các hoạt động đoàn đội, các câu lạc bộ ở trường để trau dồi khả năng làm việc trong đội nhóm. Một cách khác giúp Linh bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, đàm phán và đối ngoại đó là tham gia các hoạt động thiện nguyện và tích cực gặp gỡ, xin tài trợ từ các công ty, tổ chức quan tâm.

Đọc thêm: Phương pháp 3x3x3 giúp con học tập và chinh phục mục tiêu hiệu quả


👉 Tìm hiểu về các chương trình Cử nhân tại RMIT tại đây

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.