Học RMIT có “nặng” không?

Trong quá trình tiếp xúc với cha mẹ và các em học sinh, chúng tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi về kinh nghiệm cho con học tại RMIT. Một trong những băn khoăn chúng tôi thường nhận được ở cha mẹ đó là “nghe mọi người nói học RMIT nặng“, “tiếng Anh đòi hỏi cao” và sợ con không thể theo kịp bạn bè…

Để giải tỏa những lo lắng của cha mẹ và các em sinh viên tương lai, chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây do bạn Lê Tuấn Anh, một cựu sinh viên RMIT, hiện đang là quản lý chuyên môn hướng nghiệp tại TopCV – một công ty top đầu về tuyển dụng, đồng thời là chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cá nhân, nhằm giúp cha mẹ có thể góc nhìn khách quan về việc chuyển dịch học phổ thông lên đại học nói chung, học tại RMIT nói riêng và những điều cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con.

“Học RMIT nặng vì phải học tiếng Anh”

Vế sau của câu nói trên hoàn toàn đúng, học tại RMIT 100% bằng tiếng Anh. Là môi trường quốc tế, mọi tương tác giữa sinh viên với thầy cô, bạn bè trong lớp, các bài viết và thuyết trình đều là 100% tiếng Anh. Với các em học sinh đã có nền tảng tiếng Anh từ THPT, điều này có thể không phải một vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên đây có thể là việc gây lo lắng với các em chưa có xuất phát điểm tiếng Anh tốt.

Nếu xuất phát điểm tiếng Anh chưa tốt, có nhiều cách để xử lý được vấn đề này. Bản thân tôi khi bắt đầu học tại RMIT được đánh giá vào nhóm “tiếng Anh chỉ đủ biết chào hỏi”, tôi đã dành một năm theo học chương trình tiếng Anh tại RMIT. Một năm ngoài việc cải thiện kỹ năng ngoại ngữ, tôi học được cả các kỹ năng về học thuật, cách làm việc và hòa nhập với môi trường đại học, từ đó khiến cho việc chuyển tiếp vào chương trình đại học không quá khó khăn. Một lựa chọn khác cho các em học sinh là theo học các chương trình tiếng Anh bên ngoài hoặc tự ôn luyện để đạt mức chuẩn đầu vào IELTS 6.5. Với mức điểm này, các em hoàn toàn có thể tự tin học tập tại trường.

Việc học 100% tiếng Anh chính là một điểm cộng lớn của sinh viên RMIT khi tốt nghiệp ra trường. Có thể kết quả tốt nghiệp khác nhau, có người khác người giỏi, nhưng một đặc điểm chung của đa số sinh viên RMIT là trình độ ngoại ngữ sau 3-4 năm học tại trường đều vững, đủ để làm việc tại các công ty nước ngoài và được nhiều nhà tuyển dụng săn đón.

Đọc thêm: Giúp con giảm bớt áp lực khi học tiếng Anh tại RMIT

“Chương trình học vất vả, thấy các con thường xuyên phải ở lại thư viện và thức đêm làm bài”

“Chạy deadline”, hay làm bài tập để kịp thời gian nộp theo yêu cầu thầy cô là “đặc sản” của sinh viên, không chỉ riêng tại RMIT mà tại bất kỳ trường đại học nào. Cha mẹ không nên quá lo lắng vì chính những trải nghiệm với “núi bài tập” này là một cách rất tốt để rèn rũa các con kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc, đương đầu với áp lực – những kỹ năng rất cần để các con sau này ra đời tự lập.

Tại RMIT, mỗi ngành học có từ 24 – 36 môn, một năm 3 kỳ học và mỗi kỳ học các con có thể chọn học 1 – 4 môn. Lựa chọn học ít hoặc nhiều là do cá nhân mỗi bạn sinh viên. Có những bạn có mục tiêu tốt nghiệp nhanh để ra trường đi làm, các bạn chọn học 4 môn một kỳ, vì vậy trong kỳ học đó có thể có rất nhiều bài tập cần giải quyết trong cùng một thời điểm. Có những bạn ngoài việc học muốn trải nghiệm thêm các hoạt động ngoại khoá và đi làm thêm, nên chỉ học 1-2 môn trong kỳ, vì vậy việc học của bạn thảnh thơi hơn, nhưng bạn có thể thường xuyên ra ngoài hơn để tham gia hoạt động CLB hoặc đi làm thêm.

“Sợ con thua kém bạn bè”

Một nỗi sợ khác đến từ cha mẹ là sợ con không bằng bạn bè, cùng tuổi con có bạn đã học đến năm 2 trường khác nhưng con mới bắt đầu chương trình tiếng Anh hoặc năm nhất tại RMIT. Hoặc các bạn có khả năng học hiểu bài nhanh hơn, con mình học chậm hơn hoặc sự tập trung ngắn hơn các bạn, sợ không theo kịp. Đây là nỗi sợ chính đáng từ phía cha mẹ, tuy nhiên các vấn đề trên khó xuất hiện tại RMIT, nếu có xuất hiện cũng có những phòng ban hỗ trợ kịp thời.

Đầu tiên là việc học ‘lệch’ thời gian với bạn bè, đây là việc hoàn toàn bình thường trong cộng đồng sinh viên RMIT. Tùy theo cách sắp xếp lịch học theo thời gian mà tôi đã liệt kê ở trên, có bạn học nhanh, có bạn học chậm. Việc trong lớp có những bạn 2004 ngồi học cùng các anh chị 2000, 2001 là việc không hiếm gặp tại trường. Sinh viên trong trường cũng không quá để ý đến chuyện này.

Thứ hai, nếu một bạn sinh viên có vấn đề trong việc tiếp thu kiến thức một môn học, bạn hoàn toàn có thể liên hệ ngay lập tức với thầy cô giảng dạy và các phòng ban hỗ trợ sinh viên của trường. Nhà trường có các phòng ban hỗ trợ về kiến thức học tập, được hướng dẫn từ các bạn ‘gia sư’ là những bạn điểm cao kỳ trước, ngoài ra còn có những hỗ trợ về phương pháp học tập và tâm lý để các bạn học tập tốt hơn. Học cùng các anh chị lớn hơn không những không đáng ngại mà còn rất có lợi, con có thể được các anh chị dẫn dắt, giúp đỡ và học được rất nhiều điều bổ ích cả về kiến thức và kỹ năng sống, học tập và làm việc từ các anh chị “tiền bối”. Việc cha mẹ có thể giúp con là hãy cho con biết và chủ động tìm đến các đơn vị hỗ trợ này, vì đôi khi các bạn trẻ bây giờ ‘ngại’ mà bỏ mất các dịch vụ có ích của trường.

Hành trình từ cấp 3 lên đại học của con chắc chắn là một hành trình lạ lẫm, mới mẻ không chỉ với con mà còn với cha mẹ. Rất nhiều nỗi sợ có thể xuất hiện, tuy nhiên hiểu đúng về những nỗi sợ này sẽ giúp cha mẹ đồng hành giúp con tự tin hơn trên hành trình làm người lớn của mình.


👉 Đọc thêm: Những lý do cha mẹ lựa chọn RMIT cho hành trình đại học rực rỡ của con

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.