– Nghề Quản trị Nguồn nhân lực liệu có đất phát triển không?
– Con tôi học xong ngành này, ra trường có thể xin việc ở những đâu?
Đó là những trăn trở của nhiều bậc cha mẹ định cho con theo học ngành Quản trị Nguồn nhân lực.
Thực tế, khi học ngành Quản trị Nguồn nhân lực tại RMIT, con bạn có thể tìm việc ở 3 nhóm công ty như sau:
1. Các tập đoàn trong nước hoặc toàn cầu
Số lượng nhân sự của các tập đoàn lớn có thể lên tới hàng ngàn người, chính vì vậy, bộ phận quản trị nguồn nhân lực tại những tập đoàn này đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ tính riêng những vị trí liên quan đến quan đến quản lý nguồn nhân lực cũng có thể lên tới vài chục người. Tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi người, con bạn có thể bắt đầu với một trong các vị trí như tuyển dụng, đào tạo nhân sự, hay tiền lương & phúc lợi…; Sau một khoảng thời gian thử sức và xác định được một lĩnh vực hứng thú, con sẽ tập trung phát triển sự nghiệp theo nhánh đó. Ví dụ, nếu con muốn sau này trở thành Giám đốc Nhân sự (HR Director) thì lộ trình thăng tiến sẽ là bắt đầu từ Chuyên viên tuyển dụng (HR Recruitment Executive) → Điều phối Nhân sự (HR Coordinator) → Quản lý Nhân sự (HR Manager) → HR Director. Hoặc nếu con muốn chuyên về mảng Tiền lương và Phúc lợi thì con đường nghề nghiệp sẽ là: Chuyên viên Tiền lương và Phúc lợi (C&B Executive) → Chuyên gia Tiền lương & Phúc lợi (C&B specialist/Senior C&B Officer → Giám sát Tiền lương & Phúc lợi (C&B supervisor/Team leader) → Quản lý Tiền lương & Phúc lợi (C&B Manager).
2. Các công ty vừa và nhỏ, hay start-up
Trong những năm gần đây, ngay cả các công ty vừa và nhỏ cũng dành một khoản đầu tư nghiêm túc cho các vị trí về nhân sự. Lý do quan trọng nhất là do con người chính là yếu tố thành-bại của các công ty này. Việc chiêu mộ nhân tài, giữ chân nhân tài và có các chính sách nhân sự phù hợp sẽ giúp các công ty start-up, nhỏ và vừa nuôi dưỡng và duy trì được một nguồn nhân lực chủ chốt, giúp công ty phát triển bền vững. Vị trí nhân sự ở các công ty này không được chuyên môn hoá như ở các tập đoàn lớn, bù lại, khi làm tại đây, con bạn sẽ được thử sức ở nhiều mảng khác nhau, không chỉ gói gọn trong quản lí lương thưởng hay các chế độ đãi ngộ nhân viên, mà còn được mở rộng ra với nhiều lĩnh vực đa dạng như chiêu mộ nhân tài, giữ chân nhân tài, tư vấn nguồn lực, đào tạo và phát triển nhân viên, xây dựng lộ trình thăng tiến.
3. Các công ty tuyển dụng trung gian, hay cung cấp dịch vụ cung ứng nguồn nhân sự
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao, hay tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn (có khi lên đến hàng trăm người cùng một lúc) dẫn đến sự ra đời của các công ty tuyển dụng trung gian (agency tuyển dụng). Một vài tên tuổi trong lĩnh vực này có thể nhắc tới như Adecco Vietnam, ManpowerGroup Vietnam, First Alliances, Navigos Search, Robert Walters, vv…vv… Tại các công ty này, con có thể làm các vị trí như headhunter (“săn đầu người”) hay tư vấn về chiến lược nhân sự cho các công ty đối tác. Một lợi thế khi làm cho các công ty cung ứng nguồn nhân sự là các con sẽ được tiếp cận với những thông tin nóng hổi nhất về tất cả các ngành nghề, cụ thể như tiềm năng phát triển của ngành, mức lương trung bình hiện tại và mức lương được kỳ vọng trong tương lai. Trong đại dịch Covid-19, những người làm ngành nhân sự cũng là những người đầu tiên biết được ngành nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất (sụt giảm doanh thu, sa thải nhân viên, tái cấu trúc bộ máy…) và ngành nào có cơ hội phát triển tốt nhất trong và sau đại dịch.
Tựu chung lại, khi quyết tâm theo đuổi lĩnh vực nhân sự, chắc chắn sẽ không thiếu những cơ hội nghề nghiệp để con phát triển trong ngành này. Chưa kể, trước những tình huống bất định như Covid-19 thì cha mẹ có thể yên tâm vì nhân sự là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất. Bởi dù nền kinh tế có đi tới đâu, thì các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, vẫn luôn phải tìm cách duy trì bộ phận Quản trị Nguồn nhân lực.
Để tìm hiểu thêm về ngành Quản trị Nguồn nhân lực, cha mẹ có thể đọc thêm các bài viết dưới đây: