HỌC GÌ TỪ NHỮNG TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI NHẬT?

Gần 2 năm nay, triệu gia đình phải đối mặt với những vấn đề mới ngoài sức tưởng tượng do ảnh hưởng của đại dịch. Phải làm sao để bảo đảm an toàn cho tương lai của con? Cuộc sống của cả nhà rồi sẽ thế nào đây?

Sẽ có những lúc cha mẹ cảm thấy hoài nghi về những mục tiêu và lý tưởng sống từ biết bao lâu nay do phải thích nghi với sự thay đổi của toàn xã hội. Song, thay vì bị cuốn theo vòng xoáy ấy, thì cha mẹ hãy thử sống chậm lại và tham khảo những triết lý đã thành công trong việc hỗ trợ khắc phục khó khăn, nghịch cảnh mà nhiều thế hệ đi trước đã đúc kết.

Tại châu Á, có một quốc gia đã có bề dày lịch sử phải đối mặt với nhiều thiên tai và hạn chế về tài nguyên thiên nhiên chính là Nhật Bản. Bất chấp tất cả những điều đó, họ vẫn vươn lên bằng sự nỗ lực, kỷ luật và sáng tạo không ngừng nghỉ để trở thành quốc gia nằm trong TOP những đất nước phát triển nhất thế giới.

Nhiều văn hóa và lối sống bắt nguồn từ con người Nhật Bản đã được lan tỏa như: dinh dưỡng trong trường học, lối sống tối giản, nuôi dạy con kiểu Nhật, v.v… Tuy rằng không phải phong cách sống nào cũng phù hợp với đại chúng, nhưng những triết lý cuộc sống mà họ gìn giữ từ xưa tới nay vẫn luôn được nhiều người thán phục. Và đặc biệt, có khá nhiều nét tương đồng trong những triết lý cuộc sống của người Nhật và người Việt chúng ta.

Luôn luôn hướng về gia đình

Với nhiều người Nhật Bản, đời sống gia đình rất quan trọng. Có lẽ, đó là bởi xuyên suốt hành trình phát triển, họ đã chịu ảnh hưởng bởi những triết lý như Furusato (ふるさと), Ichi-go Ichi-e (一期一会) và Wabi-Sabi (わびさび).

Furusato mang ý nghĩa chỉ “quê nhà”, “quê hương”, hay còn đại diện cho phong cách sống luôn luôn hướng về nơi ta gọi là nhà. Đối với họ, nhà là nơi để ta gửi gắm trái tim mình, luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Ichi-go Ichi-e có thể hiểu là “nhất kỳ, nhất hội”. Khái niệm này được một bậc thầy trà đạo tại Nhật Bản mang đến với công chúng vào thế kỳ 16. Cha mẹ có thể hiểu đơn giản ý nghĩa của triết lý này rằng: Từng khoảnh khắc trong cuộc sống đều là độc nhất vô nhị và không bao giờ có thể xảy ra một lần nữa, vì vậy điều tốt nhất chúng ta có thể làm chính là trân trọng từng giây, nâng niu từng phút.

Wabi-Sabi tập trung vào việc tôn vinh và trân trọng cả những khiếm khuyết, không chê bai, không phán xét. Trong đó “Wabi” ý chỉ sự mộc mạc, hòa quyện với thiên nhiên, đơn sơ, giản dị. Còn “Sabi” lại miêu tả nét đẹp vô thường. Tuy khái niệm này thường được xem là chuẩn mực trong lĩnh vực thẩm mỹ như kiến trúc, thơ ca, hội họa, v.v… Song, cha mẹ cũng có thể áp dụng vào cách nhìn nhận và nuôi dạy con, rằng không có đứa trẻ nào là hoàn hảo, và chúng ta hoàn toàn có thể yêu cả những nhược điểm của con.

Cha mẹ không nên quá chìm đắm vào con cái mà đánh mất mình

Những triết lý sau đây không chỉ áp dụng vào việc nuôi dạy hay chỉ bảo con cái, mà còn giúp cha mẹ yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn. Cha mẹ hạnh phúc và mạnh mẽ thì hẳn con cũng sẽ được “kế thừa” những điều đó.

Isshokenmei (一生懸命) mang ý nghĩa “luôn luôn cố gắng”, “nỗ lực thật chăm chỉ”. Khi bắt đầu làm một việc gì đó dù lớn lao hay nhỏ nhặt, người Nhật luôn muốn dồn hết tâm sức cũng như khí lực của mình để hoàn thành công việc xuất sắc.

Oubaitori (桜梅桃李) ý chỉ chúng ta không nên mải miết so sánh cuộc đời mình với người khác. Thay vào đó, hãy tôn trọng từng nét cá tính và sự khác biệt của mình và mọi người. 4 âm tiết tượng trưng cho chữ Hán của 4 loài hoa nở vào 4 mùa khác nhau tại Nhật Bản, như muốn nói rằng mỗi chúng ta ai cũng giống như những loài hoa kia – bung nở đẹp nhất vào thời khắc của riêng mình.

Kensho (見性) là một thuật ngữ xuất phát từ thiền định, có thể hiểu đơn giản là “một trải nghiệm khiến người ta thức tỉnh”. Cha mẹ rất có thể đều đã trải qua một thứ gọi là “thời khắc Kensho”. Đó có thể là cảm xúc vui vẻ, hân hoan, thậm chí là nỗi đau, đến từ những khoảnh khắc có giá trị thúc đẩy sự phát triển cá nhân như mất đi người thân, thất bại trong công việc, học tập, v.v…

Ý nghĩa ẩn sâu sau khái niệm này chính là việc phải đối diện với bản chất của mọi việc là một phần tất yếu của cuộc sống, dù muốn hay không thì ta đều phải trải qua để đạt được thành công. Là người lớn, hẳn cha mẹ phải ôm trong lòng rất nhiều trải nghiệm khó quên. Đừng mải đắm chìm trong đó mà đánh mất hạnh phúc của giây phút hiện tại cha mẹ nhé, hãy trân trọng mọi thứ như thể mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó. 

Để vượt lên “nghịch cảnh”

Trải qua vụ nổ bom nguyên tử vào hai thành phố lớn cùng đợt động đất sóng thần lịch sử năm 2011, nhưng Nhật Bản vẫn vươn lên là một trong bốn con rồng của châu Á nhờ chịu ảnh hưởng bởi những tinh thần dưới đây:

Gaman (我慢) được hiểu là “chịu đựng những thứ tưởng như không thể bằng tất cả sự kiên nhẫn và niềm tin rằng rồi mọi thứ sẽ tốt hơn”. Triết lý quan trọng góp phần rèn giũa khả năng “vươn lên nghịch cảnh” của người Nhật này có sự tương đồng với “năng lực tự phục hồi” (Resilience) của phương Tây mà RMIT đã từng giới thiệu qua bài viết trước đó. Nhờ có tinh thần vững chắc này mà người Nhật đương đầu rất tốt với những khó khăn, đặc biệt cả trong giai đoạn phải đối mặt với Covid-19 hiện nay.

Mottainai (もったいない) muốn nói với chúng ta rằng hãy trân trọng đồ vật và không lãng phí. Vốn không nhận được nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên, nhiều gia đình tại Nhật Bản thường sống rất tiết kiệm và coi trọng việc tái chế, tái sử dụng. Triết lý này thật sự giá trị và có thể áp dụng rất tốt cho mọi gia đình trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” này: hạn chế mua đồ mới, thiếu thốn một chút so với mọi khi cũng không sao cả nếu biết tận dụng và trân trọng mọi thứ mà ta có. 

Hãy sống thật tốt nhé!

Là độc giả của RMIT và Cha Mẹ, chắc hẳn gia đình đều đã biết đến Ikigai (生きがい) – bí quyết của người Nhật giúp chúng ta tìm ra lẽ sống cuộc đời. Nhắc lại một chút thì Ikigai là điểm giao của 4 vòng tròn lớn: (1) Điều bạn thích, (2) Điều thế giới cần, (3) Điều bạn được trả tiền, (4) Điều bạn giỏi. Khi tìm được điểm giao đó, cũng là lúc ta tìm ra sứ mệnh và con đường riêng của bản thân để có được một cuộc sống viên mãn.

Nếu còn mông lung về lý tưởng hay mục đích sống, thì đừng quên tìm lại lẽ sống của chính mình thông qua Ikigai, bởi đó chính là kim chỉ nam cho từng bước ta đi. Người Nhật quan niệm rằng phải thật tin tưởng vào bước đi của bản thân, thì mới vững tâm trước mọi sóng gió được.

Cuối cùng, cha mẹ có thể tham khảo thêm về tinh thần hiếu khách Omotenashi (おもてなし), tinh thần khiêm tốn và khách khí Enryo (遠慮) hay nếp sống tối giản hóa Shibui (渋い) nữa nhé.

Người Nhật nổi tiếng với phong cách chuyên nghiệp trong công việc, dịch vụ; đồng thời cũng rất giản dị, hiếu khách và khiêm tốn. Đó đều là những đức tính mà cả thế giới đang cần để đối xử với nhau tốt hơn trước những hạn chế trong điều kiện sống những ngày này.

Hãy giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau nếu có thể. Hãy chu đáo và nồng hậu hơn với những người đang ngày đêm đối mặt với công tác phòng chống dịch Covid-19 ở ngoài kia. Hãy sống khiêm tốn hơn bởi còn rất nhiều người đang thiếu thốn và đau khổ. Cuối cùng, nếu có thể, hãy tối giản cuộc sống đi một chút, tiết kiệm hơn một chút, nhường nhịn nhau nhiều hơn để ai cũng có một phần hạnh phúc cho bản thân và gia đình.


Kết lại, cha mẹ hãy chọn lọc điều phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tế để nâng cao tinh thần của cả nhà, cũng như thể nghiệm những lối sống đậm nét nhân văn của Nhật Bản nhé. Dù người Nhật có những quy cách nghe chừng khô khan, cứng nhắc thật đấy, nhưng đừng vì những “định kiến” mà bỏ qua những điều thật sự tốt đẹp, đáng quý! 


👉 Đọc thêm chuỗi bài viết “Học được gì từ phong cách sống Bắc Âu” tại ĐÂY

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.