nuôi con kiểu trực thăng

Phương pháp nuôi con kiểu “trực thăng” (helicopter parenting) khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, cách giáo dục này thường để lại những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của con. Cha mẹ hãy cùng đọc bài viết này để hiểu thêm về biểu hiện, hậu quả và cách chúng ta có thể điều chỉnh thói quen này nhé.

Nuôi con kiểu trực thăng là gì?

Làm thay bài tập về nhà cho con. Gọi điện tranh cãi với giáo viên để con lên được thêm một điểm. Lao đến trường để đưa cho con đôi giày thể dục con quên. Đây là hình ảnh tiêu biểu của các bậc cha mẹ “trực thăng”, cũng là cảnh tượng không hề hiếm đối với các gia đình Việt.

Giống như chiếc máy bay ở tầm cao bao quát khung cảnh bên dưới, cha mẹ nuôi con theo phương pháp này cũng sẽ luôn cố gắng kiểm soát mọi ngóc ngách trong cuộc sống của “đứa con bé bỏng”. Không chỉ dừng lại ở việc biết con đang ở đâu, làm gì, cha mẹ còn muốn quyết định thay con, làm thay con, chịu trách nhiệm thay con, ngay cả khi chúng đã và đang bước vào ngưỡng cửa trưởng thành. Dường như, con lúc nào cũng còn “quá non nớt” để tự xoay sở.

Một đứa trẻ lớn lên dưới phương pháp giáo dục này sẽ như thế nào?

Thế nhưng, liệu những hành động quan tâm như thế này có thực sự đảm bảo sự thoải mái và hình thành nên những tính cách tốt cho con? Câu trả lời là không.

Thứ nhất, việc bao bọc con quá kỹ càng sẽ tạo nên tâm thế lười biếng ở đứa trẻ. Con sẽ ỷ lại cha mẹ, thờ ơ với chính các nhiệm vụ và tương lai cuộc sống của mình. Sẽ không ngạc nhiên nếu con lớn lên coi bản thân là “cái rốn của vũ trụ”, yêu cầu mọi người xung quanh đều phải chung tay giúp đỡ công việc của mình.

Thứ hai, cha mẹ quá hiểu biết và lo hết mọi thứ cho con vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của con. Bị áp đặt quá nhiều, con sẽ rụt rè ngay cả khi nói lên mong muốn và chính kiến của mình. Không chỉ vậy, tự ti vì nghĩ rằng mọi thành công đều là do cha mẹ sắp đặt, con cũng sẽ gặp khó khăn mỗi khi phải đưa ra quyết định – một trong những kỹ năng cần thiết nhất đối với thành công trong tương lai. 

Thứ ba, việc quản lý con quá khắt khe cũng sẽ tạo nên sự bức bối, nhất là đối với những con ở lứa tuổi 17, 18. Chớm bước vào ngưỡng trưởng thành, con luôn muốn được tự do khám phá cuộc sống. Việc kiểm soát con, bắt con nghe theo ý mình vì thế chẳng những thất bại trong việc kéo con cái và cha mẹ gần nhau mà còn tạo nên bầu không khí căng thẳng, khiến các thế hệ khó chia sẻ với nhau hơn.

Cha mẹ có thể làm gì?

Thật khó để có thể buông tay con sớm và chỉ đứng đằng sau dõi theo con. Thế nhưng, đó lại là những gì chúng ta cần làm. Giã từ chiếc trực thăng quyền năng nhưng xa cách, cha mẹ sẽ trở thành một người bạn được con thực sự tin tưởng. 

Đầu tiên, hãy để con tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình. Cha mẹ không có trách nhiệm phải đi xin lỗi thay hay “giải quyết hộ” những lỗi lầm của con. Cảm thấy xấu hổ hay bị phạt một đôi lần không sao cả. Nhưng bài học về giao tiếp, về nghĩa vụ của mỗi người mà con học được sẽ là vô giá. 

Con cũng cần được thử và sai. Vì thế, đừng làm thay con. Con có thể bị điểm kém, có thể gặp một vài thất bại. Nhưng những kinh nghiệm xương máu ấy không chỉ khắc ghi trong lòng con mà còn tôi rèn nên một bản lĩnh mạnh mẽ, quyết đoán.

Thay vì yêu cầu con làm điều này, điều kia, hãy tham gia vào quá trình lên ý tưởng và để con tự đặt ra mục tiêu cho mình. Chắc chắn, những “ý kiến đóng góp” của cha mẹ sẽ quyến rũ hơn nhiều so với danh sách “nhiệm vụ” nặng nề mà con bị bắt phải làm.

Giải phóng con và chính bản thân mình khỏi những kiểm soát, ép buộc của chiếc “trực thăng” và tin tưởng con hơn trên chặng đường sắp tới, chắc chắn, gia đình mình sẽ cùng đi qua một tuổi trưởng thành nhiều thử thách hơn, nhưng cũng vì thế mà tràn đầy say mê, ý nghĩa và đáng nhớ hơn rất nhiều.

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.