Trong tâm lý học có một khái niệm mang tên Halo effect (Hiệu ứng Lan tỏa hay Hiệu ứng Hào quang), đề cập tới việc nhận định về một sự vật nào đó có thể bị ảnh hưởng bởi ấn tượng đậm nét của những sự kiện trước đó.
Một ví dụ tiêu biểu về hiệu ứng này trong thực tiễn là ấn tượng chung của chúng ta về những người nổi tiếng. Vì thấy họ thu hút, dễ mến và thành công nên ta cũng có xu hướng suy ra rằng họ thông minh, tử tế và hiểu biết trong mọi lĩnh vực. Đây là hiệu ứng đã được ứng dụng nhiều trong tiếp thị, quản trị con người và các công việc đa dạng khác. Tuy nhiên, đối với việc phát triển của mỗi cá nhân, hiệu ứng này lại có thể gây nên những suy nghĩ và ảnh hưởng tiêu cực.
Cụ thể, khi đạt được thành tựu nhất định trong một lĩnh vực, chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao bản thân, không chỉ trong phạm vi đó, mà còn trở nên “dễ tha thứ” với những lỗi sai của mình, thậm chí, còn nghĩ mình có khả năng vượt trội cả trong những lĩnh vực không liên quan khác. Những ngộ nhận mang đậm cảm tính này sẽ là nguyên nhân của những đánh giá và định hướng sai lệch.
Ví dụ, một bạn trẻ rất xuất sắc trong việc học nhưng lại rất có thể còn “ngây thơ”, “nhút nhát” trong các hoạt động ngoại khoá, va chạm xã hội. Một bạn trẻ năng nổ trong các sự kiện cộng đồng chưa chắc có được những tri thức sâu về khoa học, nghệ thuật hay lịch sử. Nếu cứ bám vào suy nghĩ mình đã giỏi, đã xuất sắc trong học tập hay hoạt động ngoại khóa, những lĩnh vực khác cũng “trong tầm tay mà thôi” thì con sẽ vô tình nuôi lớn một cái tôi cá nhân quá lớn, từ bỏ quên các thiếu sót của bản thân và rơi vào tình trạng phát triển không toàn diện.
Chúng ta ai cũng có những “vùng an toàn” nơi mình có thế mạnh nhất định và con hoàn toàn có thể tự hào thể hiện nếu có cơ hội. Điều quan trọng là ta có thể nhận ra đâu là các giới hạn của bản thân và làm thế nào để khắc phục những điểm yếu ấy. Trong quá trình khôn lớn, bài học về sự khiêm nhường có lẽ cũng quan trọng như hành trình tìm kiếm sự tự tin vậy.