Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics là một ngành tuy không mới nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh. Điều khá bất ngờ là trong mùa tuyển sinh đại học năm 2020, ngành này lại nằm trong tốp có điểm chuẩn cao nhất. Mặc dù đã có bước tiến đáng kể và trở thành ngành “hot”, nhưng học sinh và phụ huynh dường như vẫn chưa thật hiểu rõ về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logisics.
RMIT xin giới thiệu bài viết dưới đây trong trong chuỗi bài giới thiệu về các ngành nghề được giảng dạy tại trường nhằm cung cấp thêm thông tin giúp các con học sinh và quý vị phụ huynh hiểu thế nào là Quản lý chuỗi cung ứng, thế nào là Logistics, sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này và cơ hội nghề nghiệp như thế nào khi ra quyết định chọn ngành học. Bài viết được thực hiện bởi chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, cựu Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đồng thời là chuyên viên hướng nghiệp cá nhân.
Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics có giống nhau không?
Hai thuật ngữ này hay được dùng lẫn lộn, thậm chí nhiều người cho rằng hai khái niệm này là một, rằng Quản lý Chuỗi cung ứng là Logistics dạng mới. Từ logistics (hậu cần) có gốc gác từ quân đội và xuất hiện từ khá lâu, còn Quản lý Chuỗi cung ứng mới xuất hiện sau này.
Mặc dù hai thuật ngữ này có những điểm tương đồng, nhưng trên thực tế, đây là hai khái niệm khác nhau mang ý nghĩa khác nhau. Quản lý Chuỗi cung ứng là thuật ngữ bao trùm kết nối các quy trình khác nhau để đạt được lợi thế cạnh tranh, trong khi đó, Logistics là để chỉ sự vận chuyển, lưu trữ và dòng chảy của hàng hoá, các dịch vụ và thông tin đi kèm trong tổng thể chuỗi cung ứng. Logistics chỉ là một phần nhỏ nằm trong tổng thể chuỗi cung ứng.
Quản lý Chuỗi cung ứng là gì?
Quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến sự hợp tác giữa các công ty để kết nối các nhà cung cấp, khách hàng và các đối tác nhằm nâng cao hiệu quả và tạo ra giá trị cho người tiêu dùng. Các hoạt động trong quản lý chuỗi cung ứng thường liên quan đến việc lập kế hoạch, đưa ra các quyết định chiến lược, tạo ra các khung/tiêu chuẩn vận hành hệ thống cho các hoạt động logistics.
Hoạt động quản lý chuỗi cung ứng là nơi các phòng ban/công ty cùng làm việc chung như là một chuỗi cung ứng quản lý dòng chảy của nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất và đảm bảo tạo ra thành phẩm có giá trị cho người tiêu dùng.
Các trưởng phòng chuỗi cung ứng (supply chain managers) thường làm việc với các phòng ban, bộ phận khác nhau, với nhiều công ty khác nhau để đảm bảo rằng hàng hoá khi được sản xuất ra thì đến được tay người dùng và đảm bảo chất lượng yêu cầu. Hoạt động Logistics chỉ là một phần nhỏ nằm trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng mà thôi.
Ví dụ: Công ty A là công ty sản xuất cà phê để phân phối nội địa và xuất khẩu. Toàn bộ quy trình thu mua hạt cà phê thô mang về sản xuất, đóng gói, phân phối ra thị trường nội địa hay là xuất khẩu sẽ liên quan đến rất nhiều bên, không chỉ các phòng ban trong công ty A như phòng tài chính, phòng thu mua, phòng kinh doanh, nhà máy…. mà còn các bên đối tác như công ty thu mua và cung cấp hạt cà phê thô cho công ty A, công ty cung cấp bao bì, công ty cung cấp dịch vụ logistics…
Việc quản lý toàn bộ quy trình này được gọi là quản lý chuỗi cung ứng với mục đích tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hàng hóa luôn dễ mua trên thị trường… Các mô hình chuỗi cung ứng không bất biến mà uyển chuyển theo quy mô và mô hình của doanh nghiệp sản xuất.
Quản lý hoạt động Logistics là gì?
Khi nói đến Logistics là nói đến các hoạt động. Logistics là một phần của quá trình cung ứng bao gồm việc lên kế hoạch, thực hiện, kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy xuôi/ngược, lưu trữ hàng hoá, dịch vụ và các thông tin đi kèm từ điểm đầu đến điểm cuối là người tiêu dùng và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Logistics liên quan đến vận tải, lưu kho bãi, kiểm đếm, đóng gói … với mục tiêu là đảm bảo khách hàng nhận được sản phẩm mong muốn đúng giờ, đúng địa điểm với giá cả và chất lượng như ý.
Có thể chia nhỏ hoạt động Logistics thành 3 mảng là Inbound Logistics, Outbound Logistics và Reverse Logistics. Inbound Logistics là các hoạt động liên quan đến nguyên liệu sản xuất đầu vào bao gồm mua hàng, lưu kho, vận chuyển của các nhà máy/công ty sản xuất. Outbound Logistics thì bao gồm các hoạt động thu nhận, bảo quản và phân phối hàng hoá thành phẩm tới tay người tiêu dùng. Reverse Logistics là các hoạt động thu hồi hàng lỗi, hỏng từ tay người tiêu dùng về cho nhà sản xuất. Các hoạt động khác như đóng gói, hoàn thành đơn hàng, quản lý hàng tồn, quản lý cung cầu cũng nằm trong logistics
Triển vọng việc làm của ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics tại việt nam
Những năm qua, Việt Nam phát triển mạnh mẽ về xuất nhập khẩu, gia công và sản xuất hàng hóa. Nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng luôn thiếu và yếu do đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu cả về số lượng và chất lượng. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn rất khó tuyển nhân sự chuyên về quản lý chuỗi cung ứng đặc biệt là nhân sự từ quản lý cấp trung trở lên cho toàn ngành thì càng hiếm.
Theo công bố của Sách Trắng Logistics Việt Nam 2018, dự báo đến năm 2030 nhu cầu chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự, trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu nhân sự chỉ đạt khoảng 10%.
Theo Báo cáo Logistics 2020 của Bộ Công Thương thì đến năm 2020, mới chỉ có 30 trên tổng số 286 trường đại học tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành này, với khoảng 3000 chỉ tiêu tuyển sinh.
Bất chấp việc nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thống kê năm 2020 cho thấy Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư FDI đạt gần 28,53 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ 2019 nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm trung bình 30 – 40% trên toàn cầu năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm qua vẫn tăng 5.1% so với năm 2019 theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Đặc biệt, với việc 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.
Năm 2020 cũng chứng kiến làn sóng dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất của nhiều “ông lớn” sang Việt Nam, từ các công ty của Mỹ như FoxxCon (công ty lắp ráp Ipad và MacBook cho Apple) hay Pegatron (một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony), tới các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng cũng góp phần thúc đẩy ngành Logistics trở nên nóng hơn. Không những vậy, sự phát triển của ngành bán lẻ, đặc biệt là thương mại điện tử trong bối cảnh Covid-19 vẫn hiện diện trong đời sống cũng tạo ra vô vàn cơ hội mới cho ngành Logistics.
Vậy nên, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo triển vọng việc làm cho ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics ở Việt Nam là hết sức tươi sáng.
Phụ huynh và các con có thể tìm đọc lại các bài viết trong cùng chuỗi bài về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics tại đây:
👉 Bài 2: Con bạn có hợp với ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics?
👉 Bài 3: Những định kiến sai lầm về nghề nghiệp trong ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics
Comments