Networking là hoạt động xây dựng và mở rộng mạng lưới các mối quan hệ. Một mạng lưới quan hệ tốt sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cho chúng ta. Tuy nhiên, “tài sản” quý giá này lại không thể được xây nên trong một sớm một chiều. Vì thế, cha mẹ nên giúp con hình thành các kĩ năng networking từ những ngày đầu tiên bước chân vào đại học. Bài viết này sẽ đem lại 3 gợi ý hữu ích cho hành trình thú vị này.
Giao tiếp tự tin và chân thành
Một trong những thử thách “khó nhằn” của networking là xây dựng các mối quan hệ mới, đặc biệt nếu con là một cô gái/chàng trai hướng nội. Vì vậy, kĩ năng làm quen và trò chuyện xã giao cần được luyện tập dần. Bí quyết để con có thể tự tin đứng trước những người lạ trong các buổi tiệc networking hoặc bước chân vào một môi trường mới rất đơn giản – hãy chuẩn bị kĩ và là chính mình.
Con nên “giắt túi” một vài bí kíp nhỏ, bao gồm:
— Một đoạn giới thiệu bản thân ngắn, trong đó, nêu rõ con đang theo học/làm việc ở đâu và lĩnh vực con theo đuổi là gì.
— Một vài kiến thức/tin tức thú vị về ngành của con.
— Một vài câu hỏi về các ngành nghề ngoài lĩnh vực của con.
Những câu hỏi này sẽ giúp con “phá băng” giao tiếp hiệu quả – vừa thể hiện được khả năng bản thân, vừa cho thấy sự tôn trọng người đối diện khi trao cho họ cơ hội được chia sẻ. Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, đừng quên trao đổi danh thiếp hoặc địa chỉ liên lạc.
Không ngần ngại cho đi và nhận lại sự giúp đỡ từ người khác
Tuy nhiên, networking không chỉ là đi thu thập thật nhiều danh thiếp. Để có thể phát triển mạng lưới quan hệ tốt, con cần đầu tư thời gian và công sức để “nuôi” chúng thành các mối quan hệ hai chiều. “Một người bạn chỉ xuất hiện lúc cần nhờ vả” không phải là một hình ảnh đẹp. Thay vào đó, con hãy chủ động giữ liên lạc với những người mình quen biết từ những việc đơn giản, như một lời nhắn hỏi thăm công việc đến giúp đỡ các vấn đề trong khả năng của mình. Đừng bao giờ đặt câu hỏi “Bao giờ thì người ta mới giúp lại mình?”. Cha mẹ hãy giúp con nhận ra rằng, một mối quan hệ vô tư, không tính toán mới là mối quan hệ thực sự có giá trị.
Mặt khác, con cũng cần hiểu rằng, đề nghị được giúp đỡ hoàn toàn không có gì xấu. Trong những bước đầu tiên phát triển sự nghiệp, việc có thể nhận được lời khuyên, sự giúp đỡ hay lời giới thiệu từ các anh chị đi trước là cơ hội quý báu mà con nên chủ động giành lấy. Chắc chắn, nếu có thể thể hiện được khả năng và sự quyết tâm của mình, sẽ có người trao cho con sự giúp đỡ tận tình.
Tham gia vào nhiều cộng đồng
Để rèn luyện kĩ năng này, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động ngoại khoá đa dạng – từ thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia hội đồng sinh viên đến các chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế, chương trình tình nguyện… Ngoài ra, con cũng có thể nộp đơn tham gia vào các tổ chức chuyên phát triển mạng lưới quan hệ như SEO-Vietnam, VietSeed, VietAbroader; đăng kí dự các sự kiện networking của những công ty tư vấn nổi tiếng như McKinsey, BCG hay tranh tài tại các cuộc thi kinh doanh uy tín cho sinh.
Cần lưu ý rằng, tham gia vào một mạng lưới, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Để đánh giá một cộng đồng, con hãy đặt ra 3 câu hỏi:
— Những người thuộc cộng đồng đó, xét trên mặt bằng chung, có nền tảng gia đình và học vấn như thế nào?
— Truyền thống của cộng đồng này ra sao? Sự gắn kết giữa các thế hệ đến đâu?
— Môi trường này có tạo cơ hội để con quảng giao hơn, chủ động hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ nghề nghiệp của mình không?
Ở RMIT, sinh viên luôn được khuyến khích tối đa để mở rộng mối quan hệ của mình. Ngoài những giờ học với các bạn cùng ngành, các con sẽ được học với những bạn đến từ các ngành khác nhau ở những môn học tự chọn. Văn hoá sinh hoạt CLB cũng rất phát triển ở RMIT. Tại đây, các con sẽ được sinh hoạt với những anh chị em khác khoá, cùng nhau thực hiện những dự án thực tế để phát triển kỹ năng mềm, đồng thời xây dựng quan hệ một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, điều làm cộng đồng sinh viên RMIT thực sự khác biệt so với hệ thống các trường quốc tế ở Việt Nam lại là “tuổi đời” của các cựu sinh viên. Vào Việt Nam cách đây 20 năm, RMIT có lứa sinh viên đầu tiên đã trưởng thành và đạt đến độ chín nhất định trong sự nghiệp. Thông qua các chương trình Mentoring được tổ chức riêng của trường, các con sẽ được làm quen, học hỏi từ những cá nhân dày dạn kinh nghiệm này. Đây không chỉ là cơ hội để con biết thêm nhiều tài năng mà còn có khả năng lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng.
“Muốn đánh giá ai đó, hãy nhìn vào những người bạn xung quanh anh ta” Hãy giúp con có một môi trường phát triển tốt nhất nhờ các kĩ năng networking ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình, cha mẹ nhé!