Bạn thường dạy con, theo đuổi đam mê cần rất nhiều dũng cảm, dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn và đặc biệt là, trong tự điển của những người hết mình vì đam mê không bao giờ có chữ “từ bỏ”. Nhưng thật ra, để đi đến tận cùng mơ ước, người ta rất cần từ bỏ, và cần rất nhiều dũng khí để có thể từ bỏ.
Ví dụ, con bạn, cũng như rất nhiều các tân sinh viên khác bước chân vào trường đại học mơ ước của mình và nhận ra nó không hề phù hợp với những yêu cầu và kỳ vọng của con. Con đứng trước lựa chọn hoặc cố gắng học tiếp, hoặc đổi trường làm lại từ đầu. Có người sẽ bảo, việc thất vọng về trường là chuyện bình thường, là một trong những khó khăn con cần vượt qua để theo đuổi đam mê, vì vậy con hãy học tiếp bất kể mình có chán nản thế nào. Việc đổi trường là một dạng từ bỏ, là gặp chút thử thách đã đầu hàng. Nhưng cũng có người bảo, nếu con đã cân nhắc kỹ càng và vẫn không muốn học tiếp ở ngôi trường này nữa, thì hãy dũng cảm lên và từ bỏ thôi. Những người thuộc nhóm sau ít phổ biến hơn, nhưng hãy lắng nghe lý lẽ của họ.
Đầu tiên, hãy hiểu rằng nghề nghiệp mơ ước là đích đến cuối cùng của con, còn trường đại học là con đường. Có những con đường thẳng, ngắn gọn, nhanh chóng về đích. Có những con đường vòng xa hơn nhưng con được thăm thú, nhìn ngắm, trải nghiệm nhiều hơn. Điều quan trọng là con đường nào phù hợp với thể lực và mong muốn của con, còn về đích bằng con đường nào không quan trọng. Thế thì tại sao lại phải gồng mình ở lại với lộ trình không thích hợp, làm con phí sức, trong khi có những trường đại học khác có thể vạch ra con đường phù hợp với con hơn? Con có từ bỏ đam mê của mình đâu, con chọn một lối đi khác để biến nó thành hiện thực. Như vậy, từ bỏ trong trường hợp này có phải là yếu đuối và bỏ cuộc không?
Nếu phân tích kỹ hơn, việc đổi trường đại học cần sự dũng cảm tương đương, thậm chí hơn, với việc tiếp tục học cho đến hết. Bởi nếu ở lại trường đại học hiện tại, con chỉ cần cố gắng đối diện với nỗi chán nản, sự nghi ngờ của mình ngày qua ngày. Nhưng khi đổi trường, con từ bỏ thành quả của bao tháng ngày nỗ lực thi vào đại học, ‘chọi’ lại những thí sinh tài giỏi để giành một suất vào trường, và rất có thể con sẽ phải làm lại bước này một lần nữa cho trường mới. Con chấp nhận việc mình trở lại vạch xuất phát trong khi các bạn bè khác đã đi được một đoạn đường. Con phải làm quen từ đầu với môi trường học tập, đối diện những cảm giác lo lắng, hoài nghi về tương lai, liệu mình có chọn sai nữa không, trường này có hẳn là tốt hơn không, và nếu mình tốt nghiệp trễ hơn các bạn, mình có mất đi cơ hội nghề nghiệp nào không? Với tất cả những khó khăn này, con vẫn chấp nhận đối trường, vậy sự từ bỏ của con có xứng đáng được gọi là dũng cảm hay không?
Thế nên, để chuẩn bị tốt hơn cho lần lựa chọn này, hãy thu thập thông tin về các trường càng nhiều càng tốt. Ví dụ, tôn chỉ của trường đó là gì, có phù hợp với con không? Chuyên ngành của con có những thầy cô nào, người đứng đầu chuyên ngành là ai, có thông tin, thành tựu gì không? Đại học RMIT Việt Nam là một trong những trường thường xuyên tổ chức các ngày hội thông tin để tiếp xúc với sinh viên và phụ huynh, giải đáp tất cả thắc mắc mà trang web trường không thể đáp ứng. Rất hoan nghênh ba mẹ và con đăng ký tham gia.
Để theo đuổi đam mê cần rất nhiều dũng cảm, nhưng dũng cảm không có nghĩa là hữu dũng vô mưu, cố chấp theo một phương pháp, một con đường cứng nhắc. Hãy mạnh dạn từ bỏ khi con không thấy hiệu quả, tìm một con đường khác, đó là cách dũng cảm và thông minh để đi đến ước mơ.
Giang Trần