Có những tình huống trong cuộc sống mà sự im lặng hoặc từ chối nhã nhặn lại đem đến hậu quả khôn lường. Khi các vụ xâm hại trẻ em hoặc bạo lực học đường ngày càng trở nên nhiều và đáng sợ hơn, việc con biết cách “bất lịch sự” với đúng người, đúng lúc là rất cần thiết. Vì thế, cha mẹ hãy nói với con 3 “quy tắc bất lịch sự” này để tự bảo vệ mình!
Không cần phí lời với người xấu
Trong bối cảnh giao tiếp thông thường, nói lời từ chối một cách lịch sự là điều không dễ. Bởi chúng ta cần giữ thể diện cho nhau. Tuy nhiên, với những người có ý đồ xấu, con hoàn toàn không cần giữ phép lịch sự này. Một trong những “chiêu trò” phổ biến của những kẻ lừa đảo là hỏi đường hoặc nhờ xách giúp một gói đồ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu đáng ngờ, con nên dứt khoát nói “em/cháu không biết” và bỏ đi ngay. Điều này sẽ giúp con mau chóng thoát khỏi tình thế nguy hiểm – càng nói chuyện lâu, những kẻ kia càng có cơ hội nắm được yếu điểm của con hoặc lôi kéo được đồng bọn đến.
Nếu chần chừ, con mới là người bị thương
Nếp sống văn minh yêu cầu chúng ta tôn trọng ý kiến cá nhân và sức mạnh của lời nói hơn là nắm đấm. Thế nhưng, trong những trường hợp khẩn cấp, sức mạnh tay chân là một “cứu cánh” không thể bỏ qua. Hơn thế nữa, kẻ xấu thường đặc biệt thích những “con mồi” nhút nhát, yếu đuối. Việc con không ngần ngại sử dụng nắm đấm sẽ làm giảm đi “sức hút” này, khiến chúng nản lòng. Cha mẹ có thể đăng kí cho con đi học các khoá tự vệ, hoặc đơn giản là tham khảo trên Youtube một vài “cú đánh hiểm” để tự bảo vệ mình. Con là một cô gái dịu dàng, một chàng trai không “đụng tay đụng chân” với phụ nữ, nhưng, không ai có thể xúc phạm đến thân thể con. Nếu cần, hãy dùng hết sức để làm bị thương kẻ xấu, trước khi chúng có thể làm tổn thương con.
“Hét to lên con, càng to càng tốt”
Từ bé, các con đã được dạy về việc cần giữ trật tự. “Đi nhẹ, nói khẽ” là cách ứng xử nên làm trong trường học, nhà hàng, bệnh viện, bảo tàng – gần như mọi nơi chốn con tới. Thế nhưng, lớn hơn một chút, bước chân ra ngoài những môi trường an toàn này, có nhiều cạm bẫy hơn vây xung quanh con. Con cần biết đến sự tồn tại của chúng và điều chỉnh “âm lượng” giọng nói của mình cho phù hợp. Lấy một ví dụ đơn giản, trở về nhà sau giờ học trên chiếc xe buýt quen thuộc, con bị một gã lạ mặt có những hành vi thiếu đứng đắn xúc phạm. Tất nhiên, con có thể cảm thấy xấu hổ. Nhưng cha mẹ nên giải thích cho con rằng “An toàn thân thể của bản thân phải được ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, đây hoàn toàn không phải lỗi của con”. Con hãy nói to “anh/chú/bác không được chạm vào cháu” và nhờ phụ xe can thiệp ngay.
Tương tự, nếu bị bắt nạt tại trường học, con cần lên tiếng. Bạn bè, thầy cô, gia đình – chắc chắn sẽ luôn có một ai đó đứng lên bảo vệ con. Nhiều em vì sợ bạn “trả đũa”, vì ngại với cha mẹ mà ôm vết thương vào lòng. “Hét to” ở đây không phải là một hành vi thô lỗ, đó là cách phản kháng đúng đắn. Chiến dịch MeToo – câu chuyện về xâm hại tình dục với phụ nữ, từ Mỹ lan truyền một cách nhanh chóng ra toàn thế giới, một phần bởi các nạn nhân đã quá sợ hãi với sự im lặng bưng bít bấy lâu nay. Những điều xấu cần được nhiều người biết đến, càng nhanh càng rộng rãi càng tốt, trước khi chúng khiến con buồn rầu, xao lãng khỏi việc học hoặc tệ hơn là trầm cảm.
Là bậc làm cha làm mẹ, chúng ta luôn muốn bao bọc con trong tổ ấm an toàn, để con luôn được che chở, được đối xử tử tế và dịu dàng. Nhưng cho con trưởng thành cũng đồng nghĩa với việc để con đối mặt với những khó khăn, với những điều khắc nghiệt và xấu xa ngoài kia. Vì thế, biết cách chọn “lịch sự” hay “bất lịch sự” để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, là bài học rất cần cho hành trình khôn lớn của con.