Hãy cứ để con chịu khổ

Nếu so sánh giữa tuổi teen của con và của bạn ngày xưa, dễ dàng thấy rằng tuổi teen của con hơn hẳn nhiều mặt. Từ kinh tế, học tập, ăn mặc, giải trí… nhưng chắc chắn có một thứ mà tuổi teen của ba mẹ ngày xưa hơn hẳn con ngày nay, đó là “cơ bắp chịu khổ”. Hay nói cách khác, là khả năng chịu đựng của mỗi cá nhân trước những bất ý, nghịch cảnh hay thử thách của cuộc sống.

Có thể bạn sẽ tự hỏi, sao con lại phải chịu khổ? Tôi nỗ lực làm việc bao năm qua chính là để con không phải khổ như mình ngày xưa cơ mà. Thêm nữa, chẳng phải bản năng của ba mẹ là bảo vệ con được an toàn sao? Thế nhưng bạn biết không, sở hữu một “cơ bắp chịu khổ” khoẻ mạnh sẽ giúp con sống tự tin, hạnh phúc và an toàn ngay cả khi bạn không có bên cạnh.

“Cơ bắp chịu khổ” và cảm xúc tiêu cực

Bạn muốn bảo vệ con khỏi hiểm nguy, nhưng sự “hiểm nguy” đó nhiều khi chỉ là sự tổn thương – là những cảm xúc tiêu cực. Bạn sợ con buồn, sợ con thất vọng về bản thân, sợ con suy sụp hay lo âu, căng thẳng… Bạn muốn con lúc nào cũng vui vẻ / hạnh phúc / phấn khởi / lạc quan. Nhưng ba mẹ ơi, con làm sao tránh được cảm xúc tiêu cực cả đời? Hãy để con học cách đối diện với cảm xúc tiêu cực từ bây giờ, khi mọi chuyện còn đơn giản và ba mẹ còn ở bên quan sát. Có như vậy sau này con mới đủ bản lĩnh để đối diện với những cơn sóng cảm xúc tiêu cực to lớn, phức tạp hơn mà ba mẹ không có ở bên cạnh.

Với cương vị một người trưởng thành, bạn cũng đã quá rõ con đường đến ước mơ không chỉ toàn niềm vui, mà cần rất nhiều thất bại, sự quyết tâm và lòng vượt khó. Nếu con không biết cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực, con sẽ sợ không dám làm những việc cực khổ hơn để đạt đến thành công. Hơn nữa, những cảm xúc tiêu cực cũng có những giá trị nhất định. Nỗi buồn giúp con sâu lắng hơn. Sự giận dữ giúp con cương quyết hơn. Lo lắng làm con tập trung tốt hơn. Vậy nên, đừng bảo vệ con khỏi những cảm xúc tiêu cực, mà hãy để con học cách sử dụng chúng.

“Cơ bắp chịu khổ” và trách nhiệm

Nhiều bạn trẻ ít được chịu trách nhiệm hoặc hậu quả thật sự của việc mình làm, sự trừng phạt duy nhất mà các bạn biết là đến từ cha mẹ. Khi cha mẹ không còn kiểm soát mình được nữa, các bạn lập tức làm những việc mình bị cấm bấy lâu và phải gánh chịu những hậu quả quá sức tưởng tượng.

Còn nhớ khi con còn nhỏ, bạn cấm con không được chạy nhanh kẻo vấp. Con chạy nhanh, chưa vấp, bạn đã phát vào mông con. Thế là con học được bài học rằng chạy nhanh không sao cả, miễn đừng để ba mẹ biết thôi. Khi con lớn lên có xe máy riêng và vẫn thích chạy nhanh, bạn nghĩ hậu quả có còn nhẹ nhàng như một cú ngã lúc con còn nhỏ? Bạn có biết hươu cao cổ mẹ nhiều lần đá con để con tự biết gượng đứng lên, bởi hươu mẹ biết với một giống loài quá cao mà khả năng giữ thăng bằng yếu, hươu con sẽ không sống được giữa đời.

Bạn ngăn cấm con làm những việc nguy hiểm vì muốn con được an toàn, nhưng bạn vô tình tước đi của con cơ hội nhận biết hiểm nguy bằng chính kinh nghiệm của mình. Điều này vừa đe doạ sự an toàn của con về lâu dài, vừa tạo ra một người trẻ liều lĩnh, vô trách nhiệm, làm không cần biết đến hậu quả. Nhà là một môi trường tương đối an toàn so với ngoài kia, vì thế chừng nào con còn ở bên bạn, hãy để con được vấp ngã để tự biết đứng lên.

“Cơ bắp chịu khổ” và vượt khó

Ngày xưa, ông bà ba mẹ ngày xưa phải thức dậy từ khi gà gáy, đi bộ đến trường, phụ giúp gia đình buôn bán hay trồng trọt chăn nuôi. Cuộc sống tuy vất cả nhưng lại giúp thế hệ trước có kỷ luật và giỏi vượt khó hơn. Nghiên cứu cho thấy bản chất não bộ là lười. Não sẽ tìm mọi cách để tiết kiệm năng lượng, tìm sướng tránh khổ. Vì thế nếu thường xuyên áp dụng một lối sống lành mạnh có kỷ luật, não sẽ linh hoạt hơn, bám dai dẳng lấy mục tiêu và hoàn thành mục tiêu nhanh hơn. Ngược lại, ở trong môi trường quá thư giãn, não sẽ tăng sức ỳ, và chúng ta thường cảm thấy khó khăn hơn để tìm động lực hoặc làm theo kế hoạch mỗi ngày. Bởi vậy, nếu bạn muốn các con có tinh thần vượt khó, nghĩ được làm được, thì hãy để các con chịu cực khổ.

Bài viết không khuyên ba mẹ hãy trở nên hà khắc với con và chuyển đổi môi trường gia đình thành môi trường nhà binh. Bạn hãy cứ yêu thương con, nhưng đừng sống thay con. Bạn hãy cứ vỗ về động viên con, nhưng đừng chắn giữa con và những thử thách. Để con rèn “cơ bắp chịu khổ” của chính mình, có như vậy con mới hạnh phúc và an toàn dài lâu.

 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.