Lê Đỗ Hải Châu, sinh viên Design Studies chuyên ngành Thực Tế Ảo & Minh Hoạ (Mixed Reality – AR/VR & Illustration), còn được biết đến với nghệ danh vô cùng độc đáo – Hachul Lệ Đổ. Xuất thân từ một người minh hoạ với nền tảng mỹ thuật hàn lâm vững chãi, Design Studies RMIT như một bước đệm giúp Hachul trang bị cho mình sự am hiểu và trải nghiệm đa dạng về nhiều chất liệu trên nhiều nền tảng nghệ thuật khác nhau: các chất liệu truyền thống, 2D/2,5D/3D, thực tế ảo, âm thanh thơ ca. Hướng ‘màu sắc’ của mình qua việc khai thác các mối tương quan giữa con người và dòng chảy phát triển của công nghệ số, Hachul luôn muốn truyền tải những thông điệp trẻ trung trong sự ‘tăm tối’ của nghệ thuật Macabre.
Bên cạnh là một người thực hành nghệ thuật tự do, Hachul còn được biết đến với tư cách là một Giáo Viên Minh Hoạ, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về sáng tạo độc đáo của mình. Dưới đây là một số dự án Hachul đã góp mặt:
▪ Người cộng tác của một số sản phẩm hình ảnh động (moving image) cùng những thương hiệu thời trang danh tiếng: AEIE Studios, Vagaebond CES, Deadend Vietnam ft. Khô Mực Studio.
▪ Giám tuyển của “Ta là 1 Công Trình Công Cộng”
▪ Giám tuyển của triển lãm “RealVR” – (RMIT)
Vì sao Hachul chọn Design Studies tại RMIT?
Ban đầu dự định của em sẽ là du học tại các nước khác, hoặc là tìm một công việc để đi làm ngay nhưng sau đó thì bố mẹ đã chọn RMIT để gửi gắm. Về thiết kế thì RMIT có ngành Digital Media và Design Studies, Digital Media sẽ thiên về máy móc sử dụng phần mềm, kỹ năng sản xuất trong một Production House ấy ạ. Còn Design Studies sẽ thiên hướng về định hướng concept, nghiên cứu về những sản phẩm cho một nhóm khán giả nhất định. Bản thân em thiên về sáng tạo hơn và cũng muốn đặt tâm huyết khi xây dựng một tác phẩm nghệ thuật thay vì xác định tệp khách hàng trước rồi mới định dạng hướng đi sáng tạo nên em lựa chọn ngành Design Studies ạ.
👉 Đọc thêm: Phân biệt ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo (Design Studies) & Thiết kế Truyền thông số (Digital Media)
Phong cách nghệ thuật mà Hachul đang theo đuổi là gì?
Hiện tại em đang nhận định bản thân là người Thực hành nghệ thuật có sự giúp đỡ của công nghệ số, trải nghiệm sự sáng tạo của mình trên nhiều nền tảng khác nhau như 3D, AR/VR/Mixed Reality (Thực tế ảo) và em cũng đang muốn lấn sân nghiên cứu thêm về AI Generated Art (Nghệ thuật công nghệ AI). Em đang phát triển những thực nghiệm trên theo đa dạng chất liệu nghệ thuật như Macabre Art và Erotic Art với thông điệp là mô tả sự gần gũi giữa các sinh vật/loài người theo cách trẻ trung năng động.
Thời gian gần đây, em đang tập trung nghiên cứu màu sắc sáng tạo của mình vào chủ đề: Queer Community/ LGBTQ+. Với em, cộng đồng người đồng tính được coi là một trong những cá thể bị gạt ra ngoài lề và mình đã được nhân xét nhiều lần trước đó là hãy dừng việc tập trung một khía cạnh này hoặc nghệ thuật nên nhiều hơn chỉ là một tuyên bố về bản dạng giới. Nhưng gần đây, em đã cố gắng gạt điều đó sang một bên và bắt đầu nghiên cứu và sáng tạo nhằm cố gắng đóng góp những nỗ lực nhỏ nhoi của mình bằng cách nâng cao tiếng nói cho cộng đồng thông qua những sản phẩm sáng tạo của bản thân. Và sản phẩm public gần đây nhất của em về đề tài này là ‘Đám‘ – nói về văn hoá người biểu diễn giả trang trong các đám (đám ma, đám cưới, đám hỏi) ở Sài Gòn.
Trải nghiệm của bản thân Hachul ở RMIT nói chung và môi trường sáng tạo tại RMIT nói riêng như thế nào?
Em có thể nhận thấy RMIT cho sinh viên một môi trường tốt, tạo điều kiện để mọi người xây dựng mạng lưới các mối quan hệ để học hỏi màu sắc nghệ thuật của nhau. Gia đình em đã có truyền thống nghệ thuật từ lâu, và em là người đầu tiên được theo đuổi nghệ thuật sáng tạo chính thống, em bắt đầu vẽ từ trước nhưng trước khi vào RMIT định hướng của em bị một chiều nên bị cứng nhắc và hạn chế khá nhiều. Nhưng khi vào RMIT, em đã có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn làm sáng tạo với các nền tảng khác nhau, chúng em cùng xem các sản phẩm của nhau để cùng rút ra những bài học để phát triển định hướng của bản thân
Nhưng điều em thích ở RMIT nhất chính là sự tự do sáng tạo, các giảng viên tại RMIT sẽ không bó buộc sinh viên theo một khuôn mẫu nào, mình được làm theo chính đam mê và màu sắc riêng của mình. Những gì giảng viên góp ý sẽ chỉ là em nên phát triển những điểm nào, khía cạnh nào để sản phẩm của em tốt hơn và nổi bật nhất. Em rất đánh giá cao ưu điểm này tại môi trường tại RMIT ạ.
Vào học Design Studies tại RMIT thì có cần phải biết vẽ trước không? Hachul có cảm nghĩ gì về ngành Design Studies tại RMIT?
Em nghĩ nếu có đam mê, định hướng hoặc những kỹ năng cơ bản như vẽ, biết dùng các phần mềm ngay từ ban đầu sẽ giúp cho quá trình học tập dễ dàng hơn. Không cần phải vẽ quá đẹp mà chỉ cần sketching và thể hiện được ý tưởng của mình là tốt rồi ý ạ.
Có nhiều bạn đã nghĩ Cử Nhân ngành Thiết Kế (Design Studies) là những kỹ năng như vẽ, thiết kế các ấn phẩm hay là ghép hình đơn giản như vậy thôi. Nhưng tại RMIT, ngành này chính là Design và Studies, không đơn thuần là về thiết kế mà còn là một chuyên ngành nghiên cứu, thực hành, phân tích trên nhiều nền tảng và chất liệu sáng tạo khác nhau nhằm đánh giá giá trị và công dụng mà sản phẩm nghệ thuật đó có thể mang lại. Vậy nên, không đơn giản là một kỹ năng mà còn là một hành trình học thuật giúp sinh viên có thể phân tích được tính thực tế ứng dụng của mọi nghệ thuật sáng tạo như: Đồ hoạ và Truyền thông Thị giác, Vẽ minh hoạ, 3D, Nội thất và không gian, Thiết kế tương tác.
Em thấy Digital Media và Design Studies tại RMIT khác nhau ở điểm là Digital Media sẽ tạo ra sản phẩm, và Design Studies sẽ phân tích quá trình tạo ra sản phẩm cũng như tính chất ứng dụng của thiết kế đấy.
Hachul có lời khuyên nào dành cho các sinh viên tương lai ngành Design Studies không?
Hãy là chính các bạn và tự tin khai phá màu sắc nghệ thuật của bản thân! RMIT là một môi trường hoàn toàn mở sẽ giúp các bạn phát triển được nhiều yếu tố tìm ẩn của mình đó.
👇 Đọc thêm các bài viết liên quan:
▪ Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con
▪ Tìm hiểu về hai ngành Cử nhân Thiết kế Ứng dụng sáng tạo và Thiết kế truyền thông số
▪ Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo (RMIT)