Trần Lê Tâm Anh, sinh viên ngành Quản trị Doanh nghiệp Thời trang RMIT

Đến với ngành Quản trị Doanh nghiệp thời trang chỉ vì ban đầu “chưa biết chọn ngành gì” và thích “window shopping”, thế nhưng sau 2 năm theo học ngành này tại RMIT, con đường tương lai trong lĩnh vực Thời trang của Trần Lê Tâm Anh, hiện là sinh viên năm 3 ngành Quản trị Doanh nghiệp Thời trang, đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Yêu thích lĩnh vực vải vóc, mong muốn nâng cao trải nghiệm thời trang cho người khuyết tật là những dự định Tâm Anh đang ấp ủ và lên kế hoạch hiện thực hóa từng ngày.

Mời cha mẹ cùng theo dõi cuộc trò chuyện về ngành Thời trang với Tâm Anh.

Vì sao em lại chọn ngành Quản trị Doanh nghiệp Thời trang tại RMIT?

Khi tốt nghiệp trung học, thực sự em cũng chưa xác định được mình sẽ theo học ngành nào ở đại học, nhưng em biết mình thích những thứ liên quan tới sáng tạo. Mẹ em thì lại hơi “lo” khi em chọn theo hướng đó và khuyên em nên chọn ngành học nào đó về kinh doanh, ví dụ như Quản trị kinh doanh. Cũng vào khoảng thời gian đó thì em bắt đầu quan tâm nhiều đến thời trang, thích đọc các bài báo về việc các nhà thiết kế Việt Nam bắt đầu có tên trên bản đồ thời trang thế giới, em cũng thích đi “window shopping”, ngắm nghía, xem cách người ta bài trí các cửa hàng thời trang… Em thì luôn xác định sẽ học RMIT nên chốt chọn ngành Quản trị Doanh nghiệp thời trang để kết hợp cả mong muốn của em và của ba mẹ.

Theo em, điều khác biệt lớn nhất mà RMIT mang lại cho sinh viên là gì?

Theo em đó là chất lượng giảng dạy, sự tận tâm của thầy cô, và môi trường học tập. Thời gian mới vào trường em cũng khá hoang mang vì trước đó em cũng chưa thực sự xác định được mình sẽ học gì và học như thế nào. Tuy nhiên, các thầy cô đã hỗ trợ, giúp đỡ em cũng như các bạn rất nhiều để học tập thật hiệu quả, xác định được đam mê và con đường đi của mỗi người trong lĩnh vực thời trang rộng lớn.

Mọi người đều nói những ngành như Thời trang thì phù phiếm, “trên mây trên gió” nhưng khi theo học ở dây em thấy nó rất thực tế, chuyên nghiệp mà vẫn không mất đi tính sáng tạo.

Một điểm khác cũng quan trọng là chương trình Quản trị Doanh nghiệp Thời trang ở RMIT giới thiệu cho sinh viên những mô hình kinh doanh thời trang bền vững là cái mà bản thân em và nhiều bạn học đánh giá rất cao và lựa chọn theo đuổi.

Theo em, điểm mạnh của ngành Quản trị Doanh nghiệp Thời trang của RMIT là gì?

Em nghĩ đó là tính ứng dụng cao. Chương trình học thực tế và sinh viên được làm việc thực tế để khi ra trường không bỡ ngỡ với thế giới việc làm. Các thầy cô cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm quan nhà máy sản xuất vải vóc, doanh nghiệp thời trang, mời khách mời tới chia sẻ về ngành… Em cũng như nhiều bạn lúc mới vào trường khá bối rối nhưng chương trình học có 3 hướng chuyên môn để sinh viên có thể khám phá và chọn một hướng để theo đuổi theo em là rất hữu ích.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em khi theo học thời trang tại RMIT là gì?

Đó là khoảng thời gian em đi học trao đổi 6 tháng tại RMIT Melbourne. Em được sống tự lập, được học tập ở một môi trường mới, được trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại của cơ sở Melbourne. Trong quá trình học, em cũng đi làm tình nguyện viên cho các show thời trang do nhà trường kết nối để hiểu hơn về ngành. Tất cả những trải nghiệm đó giúp em trưởng thành hơn rất nhiều và càng ngày càng định hình rõ ràng được con đường phát triển sự nghiệp của mình trong ngành thời trang ở tương lai.

Vậy con đường đó là gì, em có thể chia sẻ không?

Như em có chia sẻ ở trên, em rất thích chương trình học của RMIT khi nhấn mạnh vào tính bền vững của Thời trang và các mô hình kinh doanh thời trang. Trong quá trình học, quan điểm bền vững này của thầy cô ảnh hưởng tới em rất nhiều. Cá nhân em chọn đi theo hướng Thiết kế, nhưng cụ thể hơn em rất thích làm về mảng Chất liệu, Vải vóc (Textile) trong thời trang. Thời gian đi du học trao đổi về, em có tham gia hỗ trợ các bạn sinh viên khuyết tật tại trường và được truyền cảm hứng rất nhiều từ tinh thần lạc quan của các bạn, để rồi từ đó hình thành mong muốn làm được gì đó để nâng cao trải nghiệm thời trang của người khuyết tật bởi vì mặc đẹp là mong ước chính đáng của tất cả mọi người bất kể họ là ai.

Và em sẽ hiện thực hóa kế hoạch đó ra sao?

Trước mắt, em sẽ tiếp tục tìm tòi vào học hỏi nhiều hơn về nhu cầu và thị trường của người khuyết tật, thông qua những người chuyên ngành và các workshop. Ngoài ra, khi đã học xong, em sẽ đi thực tập tại các bộ phận phát triển sản phẩm, vải vóc tại doanh nghiệp để tìm tòi và học hỏi thêm. Em đang từng bước nhỏ một hiện thực hóa kế hoạch đó của mình.

Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?

Em mong các bạn học sinh cho bản thân cơ hội tìm tòi và học hỏi thật nhiều thứ có thể thông qua những buổi hướng nghiệp, hoặc các hoạt động ngoại khoá nếu có thời gian. Cho dù lúc đầu cảm thấy bản thân chưa thực sự đam mê về một lĩnh vực gì, nhưng khi các bạn đã trải nghiệm qua thì các bạn sẽ có thông tin và cơ sở để chọn lọc hướng đi tiếp theo cho mình.

Và đừng quá lo lắng vì mỗi người sẽ có những hướng đi khác nhau để tìm ra một linh vực mình giỏi và yêu thích.

Nếu có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ của các em học sinh cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?

Em mong cha mẹ hãy luôn ủng hộ con mình thông qua những buổi trò chuyện với các em, hỗ trợ các em tìm ra điểm mạnh của bản thân, và tận dụng điểm mạnh đó để tìm ra ngành phù hợp, từ đó giúp các em phát huy điều ấy thành kỹ năng sau này.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.