Trần Bảo Khôi – sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo RMIT với đam mê nghệ thuật mãnh liệt

Là sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo, cuộc sống đại học của Trần Bảo Khôi luôn sôi động và náo nhiệt xen kẽ giữa việc học và các hoạt động ngoại khóa. Là thành viên của Music Club (CLB Âm nhạc), Khôi đảm nhận vai trò của người chơi guitar bass và thu hút được rất nhiều ánh nhìn từ các tân sinh viên bởi vẻ bề ngoài ấn tượng. Ngoài ra, Khôi còn được các bạn trẻ trong cộng đồng nhảy tutting (bộ môn nhảy xếp hình) Việt Nam biết đến bởi danh hiệu quán quân cuộc thi TUT Việt mùa 1 năm 2021. Với Khôi, việc cân bằng giữa học tập và sở thích là vô cùng quan trọng.

Là du học sinh Mỹ, Khôi đã trở về Việt Nam tránh dịch và học online năm lớp 12, đây cũng là khoảng thời gian em nghiêm túc suy nghĩ về định hướng phát triển tương lai. Cuối cùng, sau khi nghiêm túc nghiên cứu và cân nhắc, Khôi đã quyết định ở lại Việt Nam và chọn RMIT là bến đỗ đại học bởi em nhận thấy đây chính là môi trường năng động mà em đang kiếm tìm.

Một vài thông tin về Trần Bảo Khôi:

🔸 Sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo

🔸 Bass Guitarist của Music Club RMIT

🔸 Quán quân cuộc thi TUT Việt mùa 1 năm 2021

❓ Em có thể chia sẻ câu chuyện chọn ngành học không?

Tuy cả gia đình theo ngành kinh tế, em từ lâu đã sớm lựa chọn con đường nghệ thuật – theo học ngành thiết kế, một phần vì sở thích và một phần cũng vì em đã có cơ hội được tiếp xúc qua hồi còn học ở Mỹ. Em đã tự tìm kiếm, nghiên cứu các cơ hội, trường đại học khác nhau và cuối cùng lựa chọn RMIT vì tin vào danh tiếng và uy tín của trường. Bố mẹ cũng tin tưởng vào quyết định của em và luôn dặn dò rằng “Hãy tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình”. Em cũng cảm thấy mình rất may mắn khi được bố mẹ để cho toàn quyền quyết định việc học và làm.

Em có thể mô tả RMIT bằng 3 từ không?

1️⃣ Sôi nổi: Cộng đồng, mạng lưới sinh viên sôi nổi, rộng lớn nhưng luôn gắn kết với nhau. Ở trong trường, tuy có rất nhiều hoạt động sự kiện đặc biệt diễn ra mỗi ngày nhưng em cùng các bạn luôn có thể nắm bắt được hết.

2️⃣ Hỗ trợ: Không chỉ là sự đồng hành của bộ phận giảng viên trong trường, giữa các sinh viên luôn có sự giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và hoạt động ngoại khóa, luôn có suy nghĩ rằng “tôi đi lên thì bạn cũng đi lên”.

3️⃣ Tự nuôi dưỡng bản thân: RMIT luôn tạo ra các cơ hội khác nhau cho sinh viên tự rèn luyện và phát triển bản thân cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống.

Điều em thích nhất tại RMIT?

Điểm em thích nhất là RMIT không lòng vòng!

Với đầu ra là thiết kế hay ngay cả các ngành học khác, thay vì phải học các môn như triết Mác Lenin, quân sự, thể dục,… như các trường đại học khác, sinh viên RMIT được nhập môn chuyên ngành luôn từ năm nhất, đẩy nhanh thời gian học hơn. Ví dụ, hệ kiến trúc thông thường là 5 năm nhưng sinh viên RMIT có thể ra trường sớm hơn hẳn 2 năm liền. Như vậy, chúng em có cơ hội gia nhập thị trường lao động sớm và học hỏi nhiều hơn.

Ngoài ra, em luôn cảm kích trước tinh thần hỗ trợ lẫn nhau của mọi người tại RMIT. Là sinh viên ngành thiết kế, em phải làm việc rất nhiều với các công cụ thiết kế khác nhau như bộ ứng dụng Adobe, Blender,… và không phải công cụ nào em cũng từng được trải nghiệm trước đây. Tuy nhiên, em luôn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè và giáo viên. Những gì em không biết thì các bạn sẽ giúp và ngược lại em sẽ hỗ trợ mọi người những điều em biết. Càng quen biết và kết thân với nhiều người thì việc học càng dễ dàng nên em phải tận dụng điều đó để học hỏi. Với giảng viên cũng vậy, em nghĩ các bạn không nên ngại hỏi. Các thầy cô không quan tâm sinh viên ở trình độ nào mà họ luôn đồng hành giúp sinh viên phát triển thành phiên bản tốt hơn. Như ở lớp của thầy Jon Kuiter, môn Design and Computing 2 (Thiết kế và Công nghệ máy tính 2) em đang học, vì luôn luôn có sự trao đổi giữa sinh viên và giảng viên nên bài giảng không bao giờ sợ nhàm chán, sinh viên cũng dễ dàng tiếp thu hơn.

Em cân bằng giữa việc học và các sở thích như thế nào?

Với em, khi đã thích điều gì thì tự động bản thân sẽ dành thời gian cho việc đó. Tuy nhiên, các bạn vẫn nên xác định được điều gì là quan trọng hơn. Như em, em vẫn ưu tiên dành thời gian cho việc học, tự ngồi mày mò những kiến thức, các công cụ bổ trợ cho ngành học. Ngoài ra, nếu có thời gian rảnh, em vẫn cố gắng duy trì đam mê, dành thời gian để đến các buổi tập với CLB hay tự tập nhảy ở nhà. Mỗi ngày chỉ có 24h, các bạn nên biết cách cân bằng việc học và việc chơi.

Bố mẹ có ủng hộ những sở thích của em không?

Bố mẹ rất thoải mái trước những sự lựa chọn của em “thích làm gì thì làm”, miễn là hoạt động lành mạnh là được. Chẳng hạn em đi nhảy, bố mẹ cũng đồng ý vì cho rằng đây là sở thích giúp em rèn luyện sức khỏe hơn. Cho đến khi em đạt được những thành tựu nhất định, bố mẹ càng thêm tin tưởng hơn và công nhận rằng em thật sự nghiêm túc với những lựa chọn đó.

Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?

Các bạn cứ thử nhiều vào, đừng quan trọng việc có đạt được thành tích hay không. Nếu thử và cảm thấy không hợp thì cũng không có gì phải buồn cả. Hãy cứ tiếp tục thử những điều mới lạ khác, rồi sẽ có một ngày bạn tìm thấy điều phù hợp. Thử cũng là cách để bạn tìm những cơ hội mới để phát triển. Và bởi vì chúng ta đang ở độ tuổi thích hợp để thoải mái thử và trải nghiệm mà.

Nếu có một lời nhắn nhủ tới các cha mẹ của các em hs cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?

Em nghĩ cha mẹ nên lắng nghe con nhiều hơn. Cha mẹ là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm hơn, còn bọn em còn quá trẻ, chưa trải nghiệm nhiều, chưa có nhiều góc nhìn rộng nên quan điểm có thể sẽ sai. Nhưng mong cha mẹ lắng nghe để hiểu con hơn và từ đó cùng con định hướng và phát triển đúng.

CÁM ƠN EM VÌ NHỮNG CHIA SẺ NÀY.


👇 Đọc thêm các bài viết liên quan

Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo (RMIT)

Điều cha mẹ có thể làm để con thành công trong ngành Thiết kế

Ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo ở RMIT có gì khác biệt?

▪ Tìm hiểu ngành Cử nhân Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo của Đại học RMIT tại ĐÂY

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.