Với niềm đam mê và bề dày kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và áp dụng công nghệ thông tin, và đặc biệt là an ninh mạng, vào thế giới kinh doanh, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, chủ nhiệm chương trình Cử nhân Kinh doanh mới, hi vọng chương trình sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng phù hợp với xu thế ứng dụng dụng công nghệ mạnh mẽ trong kinh doanh của thị trường tuyển dụng.
Tự mô tả bản thân bằng từ “đa nhiệm”, tiến sĩ Phạm Công Hiệp luôn hướng tới những cải cách đổi mới trong giảng dạy. Ngoài công tác giảng dạy, thầy còn tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm trau dồi thêm kỹ năng giảng dạy và kết nối sinh viên với nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Là một người thầy tận tâm trong việc trồng người, luôn hỗ trợ sinh viên, thầy Hiệp đã vinh dự nhận giải thưởng trưởng bộ môn xuất sắc trong việc phát triển chương trình hỗ trợ việc học và dạy linh hoạt của RMIT.
Một số thông tin về tiến sĩ Phạm Công Hiệp:
Chủ nhiệm chương trình Cử nhân Kinh doanh, Khoa Kinh doanh & Quản trị
Trưởng Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng dụng An toàn thông tin Đại học RMIT
Tiến sĩ Công nghệ Thông tin, chuyên ngành Bảo mật thông tin tại Đại học RMIT Melbourne, Úc
Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học RMIT Melbourne, Úc
Thạc sĩ Quản lý hệ thống thông tin tại Đại học UNSW Sydney, Úc
Chứng chỉ giảng viên chuyên nghiệp cao cấp của hiệp hội Giảng dạy Đại học của Anh (SFHEA)
20 năm kinh nghiệm với các vị trí giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Công nghệ thông tin
Thầy đã có thời gian theo học và giảng dạy ở nhiều đh tại úc, thầy đánh giá môi trường ở RMIT Việt Nam có điểm gì giống/ khác với các môi trường đó?
Các trường quốc tế có điểm chung là cơ sở hạ tầng, phương tiện giảng dạy hiện đại, giáo viên được đào tạo bài bản và tận tình hỗ trợ sinh viên. Chương trình giảng dạy cũng thường xuyên được cập nhập để đảm bảo phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội và doanh nghiệp.
Với RMIT Việt Nam, vì có số lượng giảng viên nước ngoài chiếm đến 70% từ hơn 30 nước khác nhau nên sinh viên sẽ có trải nghiệm rất đa dạng, được chia sẻ kinh nghiệm văn hóa, cuộc sống và công việc từ nhiều góc nhìn.
Hơn nữa, RMIT VN có sự khác biệt trong việc tạo điều kiện cho sinh viên khi ra trường có những kỹ năng để làm việc ngay (work-ready). Các chương trình thực tập kết nối với doanh nghiệp, các phòng thực hành chuyên ngành như Trading Lab, Cyber Lab, Blockchain Lab…, các bài tập mang tính thực tiễn (authentic assessment) giúp các bạn sinh viên có những trải nghiệm hiệu quả nhất, trang bị kỹ năng xử lý tình huống, phân tích lí do, trình bày diễn thuyết tự tin ngay khi ra trường.
Theo thầy, phương pháp giảng dạy tại RMIT có gì điểm gì khác biệt?
Nhà trường luôn hướng đến sự cải cách đổi mới nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng các xu thế mới trên thị trường trong nước lẫn toàn cầu và phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.
Sự cập nhật và đổi mới của chương trình Cử Nhân Kinh Doanh chính là một minh chứng cụ thể.
Chương trình cho phép sinh viên có thể tự thiết kế chương trình học tùy theo sở thích cá nhân và cung cấp kiến thức chuyên môn cùng các kỹ năng đa ngành quan trọng trong công việc và cuộc sống.
Với sự cố vấn nhiệt tình của các doanh nghiệp đối tác, chương trình được thiết kế với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành những người có thể giải quyết các vấn đề đương đại bằng kiến thức liên ngành và bộ kỹ năng đa dạng. Từ đó, sinh viên sẽ vững bước vào đời sau khi tốt nghiệp với kỹ năng phân tích phản biện, tư duy toàn cầu cùng sự thích ứng nhanh nhẹn trước thời đại số.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất của thầy từ khi giảng dạy tại RMIT?
Năm 2019, sau khi hướng dẫn 4 bạn sinh viên hoàn thành khóa thực tập với kết quả báo cáo xuất sắc, tôi hướng dẫn các bạn nộp bài báo vào hội nghị quốc tế chuyên ngành Logistics. Kết quả là các em đã có 2 bài báo được trình bày ở hội nghị, trong đó có 1 bài đạt giải bài viết xuất sắc nhất. Việc tham gia viết bài cho hội nghị không chỉ giúp các bạn sinh viên có trải nghiệm nghiên cứu và trình bày kết quả khoa học mà còn nâng cao các kỹ năng toàn diện.
Thầy có hoạt động nào để nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên không?
Tôi thường xuyên tham gia khóa huấn luyện ngắn hạn về kỹ năng giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, vướng mắc và cùng mọi người trao đổi giải quyết. Nhà trường cũng khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho các giảng viên tham dự hội nghị chuyên ngành; từ đó, chúng tôi có thêm cơ hội lĩnh hội kiến thức mới nhất trong ngành và nâng cao chất lượng bài giảng và chuyên môn.
Ngoài ra, tất cả giảng viên được yêu cầu tham gia nghiên cứu, viết bài nghiên cứu khoa học chuyên ngành và sử dụng trong bài giảng. Hơn nữa, tôi cũng cố gắng liên tục cập nhật các ứng dụng công nghệ thông dụng và duy trì kết nối với các doanh nghiệp nhằm tăng tính thực tiễn của mỗi bài giảng.
Thầy thường làm gì để cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Với phương châm “Làm hết sức chơi hết mình”, tôi luôn cố gắng cân bằng cuộc sống và công việc của mình. Nếu trong công việc phải tập trung, hiệu quả và đạt yêu cầu, thì những ngày nghỉ là khoảng thời gian tôi dành cho sở thích cá nhân như phượt moto, khám phá các vùng đất mới để tiếp thêm năng lượng làm việc hiệu quả hơn.
Tôi nghĩ các bạn sinh viên cũng nên áp dụng phương châm này. Các bạn có thể tận dụng thế mạnh, đam mê lành mạnh của mình như tìm hiểu về điện tử, công nghệ, học lập trình phân tích dữ liệu, hay kể cả tạo kênh Tik Tok, Youtube,…, miễn sao theo đuổi các hoạt động mình thích và giỏi. Chính những kỹ năng ngoài trường lớp này sẽ có thể rất hữu dụng khi các bạn đi làm. Chắc chắn kỹ năng này sẽ là điểm mạnh hơn so với các ứng viên khác bởi không phải ai cũng học được từ giảng viên hay bạn bè cùng lớp.
Nếu có một lời khuyên dành cho các em học sinh sinh viên, thầy sẽ khuyên gì?
Hãy kiếm tìm một đam mê lành mạnh và thật tâm huyết với đam mê đó. Các em hãy biến đam mê thành một phương thức kết nối và tận dụng nó làm những điều có ích không chỉ cá nhân mình mà còn cho cả gia đình và xã hội.
Còn đối với các cha mẹ thì sao, thầy có lời nhắn nhủ gì tới họ không?
Hãy ủng hộ và hỗ trợ các con theo đuổi đam mê của mình, cho dù có thể không theo ý của mình. Có thể thấy, rất nhiều phát minh và thành tựu trong cuộc sống xuất phát từ những đam mê và ý tưởng khác lạ. Vì nếu không có đam mê và thiếu sự hứng khởi trong cuộc sống thì các con sẽ thiếu sự tập trung và nỗ lực trong một thời gian dài và khó có thể đạt được thành công trong đời. Và đừng tạo áp lực quá lớn bởi các con còn non trẻ, chưa đủ trưởng thành để vượt qua những thử thách, khó khăn vô hình đó. Hơn nữa, các con cũng còn rất nhiều thời gian để đạt được thành công.
CẢM ƠN THẦY VÌ BUỔI TRÒ CHUYỆN NÀY!
Tìm hiểu chương trình Cử nhân Kinh doanh (mới) sẽ được giảng dạy từ tháng 10/2022 tại RMIT Việt Nam.