Được chính cậu con trai 18 tuổi của mình nhận xét là người “Truyền cảm hứng, Hào sảng, và Kiên cường”, tiến sĩ Manny Ling, chủ nhiệm cấp cao ngành Thiết Kế Ứng Dụng Sáng Tạo tại ĐH RMIT, thực sự đem lại những cảm giác đó trong cuộc trò chuyện của chúng tôi với thầy. Sinh ra ở Hong Kong, lớn lên ở Anh, có kinh nghiệm 24 năm làm giảng viên cao cấp khoa thiết kế tại đại học Anh Quốc Sunderland, thầy đã được tiếp xúc nhiều văn hoá khác nhau, có được cái nhìn đa chiều về thế giới. Và vì thế, ngoài việc yêu thích nghệ thuật và cái đẹp, thầy Manny có một bề dày trải nghiệm nghệ thuật và cuộc sống – những yếu tố cần và đủ để những kiến thức và kỹ năng mà thầy truyền đạt lại cho các lớp sinh viên mang đầy tính ứng dụng, đưa những sản phẩm thiết kế đi sâu vào thực tế.
Một số thông tin về thầy Manny Ling:
Chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế chữ, thiết kế biên tập, thư pháp và giao tiếp đồ họa.
Một trong những tiến sĩ đầu tiên về thực hành Thư Pháp Phương Tây
Từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Thư pháp (IRCC) tại Đại học Sunderland, Anh Quốc
Cơ duyên nào đã đưa thầy đến với RMIT?
Chính danh tiếng của RMIT trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế đã khiến tôi muốn làm việc tại trường. Được tiếp xúc và trải nghiệm nền văn hoá Châu Á, và đặc biệt là Đông Nam Á luôn là khát khao và mong muốn của tôi, Vì vậy, việc RMIT có chi nhánh ở Việt Nam thực sự là một điểm cộng và cơ hội với tôi.
Theo thầy, RMIT có những điểm gì khác biệt với những trường đại học mà thầy đã giảng dạy?
Với kinh nghiệm 24 năm làm giảng viên, tôi nhận thấy môi trường giảng dạy và học tập ở RMIT có những nét đặc trưng rất riêng. Điều tôi ấn tượng nhất ở đây, chính là thái độ cầu tiến và đạo đức làm việc của các bạn sinh viên ở đây. Trong quá trình làm sản phẩm thiết kế, họ luôn muốn biết nhiều và nhiều hơn nữa, dẫn đến chất lượng đồ án thiết kế cao hơn so với các sinh viên tôi đã từng dạy. Ngoài ra, tôi cũng để ý thấy sinh viên RMIT rất tôn trọng và đón nhận những lời khuyên của các giảng viên. Trải nghiệm thú vị này cũng chính là động lực để tôi sáng tạo phương pháp giảng dạy của mình, để sinh viên luôn có thể biết thêm nhiều kiến thức hơn.
❓❓Theo thầy, RMIT mang lại gì cho sinh viên, đặc biệt là trong khối ngành thiết kế?
Đây là chương trình học duy nhất sinh viên được tiếp cận thiết kế trên diện rộng, để có thể thu nạp được nhiều lý thuyết, kỹ năng và tiếp xúc nhiều nhánh thiết kế đa dạng. Sau đó, sinh viên có thể tự chọn chuyên về một lĩnh vực vào năm cuối.
Học tập là cả một quá trình phát triển điểm mạnh, trau dồi điểm yếu của bản thân. Và trên con đường khám phá niềm đam mê với thiết kế, sinh viên đều có sự đồng hành bởi các giảng viên và các nhân viên trong trường. Đó là lý do vì sao, như đã nêu ở trên, tôi cảm thấy sinh viên ở đây rất quý trọng các thầy cô giáo và nhân viên trong trường.
Các sinh viên thường miêu tả thầy với những từ ngữ như nào?
“Thân thiện”.
Vậy thầy sẽ chọn miêu tả RMIT qua những từ ngữ nào?
Tôi sẽ chọn “Con người”, “Chất lượng” và “Quá trình”
Trong cương vị một giảng viên, thầy có thể chia sẻ kĩ hơn về phương pháp giảng dạy của mình tại RMIT?
Đối với lứa tuổi sinh viên năng động, đặc biệt là tại RMIT, một phương pháp giảng dạy là không bao giờ đủ. Với mỗi một môn học tôi phải đưa ra từng phương án học tập khác nhau. Nhưng nhìn chung, tôi hay áp dụng phương pháp “thích nghi” và “phản ứng”. Bởi thiết kế là một lĩnh vực không ngừng đổi mới và phát triển, giảng viên không thể thụ động và mong rằng mình luôn có đủ kiến thức cho mọi sinh viên. Việc “thích nghi” với tình huống và kịp thời “phản ứng” với tình huống đó sẽ khiến công việc truyền tải thông tin và kiến thức đến các bạn trở nên hiệu quả hơn.
❓❓Với những sinh viên gặp khó khăn trong học tập, thầy có phương pháp để giúp đỡ các bạn?
Tôi nhận ra rằng giao tiếp chính là bước đầu tiên để hiểu hơn về những sinh viên đang gặp khó khăn. Giảng viên phải tìm ra được vấn đề cốt lõi sinh viên đó đang gặp phải là gì. Đó có thể là do chương trình giảng dạy không đủ hay, sinh viên không tìm thấy niềm vui trong môn học, một kỹ năng nào đó còn thiếu, hay thậm chí là một vấn đề bên ngoài lớp học. Nhưng dù là gì, khi đã “bắt mạch” được vấn đề, giảng viên cần đưa ra lời khuyên và chiến lược để giúp sinh viên vượt qua khó khăn đó.
Với những sinh viên mong muốn tiến bộ, tôi luôn nói với họ rằng “Chỉ cần bạn muốn làm gì, bạn sẽ luôn luôn có thời gian để làm việc đó”
Nếu có một lời khuyên cho các con học sinh Cấp 3, thì đó là gì, thưa thầy?
Con đường đi tìm đam mê bản thân không phải là một con đường dễ dàng và bằng phẳng, nhất là khi chúng ta ở độ tuổi đang lớn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể từng bước thử xác định niềm đam mê và dấn thân vào nó. Các em hãy bắt đầu xác định những lĩnh vực mà mình hứng thú muốn tìm hiểu (Sáng tạo, kinh doanh, khoa học, v.v.) rồi chọn lấy một lĩnh vực mà em cảm thấy phấn khích nhất.
Với những em may mắn đã biết thế mạnh và đam mê của mình, hãy cứ đi theo những gì con tim và lý trí em mách bảo, sẵn sàng cho những ngày tháng đại học đầy năng động và đáng nhớ.
Vậy thầy có lời khuyên cho các bậc cha mẹ?
Dù các con vẫn còn là những cô cậu học sinh/ sinh viên đang lớn, thế nhưng là những bậc cha mẹ, hãy để con tự vùng vẫy trong khoảng trời của con. Cha mẹ hãy tin tưởng rằng, một ngày nào đó, với trải nghiệm bản thân con sẽ tìm được lĩnh vực yêu thích của mình.
👉 Tìm hiểu thêm về Cử nhân Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo tại ĐÂY