Vào năm 2002, khi đang là một kỹ sư phần mềm tại Mỹ, thầy Trần Ngọc Quang đã quyết định thử sức với vai trò giảng dạy tại RMIT khi về thăm Việt Nam. Sau đó, như một cơ duyên, công việc này đã cuốn hút và gắn bó với thầy cho đến ngày hôm nay.

Hiện tại, thầy Quang đang tham gia giảng dạy chuyên ngành Kỹ thuật Phần mềm tại cơ sở Nam Sài Gòn, phụ trách các môn Kỹ thuật máy tính, Lập trình hướng đối tượng, Phát triển ứng dụng iOS và Thực hành kỹ thuật chuyên nghiệp.

Tự giới thiệu mình là một người sáng tạo làm việc trong ngành kỹ thuật, thầy Quang đem đến người đối diện ấn tượng về sự nhạy bén và một nguồn năng lượng mạnh mẽ.

1. Thầy sẽ chọn 3 từ nào để mô tả môi trường học tại RMIT?

Quốc tế – Năng động – Thực tiễn

2. Trước đây, thầy cũng đã có thời gian theo học ở các trường đại học quốc tế ở nước ngoài, theo thầy đánh giá thì môi trường học ở RMIT có gì giống hoặc khác với ngôi trường ngày xưa của mình?

Môi trường học tại RMIT khá giống với nơi mà tôi đã từng theo học tại Canada – Đại học Waterloo. Các sinh viên được tiếp cận với một nền giáo dục quốc tế, cân bằng tốt giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế. Cách đánh giá cũng minh bạch, toàn diện và luôn đảm bảo đi sâu vào thực chất.

3. Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho sinh viên của mình là gì, thưa thầy?

RMIT chuẩn bị cho sinh viên trở thành các công dân toàn cầu, có khả năng tư duy và làm việc hiệu quả tại bất kỳ nơi đâu trên thế giới với bất kỳ một đội ngũ nào.

4. Phương pháp giảng dạy của những bộ môn mà thầy đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì khác biệt?

Tôi chú trọng vào cả lý thuyết lẫn thực hành. Một mặt, sinh viên cần rèn luyện thói quen đọc sách và các tài liệu tham khảo cho các môn học của mình. Mặt khác, các bài tập thực hành đòi hỏi sinh viên phải suy nghĩ một cách có hệ thống và sáng tạo để có thể áp dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, các em cần luyện tập làm việc hiệu quả không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn với các thành viên khác trong nhóm.

5. Điều thầy cô ghét hoặc thích nhất ở RMIT là gì?

Tôi thích là được làm việc trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp với nhiều đồng nghiệp tử tế.

6. Trước khi giảng dạy ở RMIT, có lẽ thầy đã từng giảng dạy ở các trường đại học khác, vậy thầy thấy sinh viên RMIT có gì khác biệt?

RMIT có nhiều sinh viên thông minh và năng động.

7. Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi giảng dạy ở RMIT của thầy là gì?

Trong những năm gắn bó ở đây, tôi có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Nhưng đặc biệt nhất vẫn luôn là có cơ hội thấy các sinh viên của mình trưởng thành, tự tin và thành công.

8. Thầy có những hoạt động gì để trau dồi và mở rộng thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc, nhằm giúp nâng cao chất lượng bài giảng tại RMIT?

Tôi có theo dõi một số chuyên gia đầu ngành trên trang mạng xã hội Twitter và LinkedIn để cập nhật thêm về những đề tài mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tôi cũng thường đọc các bài viết và xem các video về các đề tài trong lĩnh vực chuyên ngành của mình.

9. Thầy thường làm gì để cân bằng cuộc sống và công việc? Hãy kể ra một sở thích mà thầy nghĩ sinh viên có thể làm theo.

Để cân bằng cuộc sống, tôi luôn tách biệt giữa thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi và dành cho gia đình. Tôi không kiểm tra email vào buổi tối và các ngày cuối tuần. Khi rảnh rỗi tôi thích nghe nhạc, đọc sách, đi dạo và chơi tennis.

10. Nếu có một lời khuyên dành cho các tân sinh viên RMIT, thầy sẽ khuyên gì?

Các em hãy chọn ngành học phù hợp với thế mạnh của bản thân mình. Từ đó các em sẽ dễ đạt được kết quả tốt và trở nên yêu thích ngành học đã chọn. Càng yêu thích, các em sẽ lại càng có cảm hứng tìm tòi sáng tạo và thành công trong lĩnh vực đó.

Xin cảm ơn thầy!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.