Trước khi đến RMIT lần đầu tiên vào năm 2012 để làm giảng viên tại Khoa Kinh doanh & Quản trị, thầy Phillip Dowler, Trưởng đại diện cơ sở Hà Nội, đã nắm giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Dịch vụ Cứu hộ Trực thăng Trung ương Queensland, Úc (RACQ CQ Rescue). Tổ chức này đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng bằng việc cung cấp hỗ trợ y tế nhanh chóng cho những người bị nạn với hy vọng giảm thiểu khả năng bị thương tật vĩnh viễn. Dưới sự quản lý của mình, thầy Phillip Dowler đã góp phần quan trọng phát triển dịch vụ cứu hộ này từ một nhà cung cấp cộng đồng nhỏ trở thành một trong những dịch vụ hàng đầu tại Úc.
Chính những kinh nghiệm làm việc trong dịch vụ khẩn cấp này đã cho thầy các kỹ năng cần thiết của một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục: khả năng thích ứng, đồng cảm, liên tục đổi mới và thúc đẩy, v.v…
Một số thông tin về thầy Phillip Dowler:
Trưởng đại diện cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam
Cựu Chủ nhiệm, nhóm bộ môn Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam
Giảng viên môn Khởi nghiệp kinh doanh (Entrepreneurship), Đại học RMIT Việt Nam
Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (Auscharm)
Cựu Giám đốc điều hành, Dịch vụ Cứu hộ Trực thăng Trung ương Queensland, Úc
1. Cơ duyên nào đã đưa thầy đến với RMIT?
Tôi bắt đầu làm giảng viên vào năm 2012 tại cơ sở Nam Sài Gòn và sau đó chuyển sang vai trò của mình hiện tại ở Hà Nội sau Tết năm 2014. Để có được ngày hôm nay, tôi nghĩ tất cả nhờ cơ duyên, may mắn, và thái độ luôn sẵn sàng thử thách với những cơ hội mới. Cơ duyên làm việc tại RMIT bắt nguồn từ một lần tôi phải tham dự một hội nghị ở Vương quốc Anh về máy bay trực thăng cứu hộ, trên đường bay, tôi có điểm dừng chân kéo dài ba ngày ở TP. Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi đã phải lòng đất nước và con người nơi đây. Khi tôi quay trở lại Úc, tôi đã đề nghị với vợ tôi rằng chúng tôi nên chuyển đến Việt Nam. Một năm sau đó, chúng tôi đã thực hiện được nguyện vọng. Khi biết tin tôi chuyển tới Việt Nam, một người bạn tốt của tôi – Giáo sư David Wilmoth, cũng chính là một trong những người sáng lập RMIT Việt Nam, đã đề nghị tôi làm việc ở RMIT, và đó là lý do tôi ở đây.
Tôi nghĩ mình là một người rất may mắn khi có cơ hội nắm giữ vị trí quản lý ở một trường đại học lớn của Úc tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong suốt những năm qua. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc trong một môi trường năng động, gặp gỡ những người thú vị và chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Tôi thậm chí biết cách nói ‘phở’ một cách chính xác!
2. Thầy có thể chia sẻ một chút về công việc của mình ở RMIT được không?
Hiện tôi đang giữ vị trí Trưởng đại diện Cơ sở Hà Nội. Nhiệm vụ chính của tôi là làm người kết nối giữa cơ sở Sài Gòn và Hà Nội, để đảm bảo mọi công việc đều nhất quán và tất cả các bộ phận liên quan đều nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên liên lạc với Đại sứ quán Úc nhằm quảng bá hình ảnh của trường RMIT với tư cách là tổ chức giáo dục lớn nhất của Úc tại Việt Nam.
Ngoài công việc chính, trong 5 năm qua, tôi còn giữ vị trí Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (Auscharm), trở thành cầu nối cho doanh nghiệp Úc giữa Úc và Việt Nam.
3. Điều thầy tự hào nhất từ khi đảm nhiệm vị trí này?
Cho đến hiện tại, trải nghiệm của sinh viên đã được cải thiện, các sinh viên đều tự hào khi mình là cựu sinh viên RMIT, số lượng sinh viên mới tăng gần 100% và giai đoạn đầu tiên của việc tân trang khuôn viên trường đã hoàn thành, đồng thời chúng tôi cũng liên tục cải thiện trình độ của nhân viên, cũng như chú trọng vào chất lượng sinh viên thay vì số lượng.
4. Sinh viên trong trường hay gọi thầy là gì?
Ông nội, hoặc là Bác Phil
5. 3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT?
Nồng hậu, Như một gia đình, Quốc tế
6. Thầy thấy RMIT có điểm gì khác biệt?
RMIT mang đến trải nghiệm quốc tế ngay tại Việt Nam. Chúng tôi có đội ngũ giảng viên, sinh viên tới từ hơn 30 quốc gia khác nhau cùng làm việc và học tập, họ mang dấu ấn văn hóa, phong cách sống và vốn hiểu biết phong phú đến môi trường học tập, và vì thế, sinh viên không cần phải đi du học mới trải nghiệm được sự đa dạng.
7. Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi vào làm ở RMIT?
Tôi đặc biệt thích các lễ tốt nghiệp, và mỗi lễ tốt nghiệp lại là một kỷ niệm đáng nhớ. Tôi được chứng kiến niềm tự hào của các gia đình khi nhìn con cái họ bước lên sân khấu trong những bộ áo mũ cử nhân, nụ cười rạng rỡ của các sinh viên và niềm tự hào của họ khi đứng trên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp.
8. Điều thầy thích nhất về RMIT?
Tôi yêu cách mà RMIT cơ sở Hà Nội sát cánh cùng nhau như một gia đình, cách nhân viên và sinh viên chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra một người quen khi đi trong thang máy, hay thấy sinh viên và các nhân viên trong trường thân thiết hỏi thăm nhau. Tôi nghĩ hiếm môi trường nào có được sự ấm cúng như vậy.
9. Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?
Đừng sợ điều gì mà hãy làm theo những gì trái tim các em mách bảo. Hãy tìm ra niềm đam mê của mình và theo đuổi nó. Sẵn sàng chấp nhận rằng mình sẽ phạm sai lầm trong quá trình ấy. Mắc lỗi, sai lầm chính là cách chúng ta khám phá ra cách để đạt được ước mơ.
10. Nếu có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ của các em học sinh cấp 3 chuẩn bị vào đại học, thầy sẽ nhắn gì?
Thật không dễ dàng để nhìn thấy con bạn lớn lên, tất cả chúng ta ắt hẳn đều cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi để con rời xa vòng tay của mình. Nhưng bởi vì đó là con chúng ta, hãy cứ quan tâm và yêu thương chúng. Chúng ta đã luôn làm tấm gương, hình mẫu tốt, vì vậy chúng ta hãy tin tưởng con cái khi con đưa ra lựa chọn cuộc sống của bản thân.