Một giảng viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo, một người nghệ sĩ với tâm hồn bay bổng, thích cảm giác đắm chìm trong studio, sáng tác, tổ chức triển lãm và tham gia các chương trình lưu trú – đó là những gì chúng ta có thể tìm thấy ở thầy Phạm Ngọc Hà Ninh – người thầy dù mới gia nhập gia đình RMIT hơn 1 năm nay nhưng rất được các bạn sinh viên yêu quý.

Khi được hỏi mô tả bản thân trong 1 từ ngắn gọn, thầy đã chọn “tò mò”. Quả thật, khi trò chuyện cùng thầy, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những câu trả lời hóm hỉnh của một người làm nghệ thuật chân chính, một người nghệ sĩ với năng năng lượng tươi mới, tràn đầy đam mê, sức sống.

Một số thông tin về thầy Phạm Ngọc Hà Ninh:

✅ Giảng viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo

✅ Thạc sĩ Nghệ thuật – Master of Fine Arts tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania

✅ Đạt giải Dogma Prize bởi Dogma Collection năm 2021

✅ Đạt giải Finest Artist bởi Hanoi Grapevine năm 2019 và 2020

✅ Tham gia chương trình lưu trú Skowgehan, Yaddo (Hoa Kỳ) và Hội chợ S.E.A Focus 2021 tại Singapore

Cơ duyên nào đưa thầy đến với RMIT?

Năm 2019, khi mới trở về Việt Nam, tôi đã được nhận vào chương trình lưu trú Digital Design & Media Residency của khoa Digital Media thuộc SCD. Trong quá trình tham gia, tôi nhận thấy tác phẩm của mình được đón nhận tích cực bởi các giảng viên và sinh viên RMIT. Tôi rất ngạc nhiên bởi vốn dĩ tôi theo đuổi một hướng đi không quá phổ biến trong nghệ thuật. Chính sự cộng hưởng từ những con người nơi đây đã tiếp thêm cho tôi niềm tin rằng tôi có thể gắn bó lâu dài.

Trước khi giảng dạy ở RMIT, thầy đã từng trải qua công việc gì đặc biệt không?

Tôi vẫn luôn duy trì hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2013. Cũng đã có một thời gian tôi bỏ không làm, một năm thôi, đó là năm 2014. Khi đó, tôi cảm thấy mất phương hướng và dần đưa đến ý định bỏ nghệ thuật. Đó cũng là lúc tôi quyết định mở một quán cà phê ở gần Lăng Bác cùng với một vài người bạn. Chúng tôi đã tự tay thiết kế mọi thứ và chế tạo từng đồ đạc một. Việc điều hành một quán cà phê thực sự rất vất vả, may mắn lắm quán mới không bị lỗ. Nhưng cũng nhờ khoảng thời gian đó, tôi đã học được rất nhiều kĩ năng sinh tồn mà tôi ít có điều kiện được học trong môi trường nghệ thuật trước đây.

3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT?

Hiện đại, Bài bản, và Hội nhập

Từng có thời gian theo học ở các trường đại học quốc tế ở nước ngoài, thầy đánh giá môi trường học ở RMIT có điểm gì giống/ khác?

Điểm giống nhau là RMIT được tổ chức theo mô hình Đại học đa ngành phổ biến trên toàn thế giới. Đại học là nơi không chỉ dạy kĩ năng, kiến thức mà còn là nơi nghiên cứu, phát triển tri thức, định hướng các giá trị và lan tỏa chúng ra toàn xã hội. Còn khi nói về điểm khác biệt thì có lẽ là RMIT Việt Nam chú trọng nhiều hơn tới sự linh hoạt và tính thực tiễn trong chương trình đào tạo và nghiên cứu cho sinh viên. Đây cũng là điểm đặc biệt của RMIT bởi phương pháp giảng dạy này rất phù hợp với nhu cầu của thị trường ngày nay trong khu vực cũng như các cơ hội mà chúng ta đang có.

Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho sinh viên là gì?

Sự tự tin! Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển cực kì nhanh chóng. Thế hệ trẻ ngày nay đã có những điều kiện phát triển bản thân cả về kiến thức và kỹ năng mà thế hệ trước chưa từng có. Đây cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên và mong các bạn nhận thức cũng như cố gắng học cách trở nên tự tin hơn để đóng góp những giá trị cao quý cho thế giới.

Phương pháp giảng dạy của những bộ môn mà thầy đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì đặc biệt?

Phần lớn các môn học ở RMIT đều cố gắng thúc đẩy và yêu cầu sinh viên phải tư duy theo hướng là làm sao để công việc của họ trở nên có ích cho cộng đồng và thế giới. Để có được điều này, chúng tôi cũng luôn luôn cố gắng cải tiến chương trình đào tạo không ngừng để luôn hữu ích không chỉ là trong quá trình học tập mà còn trên con đường sự nghiệp tương lai của mỗi sinh viên. 

Nếu có một lời khuyên dành cho các sinh viên và tân sinh viên RMIT, thì đó sẽ là gì?

Tôi mong các bạn hãy học cách tổ chức cuộc sống cá nhân của mình cho thật tốt.

 Nếu có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ có con chuẩn bị vào đại học, thầy sẽ nhắn gì?

Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới rất nhanh và tương lai sẽ còn nhanh hơn nữa. Sẽ có nhiều giá trị cũ bị lãng quên và nhiều giá trị mới được công nhận. Tôi nghĩ rằng các phụ huynh hãy cố gắng cởi mở, động viên và tạo không gian cho con em mình, để các bạn có điều kiện phát triển bản thân tốt nhất.

Cám ơn thầy vì cuộc trò chuyện này!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.