Từ những ngày còn học cấp 3, thầy Nguyễn Huỳnh Luân đã đặc biệt dành niềm yêu thích đối với lĩnh vực Tâm lý học, mặc cho khi đó chưa có quá nhiều thông tin đại chúng về lĩnh vực đặc biệt này ở Việt Nam. Sau một cuộc thi định hướng nghề nghiệp, phải tìm hiểu, lên kế hoạch cho bản thân, thầy Luân đã hạ quyết tâm sẽ theo đến cùng niềm đam mê của mình. Cho đến nay, với gần 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực Tâm lý học chuyên nghiệp, thầy Luân đã truyền được ‘ngọn lửa’ đam mê ấy cho rất nhiều bạn sinh viên.

Quả thật, khi nói chuyện với thầy Luân, chúng tôi có thể lắng nghe được âm thanh của sự đam mê mãnh liệt mà thầy dành cho Tâm lý học. Thầy chia sẻ rằng câu hỏi quan trọng nhất đối với mỗi người làm trong lĩnh vực tâm lý chuyên nghiệp không phải là “Tôi biết gì về họ?” mà là “Tôi biết về họ để làm gì?”. Nếu câu trả lời là tìm kiếm phương pháp tốt nhất để giúp đỡ mọi người thì Tâm lý học chắc chắn đã chọn bạn.

Một số thông tin về thầy Nguyễn Huỳnh Luân:

🧩 Giảng viên ngành Tâm lý học RMIT Việt Nam

🧩 Thạc sĩ Tâm lý học chuyên ngành Tâm bệnh học và tâm lý lâm sàng tại Đại học Swansea (Vương quốc Anh)

🧩 Gần 10 năm kinh nghiệm với các vị trí giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Tâm lý học

❓ CƠ DUYÊN NÀO ĐÃ ĐƯA THẦY ĐẾN VỚI LĨNH VỰC TÂM LÝ HỌC?

Tôi yêu thích lĩnh vực này từ những ngày học cấp 3. Trên hành trình tìm kiếm con đường tương lai, tôi cảm thấy cực kì thú vị với việc tìm hiểu thế giới tinh thần của con người. Tuy nhiên, khi đó, vào những năm 2009 – 2010, Tâm lý học tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và chưa nhiều thông tin về ngành này. Ban đầu bản thân tôi cũng chưa chắc chắn và chưa tự tin về chọn lựa của bản thân. Sau đó, tôi có cơ hội tham gia một cuộc thi về định hướng nghề nghiệp tương lai và phải chọn một ngành nghề mình muốn theo đuổi, tìm hiểu, lên kế hoạch bản thân và thể hiện quyết tâm theo đuổi nó. Qua quá trình tìm hiểu, tôi càng nhận ra mình rất yêu thích và có nhiều tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này. Kết quả chung cuộc tôi đã được hạng Nhì toàn quốc, và đó là lúc tôi nhận ra tôi đã chọn Tâm lý học và Tâm lý học đã chọn tôi.

❓ THẦY VÀ RMIT ĐÃ BÉN DUYÊN NHƯ THẾ NÀO?

Ngay khi biết tin RMIT có kế hoạch mở ngành Tâm lý học tại Việt Nam, tôi đã rất mong đợi được tham gia giảng dạy tại đây và lập tức chuẩn bị các hồ sơ. Và thật may mắn khi tôi được trở thành một trong những giảng viên Tâm lý học đầu tiên tại RMIT Việt Nam. 

❓ THẦY YÊU THÍCH LĨNH VỰC NÀO NHẤT TRONG TÂM LÝ HỌC?

Trong các chuyên ngành của Tâm lý học, tôi thích nhất là lĩnh vực tâm lý học nhân cách và tâm bệnh học. Tôi yêu thích việc tìm hiểu các đặc điểm trong nhân cách con người, vai trò của các yếu tố bẩm sinh, các trải nghiệm sống và các tiến trình cá nhân tạo nên sự khác biệt của chúng ta với những người khác cũng như gây ra các vấn đề rối nhiễu tâm lý. Đặc biệt, các yếu tố văn hóa – xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng vào các tiến trình này. Đây cũng là chủ đề tôi sẽ phát triển sâu trong đề án tiến sĩ của mình.

❓ ĐIỀU GÌ THẦY THÍCH NHẤT KHI GIẢNG DẠY TÂM LÝ HỌC?

Tâm lý học là một ngành học rất đặc biệt bởi nếu muốn đi xa, bạn cần đi sâu. Đi sâu ở đây mang ý nghĩa về sự hiểu biết thấu đáo các khái niệm, đồng thời với việc tự soi chiếu, tự làm việc trên bản thân trước khi hiểu và làm việc với người khác. Trong hơn 7 năm giảng dạy lĩnh vực này, điều luôn chạm đến tôi nhất là việc sinh viên hiểu và kết nối tốt hơn với chính bản thân.

❓ NẾU ĐƯA RA 1 ĐỊNH NGHĨA NGẮN GỌN VÀ DỄ HIỂU VỀ NGÀNH TÂM LÝ HỌC, THẦY SẼ ĐỊNH NGHĨA NHƯ THẾ NÀO?

Tâm lý học là một ngành khoa học thú vị về hành vi và tâm trí con người. Các bạn sẽ được tìm hiểu về các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu tâm lý học, cơ sở sinh học của tâm lý người, các quá trình nhận thức, cảm xúc, các rối loạn tâm lý và các hiện tượng tâm lý cá nhân và tập thể. Từ đó, tâm lý học được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến con người. Có thể kể đến như việc chữa lành các rối loạn tâm lý, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo động lực làm việc và tuyển dụng nhân sự,…

❓ MỘT QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ NGÀNH TÂM LÝ HỌC KHÁ PHỔ BIẾN HIỆN NAY LÀ GÌ?

Có lẽ là “Học tâm lý sẽ khó kiếm việc làm”. Thực ra không chỉ riêng Tâm lý học mà bất kì ngành nghề nào, triển vọng nghề nghiệp đến từ rất nhiều yếu tố, ví dụ như nhu cầu của thị trường, trình độ chuyên môn, các kỹ năng mềm,… Một cách khách quan, tôi cho rằng ngành Tâm lý học chưa được đánh giá đúng vai trò trong xã hội Việt Nam, nhưng đang ngày càng được quan tâm sâu rộng. Tâm lý gia đã có mã nghề chính thức ở Việt Nam, đồng thời sau đại dịch COVID-19, mọi người đều ý thức rõ hơn vai trò của sức khỏe tinh thần trong thời đại “bình thường mới”. Vì vậy, khi có chuyên môn vững vàng cùng các kỹ năng thành thạo và linh hoạt, bạn là người “chủ động” cho chính cơ hội của mình.

❓ CÁC BẠN SINH VIÊN TƯƠNG LAI NÊN TRAU DỒI THÊM KỸ NĂNG HAY KIẾN THỨC GÌ ĐỂ THEO ĐUỔI NGÀNH NÀY?

Tâm lý học phù hợp với nhiều đối tượng với các thế mạnh và nền tảng kiến thức khác nhau. Để thành công trong lĩnh vực này, các bạn có thể rèn luyện những phẩm chất sau ngay từ khi còn trên ghế nhà trường:

✅ Quan tâm đến con người, xây dựng lòng trắc ẩn
✅ Các kỹ năng giao tiếp tốt
✅ Sự thấu cảm, hiểu thế giới từ góc nhìn của người khác
✅ Tư duy cởi mở, sẵn sàng đón nhận cái mới
✅ Tính kiên nhẫn

CẢM ƠN THẦY VÌ CUỘC TRÒ CHUYỆN NÀY.


👇 Đọc thêm:

Học ngành Tâm lý học ở RMIT có gì đặc biệt?

Hóa giải 3 hiểu lầm thường gặp về ngành Tâm lý học

👉 Tìm hiểu về ngành Cử nhân Ứng dụng Khoa học Ứng dụng (Tâm lý học) tại đây

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.