Nếu chỉ có một lời khuyên dành cho các sinh viên của mình, Tiến sĩ Jonathan Mark Crellin, khoa Khoa học và Công nghệ RMIT, sẽ nói: “Đừng hoảng!”. 

Thực vậy, năng lượng tích cực, sự điềm tĩnh và tư duy sắc bén chính là điều chúng tôi cảm nhận được trong phần trò chuyện với thầy. Bắt đầu tham gia giảng dạy tại RMIT vào tháng 5 năm 2019, đến nay, thầy Crellin đã trở thành một trong các nhân tố cốt lõi của khoa, đem kiến thức của những môn học cao cấp như Lập trình cho Internet vạn vật, An ninh mạng hay Toán học trong lập trình trở nên gần gũi với các con sinh viên. 

Trước khi trở thành giảng viên, thầy cũng là chuyên gia phân tích Điều tra pháp y máy tính được chứng nhận tại Anh, nguyên cố vấn Phòng Tội phạm công nghệ cao thuộc Sở cảnh sát Hampshire (Vương quốc Anh).

1. Thầy có thể chia sẻ đôi nét về bản thân trước khi gia nhập RMIT được không?

Tại Anh, tôi đã làm việc tại 3 trường đại học với tư cách là giảng viên và giảng viên chính (tương đương với bậc Giảng viên cao cấp/Phó giáo sư ở RMIT). Theo đó, tôi đã xây dựng và quản lý nhiều khóa học, đồng thời hướng dẫn cho các sinh viên từ cấp đại học đến Tiến sĩ. Tôi từng đi công tác ngắn hạn ở các nơi khác nhau trên thế giới. Trong suốt quá trình đó, tôi biết tới RMIT, danh tiếng và chất lượng tại đây và đã quyết định ứng tuyển.

2. Thầy sẽ chọn 3 từ nào để mô tả về RMIT?

Luôn hỗ trợ, lấy sinh viên làm trung tâm và đề cao thực chất.

3. Trước đây, thầy chắc chắn cũng đã có thời gian học tập tại nước ngoài. Vậy, theo thầy, môi trường học tập của RMIT với trường đại học trước đây của mình như thế nào?

Thực ra cũng khó so sánh đấy, vì tôi đã không đi học từ khá lâu rồi (cười). Nhìn chung, so với các trường đại học ở Vương quốc Anh, RMIT có được một môi trường học tập và giảng dạy đem đến sự hỗ trợ tối đa và có tính giáo dục cao cho sinh viên. 

4. Khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể đem tới cho học sinh của mình là gì?

Có lẽ lợi ích nổi bật nhất dành cho sinh viên RMIT là việc được tiếp cận với những phương pháp quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời, rèn luyện tính chủ động trong việc học. Như vậy, các con mới có thể trở thành những người nghiên cứu độc lập, chứ không ngồi tiếp nhận tri thức một cách thụ động.

5. Điều gì làm nên sự đặc biệt trong phương pháp giảng dạy của thầy?

Tôi đã luôn sử dụng phương pháp học tập dựa trên việc giải quyết các vấn đề, mô phỏng các trường hợp thực tế và tối ưu việc học trực tuyến ngay từ khi còn giảng dạy tại Anh quốc. Với RMIT, việc “học thật, đánh giá thật” rất được đề cao và cũng đã được tôi lồng ghép chặt chẽ trong việc giảng dạy của mình.

6. Trải nghiệm đáng nhớ nhất của thầy kể từ khi làm việc tại RMIT là gì?

Thực ra kỉ niệm đáng nhớ nhất chính là học kỳ đầu tiên của năm 2020, khi chúng tôi phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến do khủng hoảng COVID-19. Việc học tập  trực tuyến rất thú vị và hiệu quả đối với nhiều sinh viên. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, mỗi người lại có một cách nhìn nhận và khả năng tiếp thu khác nhau. Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại là động lực để những người giảng dạy như chúng tôi thay đổi và trở nên tốt hơn. Hiện nay, tôi đang dần tích hợp việc này vào chương trình của mình bằng cách lập nên một hệ thống bài giảng trực tuyến, nơi các con có thể tham dự, tương tác và sau đó có thể xem lại bài giảng được ghi lại sau buổi học.

7. Đâu là điều thầy thích (hoặc ghét) nhất ở RMIT?

Tôi thích khuôn viên của trường tại Sài Gòn. Nó rất nhỏ gọn nhưng có nhiều không gian để giải trí và làm việc riêng, và tất nhiên, một kho tài liệu tốt để nghiên cứu. Tôi cũng thích việc trường có sự đa dạng trong cơ cấu nhân viên quốc tế của mình.

Có lẽ tôi sẽ ước chúng ta có nhiều hơn ba khoa, hay có thể cung cấp nhiều chương trình và khóa học hơn trong Khoa Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, đáng mừng là số lượng sinh viên của RMIT đang tăng lên nhanh chóng và điều đó có nghĩa là trong vài năm tới, chúng tôi sẽ có thể đem đến nhiều lựa chọn về khóa học hơn.

8. Thầy có những hoạt động nào bên cạnh việc nghiên cứu để có thêm kiến ​​thức và kinh nghiệm?

Giảng dạy các khóa học trong lĩnh vực công nghệ đồng nghĩa với việc tôi luôn cần phải thích ứng và cập nhật với các tiến bộ. Tôi thích mua những thiết bị công nghệ mới, không chỉ để nghiên cứu dưới góc độ kỹ thuật mà còn trải nghiệm chúng như một người dùng bình thường. Gần đây, tôi đã khám phá một loại máy ảnh 360 độ mới. Chúng cũng rất phù hợp với sở thích đi xe đạp của tôi, giúp ghi lại mọi thứ một cách đơn giản và hữu hiệu.

9. Thầy thường làm gì để cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Thầy có sở thích nào mà sinh viên của mình có thể tham gia cùng không?

Tôi thích đi xe đạp. Tôi đã mang theo một chiếc xe đạp Brompton của Anh và tham gia vào các  buổi đạp xe cộng đồng vào Chủ nhật. Hoạt động này vừa tốt cho sức khỏe vừa tốt cho môi trường, và tất nhiên, ai cũng có thể tham gia cả.

10. Nếu bạn chỉ có thể đưa ra MỘT lời khuyên cho các tân sinh viên RMIT, đó sẽ là gì?

Đừng hoảng!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.