Humans of RMIT: Thầy Đặng Phạm Minh Duy

“Triết lý của tôi là mỗi tháng hoặc mỗi năm tôi phải cập nhật được vài dòng thay đổi đáng kể trong CV” Đó là chia sẻ của thầy Đặng Phạm Thiên Duy, Chủ nhiệm cấp cao ngành Công nghệ thông tinKỹ sư phần mềm, đồng thời là giảng viên các môn Machine Learning, Technology Leadership, Professional Computing Practice, tới các bạn sinh viên RMIT. 

Thầy gia nhập RMIT và Khoa Khoa học và Công nghệ từ giữa năm 2018, nhưng bản thân đã gắn bó với RMIT được hơn 10 năm, từ khi còn là sinh viên năm 2009 và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại RMIT Melbourne, Úc trong 5 năm.

Một số thành tựu:

✔️ Tiến sĩ ngành Hệ thống Thông tin Kinh doanh

✔️ Giải thưởng Best Paper của Hiệp hội Máy tính Úc trong Hội nghị Úc – Á về Hệ thống thông tin lần thứ 28

✔️ Đề cử Giải thưởng Luận án Tiến sĩ của Hội đồng Giáo sư về Hệ thống thông tin Úc 2018

—————————————-

Nếu có 3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT, thầy sẽ chọn gì?

  • Quốc tế và đa dạng: RMIT là trường đại học 100% quốc tế. Ở đây có nhân viên và sinh viên đến nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tôi tự hào là một phần của cộng đồng RMIT đa sắc màu.
  • Chuyên nghiệp và tận tâm: Mỗi lớp thực hành được giới hạn trong khoảng 30 sinh viên, giúp giảng viên bám sát từng sinh viên. Một nhóm nhỏ vừa đủ như vậy cũng sẽ giúp việc học hiệu quả hơn.
  • Hiện đại và năng động: Chúng tôi đang tập trung vào các mảng phát triển rất nhanh như, đồng thời hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon Web Services (AWS). Chúng tôi di chuyển rất nhanh và làm mới bản thân hàng ngày hàng giờ.

Trước đây, thầy cũng đã có thời gian theo học ở các trường đại học quốc tế ở nước ngoài, theo thầy đánh giá thì môi trường học ở RMIT có gì giống/khác với ngôi trường ngày xưa của mình?

Tôi đã từng học tập và giảng dạy tại RMIT Úc trong vòng 5 năm và có thể khẳng định rằng RMIT ở Úc và Việt Nam rất giống nhau ở nhiều điểm. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm nhận RMIT Việt Nam có một môi trường thân thiện, dễ thương, và có nhiều tương tác giữa thầy cô và sinh viên hơn tại RMIT Úc. Các giảng viên hoàn toàn đóng góp vào việc giảng lớp lý thuyết và cả giờ thực hành, tăng mức tương tác trực tiếp giữa thầy cô và sinh viên. Cộng đồng sinh viên RMIT Việt Nam cũng rất năng động và nhiệt tình, thường xuyên tổ chức các sự kiện sinh viên lý thú trong trường.

Điều thầy ghét/thích nhất ở RMIT?

Thành thật mà nói thì vì đây là trường cũ của tôi và cũng đã gắn bó hơn 10 năm nên khó có thể tìm ra được điểm gì để ghét. Còn thích thì có nhiều điểm để thích, nhưng thích nhất là môi trường làm việc có các bạn sinh viên và đồng nghiệp vừa thân thiện và chuyên nghiệp.

Phương pháp giảng dạy của những bộ môn mà thầy đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì khác biệt? 

Triết lý giáo dục của chúng tôi tập trung vào giảng dạy kiến thức và kĩ năng thực tiễn, từ đó giúp các bạn sinh viên đảm bảo có việc làm sau khi ra trường và nội trong vòng 2 năm sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến lên vị trí cao hơn. Ở RMIT, chúng tôi có khái niệm đánh giá thực tiễn (authentic assessments), đó là các bài tập được thiết kế dựa trên các tình huống và vấn đề thực tế, thường là do doanh nghiệp phối hợp với giảng viên để ra đề bài cho các bạn. 

Tôi cũng thường tổ chức các cuộc thi lập trình nhỏ trong lớp song song với bài tập để các bạn thỏa sức tìm ra giải pháp cho vấn đề theo cách riêng của mình, khi các bạn nộp xong sẽ có hệ thống tự chấm điểm chính xác dựa trên giải pháp của bạn và tạo nên một môi trường học sôi động.

Thầy có những hoạt động gì để trau dồi và mở rộng thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc, nhằm giúp nâng cao chất lượng bài giảng tại RMIT?

Nghiên cứu khoa học là một phần tối quan trọng để cập nhật kiến thức và cải thiện chương trình học. Tôi thường tham gia dự án nghiên cứu với đồng nghiệp, cũng như với các doanh nghiệp tại Việt Nam để dùng trải nghiệm và kết quả nghiên cứu làm bài giảng của mình. Ngoài ra tôi cũng thường gặp gỡ các chuyên gia và doanh nghiệp thông qua việc làm diễn giả và tham gia các sự kiện chuyên ngành.

Thầy làm gì để cân bằng cuộc sống và công việc? Hãy kể ra một sở thích mà thầy nghĩ sinh viên có thể làm theo.

Quan trọng nhất là cải tiến và tối ưu hóa cách làm việc của mình để hoàn thành sớm công việc mà không phải bỏ quá nhiều thời gian hoặc ở lại làm trễ. Nếu chú ý và biết cách phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp thì các công việc đều có thể được tinh giản các bước thực hiện. 

Tôi cũng hạn chế làm việc và trả lời email vào thứ Bảy và Chủ Nhật, đảm bảo có thời gian để nghỉ xả hơi mỗi tuần để bắt đầu tuần làm việc mới nhiều năng lượng hơn. Cuối tuần tôi có thể đọc sách, học một khóa học gì đó mới, viết một phần mềm theo ý tưởng của mình, hoặc chỉ xem Netflix mà thôi. 

Nếu có một lời khuyên dành cho các tân sinh viên RMIT, thầy sẽ khuyên gì?

Hãy luôn chủ động trong học tập, làm việc và giải trí. Khi thấy mình rơi vào trạng thái không có gì làm thì phải ngay lập tức đi tìm việc gì đó để thực hiện hoặc làm mới bản thân mình. 

Triết lý của tôi là mỗi tháng hoặc mỗi năm tôi phải cập nhật được vài dòng thay đổi đáng kể trong CV của mình. Đừng bao giờ để mình có thời gian chết. 

Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ này!

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.