Tự nhận mình là một sinh viên “linh hoạt”, Kiều Trinh điển hình cho một sinh viên RMIT năng động, không ngồi yên, luôn tìm kiếm cơ hội học hỏi ở xung quanh mình. Không chỉ là một sinh viên chăm chỉ có thành tích xuất sắc, Kiều Trinh còn rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khoá, nơi em nhận thấy là một cơ hội vàng để trau dồi các kỹ năng mềm, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh. Cùng lắng nghe câu chuyện đi học đại học của Trinh để hiểu hơn về cuộc sống của một sinh viên ngành quản trị Du Lịch Khách sạn đúng nghĩa.
Một số thông tin về Kiều Trinh:
Top 10 Cuộc Thi Nghiên Cứu Thị Trường ngành Khách sạn thuộc tổ chức STR 2020
Top 4 Cuộc Thi UNWTO Student League 2020
Học bổng ngành Quản Trị Du Lịch và Khách Sạn trường ĐH RMIT Việt Nam năm 2018
Top 10 Cuộc Thi SV 2020 khu vực Miền Bắc
1. Vì sao em lựa chọn RMIT? Bố mẹ có ảnh hưởng gì tới lựa chọn này của em không?
Em rất may mắn khi được bố mẹ ủng hộ và để em tự do trong việc chọn ngành học. Bố mẹ em dù rất lo lắng cho con cái nhưng lại không hề phản đối việc em theo ngành Du Lịch Khách Sạn.
Em đã từng muốn đi du học Úc hoặc Thụy Sỹ vì đó là 2 địa điểm nổi tiếng mà mọi người vẫn “đồn” là tốt nhất cho ngành của em. Nhưng sau đó, khi so sánh môi trường học tập ở trường cấp 3 của em với việc đi du học và sự chưa sẵn sàng của bản thân, em đã quyết định tìm đến các trường đại học trong nước. Sau rất nhiều buổi hội thảo, tìm hiểu và được học thử các lớp học ở RMIT thì em đã rất ưng nơi này, vì em cảm thấy môi trường ở đây phù hợp với tính cách của em. Em rất ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của các sự kiện cũng như sự tài ba và năng động của sinh viên RMIT. Cuối cùng em đã xin bố mẹ cho học ở RMIT để trải nghiệm môi trường quốc tế mà vẫn đảm bảo sự thích nghi phù hợp cho mình.
2. Hành trình em đến với RMIT như thế nào? em có thể chia sẻ rõ hơn không?
Hành trình đến với RMIT của em khá là khó khăn. Em bắt đầu tìm hiểu trường từ đầu năm lớp 11. Em là học sinh lớp chuyên về tiếng Nhật nên khi nhận ra niềm đam mê với ngành quản trị du lịch khách sạn, em mới bắt đầu rẽ hướng, tìm kiếm lộ trình tiếng Anh phù hợp. Em cũng đã phải cố gắng rất nhiều để kịp thi đủ số điểm tiếng Anh để bước vào cánh cửa đại học.
3. Em thấy mô hình đại học ở RMIT khác như thế nào so với môi trường cấp 3?
Rất khác biệt ạ. Nếu như ở cấp 3, giáo viên là người truyền đạt kiến thức gói gọn trong sách giáo khoa, thì đại học lại không như vậy. Ở RMIT, em và các bạn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tự học, tự nghiên cứu. Giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và đưa ra định hướng bài tập. Các kiến thức vẫn luôn được cập nhật và thay đổi liên tục, vì thế sinh viên phải luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kiến thức mới.
Lúc mới lên đại học thì em cũng lúng túng lắm, vì em không biết cách dùng thành thạo tin học văn phòng hay trích dẫn nguồn trong các bài luận. Cũng may là RMIT có nhiều workshop và hoạt động cho sinh viên mới để giúp em tìm hiểu kỹ hơn. Dần dà quen rồi thì em nghĩ sự chủ động này đã giúp em rất nhiều cho sau này.
4. Em có kỷ niệm đáng nhớ khi học tại RMIT không?
Điều tuyệt vời nhất ở quãng đời sinh viên của em là được học tập, chia sẻ và lớn lên cùng thầy cô và các bạn trong ngành.
Thầy cô trong chuyên ngành của tụi em là những người đúng như với đặc thù của ngành – vô cùng vui vẻ, rất tinh tế và luôn cố gắng để thấu hiểu nhu cầu hay tiếng nói của chúng em. Họ đều có kinh nghiệm nghiên cứu dày dặn cũng như cọ xát với ngành du lịch khách sạn trong nhiều năm liền. Các thầy cô thật sự rất thân thiện, nhất là cô Jackie và thầy Justin, dù họ lớn tuổi hơn chúng em và đến từ đất nước khác thì em cảm thấy dường như không có bất cứ một rào cản hay khác biệt gì mỗi khi giao tiếp với họ. Em có thể chia sẻ và lắng nghe hầu như tất cả những điều mình muốn nói hay muốn học hỏi. Với em, thầy cô giống như những người thân thiết thật sự, chứ không chỉ là trong một khuôn mẫu nhất định của giáo dục.
Câu lạc bộ (CLB) cũng là một trải nghiệm tuyệt vời. Khi tham gia CLB, em được trải qua quá trình điều hành một tổ chức. Không chỉ là nơi vui chơi, giao lưu giữa các sinh viên đơn thuần, đây còn là một bộ máy chuyên nghiệp để tổ chức các sự kiện và những hoạt động bổ ích cho sinh viên. Em có may mắn được trở thành Chủ tịch của CLB Quản trị Du Lịch & Khách Sạn, và điều đó cho em rất nhiều kinh nghiệm về việc tạo dựng các mối quan hệ với các bên, đi xin tài trợ, điều hành về mặt nhân sự. Và em nghĩ rằng ai cũng nên thử qua những hoạt động như này trong đời sống sinh viên của mình, nó miễn phí và nó cũng vui nữa.
5. Mọi người thường bảo lên đại học thường nhàn và chơi nhiều hơn, theo em điều này có đúng không?
Em thấy “nhàn hơn” là hoàn toàn sai, còn “chơi nhiều hơn” phụ thuộc vào năng quản lý thời gian của từng người. Môi trường đại học, đặc biệt là RMIT, đòi hỏi sinh viên phải dồn công sức cho việc học tập, nghiên cứu và trau dồi kỹ năng nếu không muốn bị thụt lùi lại. Ngoài việc nghe giảng trên lớp, em và các bạn cũng phải “cắm trại” tại thư viện để học nhóm, tìm tài liệu, vắt chân lên chạy… deadline.
Nhưng mà nó cũng không đến nỗi chỉ toàn là học và học như vậy, vì em thấy sinh viên RMIT có một đặc điểm là học thì có thể học hết mình, chúng em vẫn có thời gian để vui chơi như mọi sinh viên. Bản thân em tham gia tình nguyện cho các hoạt động hay sự kiện của trường chắc cũng trên dưới 15-20 lần gì đó trong suốt thời gian vừa qua; em cũng tham gia cả hoạt động CLB cũng như lấn sang một chút những cuộc thi quốc tế như là với UNWTO (Tổ Chức Du Lịch Toàn Cầu), STR (là một tổ chức về nghiên cứu thị trường của ngành Khách sạn trên toàn thế giới) và cũng gần đây nhất là em được vinh sự tham gia sân chơi SV cùng với những bạn sinh viên xuất sắc khác trong trường ạ. Các phòng ban trong trường cũng có nhiều hoạt động, như là đi cắm trại với phòng Student Life hoặc là học các kỹ năng việc làm với phòng Career, và những hoạt động này em thấy là các bạn tham gia vô cùng nhiều. Cái quan trọng nhất là mình đi học, nhưng mình cũng không quên rằng mình cũng phải trải nghiệm những thứ mà mình mong muốn để phát triển bản thân toàn diện.
6. Em có lời khuyên gì cho các em học sinh cấp 3 trước cánh cửa đại học?
Em tin rằng, ai cũng có một niềm yêu thích và thế mạnh với một ngành học nào đó. Hãy dành thời gian cho bản thân để xác định được ngành học đó. Khi xác định được rồi, hãy sống trọn, tận dụng hết nguồn tài nguyên, cơ hội và kiến thức tại đại học để phát huy tài năng và thế mạnh của mình
Cám ơn Trinh về cuộc trò chuyện này
▪ Tìm hiểu ngành Cử nhân Quản trị Du Lịch & Khách sạn của RMIT tại ĐÂY
▪ Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Quản trị Du lịch & Khách sạn (RMIT)
▪ Vì sao bạn nên cho con học Quản trị Du lịch & Khách sạn tại Đại học RMIT?
▪ Thực hành: Yếu tố quyết định thành bại của sinh viên Quản trị Du lịch & Khách sạn
▪ Sinh viên RMIT đón đầu làn sóng du lịch hậu khủng hoảng như thế nào?