“Luôn chấp nhận thử thách vì nhờ chúng bạn sẽ nhận ra những tiềm năng mà bản thân bạn cũng không biết” là châm ngôn sống mà Nguyễn Tuấn Tú, hiện là chuyên viên tư vấn và hỗ trợ sinh viên đặc biệt tại RMIT, luôn theo đuổi từ khi còn là cậu sinh viên 18 tuổi chân ướt chân ráo theo học chương trình tiếng Anh cho đại học tại RMIT hơn 10 năm trước.
Khi còn nhỏ, Tú cũng có đôi mắt sáng như bao người khác, song càng lớn, mắt của Tú càng yếu dần và được chẩn đoán bị thoái hóa thần kinh thị giác. Thị lực chưa đến 20% cũng không ngăn cản được Tú học hỏi, thử thách bản thân, đạt được những thành tựu nhất định và đóng góp cho cộng đồng.
Là một trong những sinh viên khiếm thị đầu tiên và theo học tại RMIT khi trường hoàn toàn chưa có bộ phận hỗ trợ sinh viên đặc biệt, thời gian đầu, Tú đã rất chật vật để có thể theo học. Nhưng với tính cách mạnh mẽ, táo bạo, xông xáo, Tú đã dần dần tìm ra giải pháp để có thể học tập tốt và tỏa sáng ở môi trường học tập quốc tế. Do đó, khi trở thành chuyên viên tư vấn hỗ trợ sinh viên đặc biệt, Tú rất hiểu những khó khăn, tâm tư của các bạn sinh viên mà mình hỗ trợ.
Chị Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS), bộ phận hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt, cho biết: “Tú đã đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện trải nghiệm học tập của mọi sinh viên”.
Mong ước của Tú là có thêm thật nhiều người khuyết tật có cơ hội được học tập trong môi trường quốc tế, phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.
Một số thông tin về Nguyễn Tuấn Tú:
Hiện là Chuyên viên tư vấn và hỗ trợ sinh viên đặc biệt, Dịch vụ thúc đẩy giáo dục bình đẳng (Equitable Learning Services), ĐH RMIT
— Công việc của tôi và các đồng nghiệp tại Dịch vụ thúc đẩy giáo dục bình đẳng (Equitable Learning Services) là hỗ trợ và tạo cơ hội bình đẳng cho các sinh viên gặp khó khăn trong học tập. Các sinh viên này có thể là những người khuyết tật mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ như người khiếm thị, khiếm thính, người suy giảm khả năng vận động…, hoặc cũng có thể là những người có vấn đề về sức khỏe nói chung hay sức khỏe tinh thần nói riêng…
Công việc cụ thể hàng ngày của tôi là một người bạn và người hướng dẫn cho các sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt, hỗ trợ các bạn trong giai đoạn chuyển tiếp từ trung học lên đại học, lên kế hoạch tiếp cận các tư liệu học tập riêng cho từng bạn, sử dụng hệ thống và phần mềm, cũng như cho lời khuyên về các vấn đề trong học tập.
Hiện tại bộ phận của chúng tôi gồm có 3 người và hỗ trợ cho khoảng 100 sinh viên toàn trường ở cả 2 miền, vì vậy, khối lượng công việc khá nhiều.
–Trước đây, tôi đã từng theo học cử nhân ngành Hệ thống thông tin trong kinh doanh tại RMIT. Có lẽ tôi là một sinh viên khiếm thị đầu tiên theo học tại RMIT. Trong thời gian học đại học tại RMIT, ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì trường chưa có bộ phận hỗ trợ người khuyết tật. Sau này, khi nhà trường thành lập Dịch vụ thúc đẩy giáo dục bình đẳng, tôi là sinh viên đầu tiên trải nghiệm dịch vụ và trở thành thành viên của nhóm kể từ ngày thành lập. Tôi thấy mình là người phù hợp để làm toàn bộ những việc này, và nói thật lòng, tôi thấy rất vui khi đảm nhận chúng. Phần thưởng lớn nhất với tôi là biết rằng mình đang giúp tạo thêm nhiều cơ hội cho những sinh viên như tôi được bình đẳng tiếp cận giáo dục.
Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng đi làm ở một vài nơi, và năm 2021, khi RMIT tuyển dụng vị trí này ở cơ sở Hà Nội, tôi lập tức ứng tuyển vì nghĩ rằng đây chính là công việc mình muốn theo đuổi.
Khi lựa chọn ngành học đó, mọi người cũng nói với tôi rằng đó không phải là một quyết định sáng suốt bởi làm việc với đồ thị và dữ liệu lớn, phân tích và xây dựng các hệ thống thông tin kinh doanh phức tạp… là những thứ mà sinh viên không khiếm khuyết còn sợ nữa là một sinh viên khiếm thị như tôi. Tôi cũng biết đó chắc chắn không phải là lựa chọn an toàn với tôi. Nhưng ngay từ đầu tôi đã không thích những lựa chọn an toàn. Và tôi chưa bao giờ hối hận về điều đó.
— Những tuần đầu tiên vô cùng khó khăn. Tôi không thể vừa ghi chú bằng phần mềm hỗ trợ trên máy tính vừa tham gia vào các hoạt động trong lớp. Sau vài tuần, tôi thử không dùng máy tính nữa, thay vào đó chỉ tập trung nghe giảng và tương tác với bạn học. Sau mỗi tiết học, tôi mới nghe lại băng thu âm và bắt đầu ghi chép. Dĩ nhiên là tốn nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng hiệu quả hơn.
Lúc đầu cán bộ giảng viên trường không biết làm sao để hỗ trợ tôi, nhưng họ sẵn lòng thử nhiều phương pháp khác nhau. Tôi cảm thấy rất biết ơn mọi người đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong thời gian đó. Cũng phải mất một khoảng thời gian cho đến khi tôi tìm được phương pháp học phù hợp nhất.
–Bản thân tôi đã gặp nhiều khó khăn và được giúp đỡ vì thế, tôi rất thấu hiểu những khó khăn mà các bạn sinh viên tìm đến mình gặp phải, và vì thế, tôi muốn đóng góp nhiều hơn nữa trong việc cải thiện trải nghiệm học tập của các bạn sinh viên.
Ngoài công việc hàng ngày, tôi cũng tham gia vào nhiều sự kiện và dự án cùng ELS trong cũng như ngoài khuôn khổ trường chẳng hạn như: thiết kế và thực hiện những buổi cung cấp thông tin dạy và học cho các bộ phận hỗ trợ sinh viên khác nhau trong trường; tham gia những chiến dịch nâng cao nhận thức về khuyết tật do ELS và các phòng ban khác trong trường thực hiện…
–Theo tôi, 3 từ đó sẽ là:
CỞI MỞ: Cho dù bạn là ai, RMIT cũng luôn mở rộng cánh cửa để đón nhận bạn.
LINH HOẠT: Chúng tôi có thể chủ động được công việc của mình, lựa chọn cách thức làm việc ở nhà hoặc đến văn phòng vào thời gian thuận tiện phù hợp với lịch trình công việc của mỗi người.
CƠ HỘI: Tại RMIT, tất cả mọi người đều được tạo điều kiện và cơ hội để khám phá và phát triển bản thân. Chúng tôi không chỉ có cơ hội cho bản thân mà còn tạo cơ hội cho cộng đồng.
–Tốt nghiệp đại học, tôi đi tìm việc làm ở nhiều nơi nhưng không ít lần bị từ chối cơ hội làm việc vì tình trạng của mình. Có công ty thì thấy tôi ghi trong hồ sơ ghi tình trạng khiếm thị thì từ chối phỏng vấn. Khi tôi thử không ghi chú gì về mình thì hầu hết hẹn lịch gặp nhưng khi đến, họ biết mình bị khiếm thị thì thay đổi không khí luôn. Thậm chí có một cuộc phỏng vấn kết thúc luôn trong vòng 3 phút mà chưa cần hỏi gì, chưa cần biết tôi có khả năng hay không.
Nhưng cũng may mắn có những công ty có môi trường làm việc tạo điều kiện hòa nhập cho người khuyết tật nhận tôi vào làm việc. Và RMIT là một trong số đó. Ở RMIT, tôi như được trở về nhà, tôi có cơ hội tham gia và cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn thông qua công việc của mình.
Dù khiếm thị nhưng tôi có thể dùng các phần mềm hỗ trợ để đọc email, nhắn tin, xử lý công việc như các đồng nghiệp khác. Tôi cố gắng để mọi người nhìn nhận đúng vào khả năng làm việc thay vì chú ý vào tình trạng thị lực của mình. Hầu hết mọi việc đều được xử lý tốt.
–Các bạn cần rèn luyện bản thân, nỗ lực để tự tin đứng vững mà không cần sự chống đỡ để có thể cạnh tranh với các nhân lực khác. Hãy tập trung vào những điều mình có thể làm, đưa ra giải pháp cho những khó khăn mình gặp phải thay vì cứ để tình trạng của mình trở thành rào cản. Có như vậy, thì xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng mới có cái nhìn tích cực hơn về nhóm người yếu thế, xã hội cũng không nghĩ người khuyết tật là gánh nặng nữa.
CÁM ƠN ANH VÌ CUỘC TRÒ CHUYỆN Ý NGHĨA.