Có thể với các bậc cha mẹ, câu hỏi lớn nhất khi con chuẩn bị hoàn thành chương trình Cử nhân và bước vào đời chính là “Sau này con có tìm được việc không?” hay “Tốt nghiệp xong, con sẽ làm công việc gì?”
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đôi lúc chính các con cũng cảm thấy lo lắng vì không biết sau này mình sẽ vươn xa đến đâu, và có thể làm được những gì khi bước chân vào đời. Nhưng ai rồi cũng phải trải qua những cảm xúc và giai đoạn như thế trong đời, kể cả những vị “tiền bối” đang nắm giữ những chức vụ quản lý của các công ty và tập đoàn lớn.
Ngày hôm nay, hãy cùng RMIT & Cha mẹ gặp gỡ một nhân vật đặc biệt và câu chuyện của bạn ấy để hiểu rõ hơn về cách vượt qua những cảm xúc mông lung về tương lai và cách bạn đạt được thành công sau khi tốt nghiệp đại học.
Nguyễn Trần Hương Thảo tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại Đại học RMIT (niên khóa 2015). Với 6 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Truyền thông, Hương Thảo hiện tại đang nắm giữ vị trí Quản lý cấp cao (Senior Client Manager) tại công ty Truyền thông nổi tiếng đến từ Hoa Kì – Edelman. Công ty Edelman chuyên cung cấp giải pháp truyền thông, marketing chiến lược và quan hệ báo chí cho các thương hiệu trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), công nghệ, sức khỏe và quan hệ chính phủ.
❓ Chào Thảo, là một người đi trước và đã đạt được những thành công nhất định trong công việc. Liệu trong thời sinh viên, Thảo có từng trải qua những cảm xúc mông lung về tương lai, hoặc hoài nghi về bản thân hay không?
“Thời sinh viên, đặc biệt là giai đoạn gần tốt nghiệp, em cũng có những lúc hơi hoang mang khi nghĩ về việc mình sẽ làm gì, theo đuổi con đường nào trong ngành Truyền thông – làm Quan hệ công chúng, Quảng cáo hay Marketing,và làm sao để có việc làm tốt khi ra trường vì xung quanh mình các bạn và anh chị RMIT cùng Khoa có rất nhiều người có công việc ở các công ty và agency top đầu.
❓ Và làm sao để Thảo có thể vượt qua được cảm giác đó?
Tuy nhiên, dần dần những lo lắng của em được giải quyết khi em thực hiện các bước sau:
1. Tham dự kì thực tập của trường, trải nghiệm thực tế môi trường công việc để vừa học hỏi, vừa hiểu thực tế công việc sẽ ra sao, đòi hỏi những kĩ năng gì và đặc biệt là có phù hợp với tính cách của bản thân không?
2. Sau kì thực tập của trường, em chủ động thực tập thêm 2 chỗ nữa để có sự so sánh, đối chiếu về môi trường làm việc và đặc tính công việc của các vị trí khác nhau.
3. Thảo nhận ra rằng việc chăm chỉ học tập, tích cực trao đổi về thông tin bài học trong lớp với các thầy cô, giảng viên sẽ cho mình rất nhiều thông tin bổ ích về ngành trong thực tế, đồng thời tham gia các câu lạc bộ sinh viên trong trường cũng giúp mở rộng mỗi quan hệ của mình với các anh chị đi trước, từ đó khi em có những khúc mắc về cơ hội nghề nghiệp, các anh/chị mà em quen biết đều nhiệt tình tư vấn và giúp đỡ, giới thiệu. Quan trọng nhất là mình phải lăn xả, cần cù, và chăm chỉ để mọi người biết về khả năng và tinh thần trách nhiệm của mình để có thể tin tưởng giới thiệu mình với những cơ hội tốt. Và gần đây nhất, 6 – 7 năm sau từ ngày em ra trường, khi có cơ hội kết nối thêm với các anh chị cựu sinh viên RMIT thì mọi người vẫn hết sức cởi mở về công việc, cũng như những cơ hội hợp tác ở các dự án mới cùng nhau. Em nghĩ đó là 1 điều tuyệt vời mà RMIT mang lại cho mình, suốt từ thời sinh viên đến bây giờ, đó là tinh thần “Cứ gõ, cửa sẽ mở!”.
❓ Ở cương vị một nhà quản lý trong lĩnh vực Truyền thông, Thảo thấy những kiến thức và kỹ năng học tại RMIT đóng góp thế nào cho thành công của mình?
Để có được những thành công như ngày hôm nay, em rất trân trọng và biết ơn quãng thời gian học tập tại Đại Học RMIT Việt Nam, những kiến thức và trải nghiệm thực tế đó đã giúp em vững vàng hơn rất nhiều trên con đường sự nghiệp sau này.
Tại RMIT, em được trang bị đầy đủ những hành trang cần thiết nhất khi còn là một sinh viên ngành Truyền Thông Chuyên Nghiệp. Những kiến thức có được từ quãng thời gian đại học đó đã đặt nền móng vững vàng cho con đường sự nghiệp của em ngay từ những ngày đầu tiên đi làm sau này. Em trân trọng những ngày tháng thâu đêm tại trường cùng bài tập, những buổi thuyết trình “khó nhằn” khi giảng viên đáng quý vào vai những khách hàng khó tính và những dự án ý nghĩa chúng em đã làm được cho sinh viên RMIT, tất cả những điều đó giúp em sẵn sàng hơn để “thực chiến” khi bắt đầu bước vào môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp đại học.”
Một trong số những nhiều em sẽ trân quý cả cuộc đời đó chính là những mối quan hệ “chất lượng” em có được tại RMIT, giảng viên – cũng đồng thời là những người cố vấn đầu tiên cho con đường sự nghiệp của em, những người bạn cùng lớp – rất nhiều người trong số đó đã trở thành bạn thân, đồng nghiệp và cả đối tác của em sau này. Thế nên, nếu có bất kỳ ai hỏi em về những mối liên hệ từ RMIT cho đến thời điểm hiện tại, em sẽ tự tin và nói rằng: “Chúng tôi không chỉ lớn lên cùng nhau, mà chúng tôi đã trưởng thành cùng nhau.”
❓ Thảo có lời nhắn nhủ gì dành đến các bạn sinh viên tương lai và hiện tại của RMIT hay không?
Nhìn lại chặng hành trình và những kỷ niệm đã hình thành nên con đường phát triển chuyên nghiệp của em sau này, em muốn nhắn gửi đến thế hệ tiếp theo của RMIT rằng hãy làm chủ cuộc đời sinh viên của mình và hãy tận dụng tất cả những thứ RMIT mang lại cho các bạn – cả về khía cạnh kiến thức lẫn các giá trị xã hội. Chị tin rằng tất cả những điều này sẽ mang đến một khởi đầu rất tuyệt vời cho sự nghiệp của các em
👇 Đọc thêm các bài viết liên quan
▪ Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp (RMIT)
▪ Phân biệt ngành Tiếp thị số & ngành Truyền thông Chuyên nghiệp
👉 Tìm hiểu ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT