Đối với Thảo Nguyên, sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh tế & Tài chính), hành trình sau gần 3 năm tại RMIT gắn liền với cụm từ “thay đổi bản thân’’. Sở hữu Học bổng Toàn phần trị giá 100% học phí, là Á quân Cuộc thi Phân tích đầu tư của Học viện CFA, từng là Thành viên Hội đồng sinh viên RMIT, cùng thành tích học tập ngưỡng mộ, ít ai biết rằng Nguyên cũng đã phải từng trải qua nhiều khó khăn, đạt kết quả chưa tốt…

Đối với Nguyên, RMIT như là một ‘’chìa khóa vạn năng’’, giúp Nguyên cải thiện được rất nhiều điểm chưa mạnh của bản thân, cũng như mở khóa những tiềm năng để có thể đạt được những ước mơ của mình.

Mời cha mẹ cùng RMIT khám phá hành trình trưởng thành của Nguyễn Thảo Nguyên thông qua từng bức hình câu chuyện.

Thông tin về Nguyễn Thảo Nguyên:

⭐ Sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh tế và Tài Chính)

⭐ Cựu học sinh trường Wellspring, Hà Nội

⭐ Chủ nhân Học bổng Toàn phần RMIT

⭐ Á quân Cuộc thi Phân tích đầu tư của Học viện CFA (CFAI Research Challenge 2022)

⭐ Thành viên Hội đồng sinh viên RMIT, phụ trách Học thuật

⭐ Huy chương vàng quốc tế và giải nhất cuộc gia cuộc thi International Union of Crystallography’ Crystal Growing Competition (IUCr) 2018


❓ Sự thay đổi từ Nguyên của phiên bản cấp 3 và Nguyên “sinh viên RMIT” đến từ đâu vậy?

Hồi cấp 3, mọi người thường đánh giá em là người khá ít nói và ít khi mở lòng với người khác. Chính vì vây, khi học tập tại RMIT, em quyết tâm “lột xác’’ và bước ra khỏi vỏ bọc an toàn của chính mình bằng việc tham gia CLB và tổ chức Student Council (Hội đồng Sinh viên) với tư cách là Thành viên phụ trách học thuật. Tại đây, bên cạnh được tổ chức các hoạt động rất vui và bổ ích dành cho cộng đồng sinh viên RMIT, em đã có thêm được rất nhiều người bạn tốt và rất giỏi, giúp đỡ nhau trong công việc học tập cũng như CLB, và luôn thấu hiểu nhau ở mọi vấn đề trong cuộc sống.

❓ Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Nguyên trong suốt thời gian học ở RMIT?

Với em, thì buổi lễ tri ân kết thúc nhiệm kì Student Council có ý nghĩa rất lớn. Lúc đó là thời điểm em cùng các thành viên Hội đồng sinh viên nhìn lại chặng đường và những kết quả, thành tích mọi người đạt được trong cả 1 năm gắn bó. Trùng hợp, hôm đó cũng là sinh nhật em nên kỷ niệm lại càng trở nên đặc biệt hơn. Sau buổi lễ, mọi người đã tổ chức cho em một bữa tiệc sinh nhật nhỏ và ấm cúng, cùng nhau cắt bánh, nói chuyện, kể lại những điều “thích-ghét” về nhau, cùng những câu chuyện buồn cười chưa từng tiết lộ.

Buổi lễ đó không phải là kết thúc một hành trình mà ngược lại, em và các thành viên Hội đồng sinh viên thân thiết hơn với tư cách là bạn bè, gắn bó với nhau hơn và chia sẻ mọi điều cùng nhau, chứ không phải là mối quan hệ giữa các “cán bộ Hội đồng sinh viên” nữa.

❓ Nguyên phiên bản “sinh viên RMIT” có điểm gì đặc biệt?

Đó chính là sự tự tin vào chính mình, rằng mình có thể làm được và vượt qua được mọi thử thách.

Em của những năm cấp 3 có thể gói gọn với câu “hướng ngoại bên ngoài – hướng nội thầm kín”. Tuy nhiên, việc nhận được học bổng Toàn phần của RMIT chính là 1 cú hích lớn để bản thân ngẩng cao đầu và tự tin vào chính mình hơn. Khi đó, em không nghĩ mình sẽ đạt được học bổng danh giá đến vậy và phải “chọi” với những bạn học sinh giỏi khác trên khắp Việt Nam. Điều này đã giúp em nhận ra rằng: Mình có khả năng làm được những thử thách lớn hơn vậy.

Khi học tập tại RMIT, em nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và ủng hộ đến từ các giảng viên và các bạn sinh viên vừa có “tâm’’ vừa có “tầm’’. Chính họ là những người đã luôn đồng hành cùng em ngay trong những thời điểm em làm tốt, lúc thất bại, luôn tận tâm lắng nghe, chỉ ra cho em những điểm bản thân cần khắc phục và cải thiện để mình có thể vươn tới những thành công trong tương lai. Nhờ giảng viên, bạn bè, sự tự tin và động lực để trở thành phiên bản tốt hơn của mình ngày hôm qua càng tăng lên hơn. Nếu không có giảng viên, đồng động, bạn học, có lẽ, em đã buông xuôi trong thời gian tham gia Cuộc thi Phân tích đầu tư của Học viện CFA và chẳng thể giành được giải Á quân.

Nguyên ở hiện tại đã tự tin hơn, nói nhiều hơn và thậm chí dần yêu thích và thoải mái để mở lòng, làm việc và giao tiếp với con người và hội nhóm hơn.

❓ RMIT có ảnh hưởng như thế nào đến sự thay đổi của em?

Có 1 người em rất quý đã bảo rằng 1 ngôi trường tốt chưa chắc phải do giáo trình với học hay, mà là do những người đến ngôi trường đó để học.

RMIT đã đem lại cho em những cơ hội được giao lưu và học hỏi từ những người rất giỏi – các giảng viên, sinh viên, các anh chị cán bộ nhân viên trong trường. Mỗi ngày được gặp gỡ mọi người, được lắng nghe câu chuyện và kinh nghiệm của họ, là lúc em như được “mở não” với kiến thức mới và lớn lên từng ngày.

❓ Học ở RMIT theo “lời đồn” là khá khó? Với em thì sao?

Sự nỗ lực vượt qua khó khăn được thể hiện ngay quyết định lựa chọn RMIT từ những ngày đầu. Trước khi vào trường, em cũng bị các anh chị khóa trên “dọa” là học khó với vất vả, và thực tế thì….đúng là khó ạ. Dám theo học đã là 1 nỗ lực, nhưng học hiệu quả tại RMIT còn là một quá trình đòi hỏi phải cố gắng hơn.

Phương pháp học RMIT tập trung vào sự chủ động của sinh viên và nội dung học mang tính cập nhật cao. Ở trên lớp thì học cũng đơn giản thôi nhưng bài tập, dự án cá nhân/nhóm thì lại phức tạp hơn và đòi hỏi bản thân phải chủ động tìm tòi để học thêm, nghiên cứu, và tìm cách làm như thế nào để thuyết phục giảng viên về định hướng và giải pháp mình lựa chọn cho đề bài được đặt ra.

Hơn nữa, các môn học sẽ được cập nhật thường xuyên, bám sát những thông tin và xu hướng mới nhất của thị trường. Mặc dù được “cảnh tỉnh” trước là bài tập, luận văn, dự án sẽ dồn dập lắm, nhưng đến lúc trải nghiệm rồi em thấy…nó dồn dập thật. Những đặc điểm này phản ánh rất thực tế trong cuộc sống đi làm sau này, buộc bản thân phải tìm một làm việc năng suất hơn, tăng sức chịu đựng, cân bằng cuộc sống, luôn cập nhật và học hỏi những điều mới. Nhờ những phương pháp này đã giúp em vượt qua mọi áp lực trong các cuộc thi và đạt được kết quả tốt trong khoảng thời gian đi thực tập.

Có thể nói rằng, những áp lực tại RMIT đã biến mình trở thành Thảo Nguyên ‘’kim cương’’, với năng lực và bản lĩnh mạnh mẽ hơn nhiều’’.

Cám ơn Nguyên vì cuộc trò chuyện này. 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.