nguyễn thành vinh học bổng toàn phần 2021

Nguyễn Thành Vinh – sinh viên ngành Kinh tế & Tài chính, chủ nhân suất Học bổng Toàn Phần năm 2020 đã có một hành trình chinh phục học bổng đầy gian nan. Từng nộp hồ sơ học bổng RMIT năm 2019 nhưng không thành công, Vinh theo học tại một đại học top đầu của Việt Nam và quyết tâm chinh phục lại học bổng RMIT. Là ví dụ điển hình của câu nói “thua keo này, bày keo khác”, thất bại lần đầu không khiến Vinh nản chí, thậm chí còn giúp em nhìn nhận lại và phát hiện ra những điểm cần khắc phục để giành suất học bổng toàn phần danh giá của RMIT một cách ngoạn mục trong năm 2020.

Một số thành tích của Vinh:

🥇 Học bổng Toàn phần RMIT 2020

🥇 Á khoa khối D trường THPT Chuyên Ngoại ngữ Kì thi THPT Quốc gia năm 2019 (27,2 điểm)

🥇 Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Ý tưởng Kinh doanh Teen Entrepreneur 2018

🥇 Phụ trách Đối ngoại – Báo chí TEDxBaTrieuSt

🥇 Phụ trách Đối ngoại – Diễn giả Vietnam Innovation Summit 2018

🥇 Trưởng Ban Đối ngoại Chuỗi Workshop ‘Dũng cảm trong cảm xúc’ – ‘Mạo hiểm trong tư duy’

Nếu chỉ có 1 từ để mô tả bản thân thì từ đó là gì?

Em sẽ chọn từ ‘Tự do’. Đối với em tự do không chỉ giới hạn ở khả năng đưa ra quyết định cho chính mình, mà còn là việc được sống đúng với con người thật của mình, kể cả những điểm mà không đi theo ‘chuẩn mực’. Em đã được làm quen với việc sống xa nhà từ năm lớp 10, cũng như may mắn được đặt bản thân trong những môi trường học tập với rất nhiều nhân tài và tấm gương tốt. Tuy nhiên, sự tự do trong tính cách luôn giúp em ở thời điểm hiện tại giữ vững được niềm tin và sự kiên định, không theo đuổi hình bóng của bất kì ai hay chạy theo con đường của những người đi trước. Và sự tự do trong con người em cũng giúp em luôn tôn trọng những cá tính khác biệt và khoảng không riêng của mọi người xung quanh.

Đó phải chăng là lý do em chọn RMIT?

Vâng, cũng một phần quan trọng là như vậy. Ngay từ cấp 3, em đã rất thích RMIT vì em biết đây là nơi tôn trọng sự phát triển toàn diện và cá tính của sinh viên, đặc biệt RMIT cũng nhận được rất nhiều phản hồi tốt ngay từ chính những anh chị sinh viên, cựu sinh viên RMIT em trực tiếp quen và nói chuyện như anh Hải Nguyễn, founder Canavi, TOP 30 Under 30 Forbes Asia, hay chị Hoàng Yến, sinh viên đạt Học bổng Toàn phần năm 2018. Do điều kiện tài chính hạn chế và không đạt được học bổng năm đầu tiên nên em đã phải lỡ hẹn với RMIT và tưởng như tương lai của mình sẽ đi theo một lối khác mà không giao với RMIT nữa. Tuy nhiên trong 1 năm học tại một trường đại học Việt Nam, khi có thời gian để thật sự lắng nghe bản thân, em nhận ra rõ hơn đam mê của mình với ngành Kinh doanh, và trong ngành này thì RMIT chính là lựa chọn tốt nhất và rõ ràng nhất.

Bố mẹ có ảnh hưởng gì tới lựa chọn này của em không?

Vì ý định đăng ký lại RMIT đến với em rất gấp gáp nên bố mẹ em cũng không hề biết về quyết định này cho đến khi em có kết quả đạt Học bổng Toàn phần. Bố mẹ em cũng rất tiếc nuối những cơ hội và vị trí em có được ở trường cũ của em, đặc biệt với phụ huynh ở các tỉnh như Vĩnh Phúc thì luôn muốn hướng đến những lựa chọn an toàn và ổn định, tại những ngôi trường dễ tìm kiếm ví dụ ở mọi người xung quanh. Nhưng có lẽ bố mẹ em hiểu sự quyết tâm em đặt cho cơ hội này qua việc em sẵn sàng bỏ lại những thứ em có trong quá khứ để bắt đầu lại, nên bố mẹ em cũng ủng hộ sự lựa chọn này. 

Nếu chỉ có 3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT thì đó sẽ là gì?

Em sẽ dùng 3 chữ T: bạn bè có ‘Tài’, thầy cô, nhân viên có ‘Tâm’ tạo nên một môi trường rất có ‘Tầm’.

RMIT trong tưởng tượng của em trước đây và trên thực tế thế nào?

Trước đây hình ảnh RMIT – một môi trường quốc tế – luôn gắn với tính chất ‘chuyên nghiệp’. Tuy nhiên khi bước vào RMIT, em nhận ra trong sự chuyên nghiệp đó lại không hề có sự cứng nhắc, mà bản sắc cá nhân rất cao. Trong quá trình em được giao tiếp với các thầy cô từ ngày phỏng vấn học bổng, các anh chị trong các phòng ban, em không hề cảm thấy có khoảng cách hay phải đặt ra điểm dừng trong giao tiếp vì đó là những người bề trên, mà mọi người đều khiến em cảm thấy em luôn thật sự được lắng nghe và mọi người thật sự quan tâm muốn giúp em tiến bộ.

Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho em là gì?

Điểm RMIT thay đổi trong em nhiều nhất là việc phá bỏ những suy nghĩ về giới hạn của mình. Càng về sau em càng nhận ra em có thể mở rộng được khả năng của mình hơn. Hồi cấp 3 thì nghĩ rằng thi học kì là vất vả nhất rồi, xong thời gian đầu lên đại học thấy mỗi tuần 1 bài là quá đủ, rồi qua cuối kì đầu nhận ra mình còn có thể ‘cân’ được 3 bài research trong 1 tuần, và về sau mật độ càng dày đặc hơn thế nữa. Cứ thế em tự bỏ được những giới hạn trước mắt mà mình từng nghĩ về bản thân, để cầu tiến hơn và trân trọng những thử thách mình đang đối mặt.

Em thấy phương pháp giảng dạy tại RMIT có điểm gì khác biệt?

Điểm khác biệt trong phương pháp giảng dạy tại RMIT là ở việc luôn đặt sinh viên làm trung tâm trong quá trình học tập. Em cảm thấy em không phải đến lớp để ghi chép mà đến lớp để trao đổi kiến thức. Sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc thu thập và tiếp nhận kiến thức và thầy cô luôn khích lệ chúng em trong mối quan hệ được ngang hàng với giảng viên để trao đổi và không có quan điểm nào là chuẩn mực cố định.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi vào học ở RMIT?

Kỉ niệm đáng nhớ nhất với em có lẽ là khoảng thời gian được làm việc cùng các anh chị nhân viên ở RMIT Hà Nội, đặc biệt với các chị trong phòng Marketing trong thời gian chuẩn bị cho Hội thảo Học bổng. Tuy cũng là một sinh viên rồi nhưng khi làm việc và giao tiếp cùng các anh chị, em luôn cảm thấy mình được phép tự do là chính mình. Em chưa bao giờ cảm thấy mình phải đề phòng liệu mình có nên nói điều này không, câu nói của mình có thể không phù hợp hay không, mà em được giao tiếp với mọi người giống như 1 người bạn, và bất kì quan điểm nào cũng đều có giá trị. Các anh chị đã cho em điều quý giá nhất ở một người trẻ cần có để phát triển, đó là niềm tin vào bản thân, và luôn trao em cơ hội để khai thác câu chuyện cũng như bày tỏ suy nghĩ của mình.

Điều em ghét/thích nhất ở RMIT?

Điều em thích nhất ở RMIT là mọi người luôn tôn trọng tính cá nhân. Dù trong môi trường rất chuyên nghiệp nhưng mọi sở thích, hoạt động, tính cách đều được trân trọng và không có một hình mẫu cố định nào để phải tuân theo cả. Em có thể gặp những người người hôm nay chiến thắng một cuộc thi cấp quốc gia nhưng hôm qua họ vẫn dành thời gian chơi bóng rổ, đi học nhảy, chứ không hề xây dựng hình ảnh ‘bóng bẩy’ nào cả. 

Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?

Lựa chọn trường Đại học và lựa chọn ngành nghề là một quyết định có thể thay đổi cuộc đời hoàn toàn. Vì vậy nên các em hãy cố gắng dành thời gian thật sự lắng nghe bản thân mình, cũng đừng vội vã, đừng áp lực bản thân đi theo bước đường của ai. Có thể đó không phải là quyết định không nằm trong dự đoán của số đông, như quyết định của anh với RMIT chẳng hạn, nhưng chắc chắn đó là quyết định các em về sau sẽ không bao giờ hối hận.

Nếu có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ của các em học sinh cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?

Trước thềm thi Đại học, chắc chắn các em học sinh cũng đang tự đặt cho mình rất nhiều áp lực về việc lựa chọn con đường tương lai và chuẩn bị gì cho con đường đó. Con hi vọng các vị phụ huynh có thể đóng vai trò một người bạn đồng hành trên con đường đó, cùng các em nghiên cứu thêm về ngành nghề các em lựa chọn. Tuy nhiên sự lựa chọn vẫn nên nằm ở các em, bởi các em là người làm chủ cuộc đời mình, và lựa chọn ngành nghề hay lựa chọn trường đại học đều là những quyết định có thể thay đổi cuộc đời. Thời điểm này chắc chắn ngay các em đã tự đặt áp lực lên bản thân rồi, nên con mong các vị phụ huynh hãy quan sát, động viên các em, và đừng đặt những áp lực mới lên trên chính những áp lực các em sẵn có, bởi có lẽ một trong những áp lực các em đang có chính là được làm cho bố mẹ mình tự hào.

Cám ơn Vinh vì cuộc trò chuyện này. 


👉 Tìm hiểu thêm về các giảng viên và sinh viên của RMIT tại ĐÂY.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.