Là một nhà sáng tạo nội dung số kiêm motion designer (thiết kế chuyển động), Nguyễn Thành Phương thường được các bạn trẻ biết đến dưới “nick name” Lúp Phương, là hình ảnh đại diện cho một Thế hệ Z năng động, giỏi giang. Trên kênh youtube với gần 100.000 người theo dõi, Phương thường xuyên chia sẻ những thông tin bổ ích về nghề Thiết kế, giúp các bạn trẻ đam mê con đường sáng tạo có cái nhìn chính xác và toàn cảnh để định hướng con đường nghề nghiệp cho bản thân hiệu quả hơn.
Dù có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng Phương lại là một người “hướng nội” điển hình: không ưu tiên các hoạt động giao tiếp xã hội, luôn tò mò và hay đặt câu hỏi về mọi vấn đề, luôn suy nghĩ về mọi thứ một cách sâu sắc nhất… Vì vậy, nếu cha mẹ có một đứa con hướng nội, đừng quá lo lắng bởi dù hướng nội hay hướng ngoại, các con luôn có “đất” để thành công theo cách của riêng mình, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo.
Một số thông tin về Nguyễn Thành Phương:
Cựu sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo
Vì sao em lựa chọn RMIT? Ba mẹ có ảnh hưởng gì tới lựa chọn này của em không?
Thật ra ba mẹ em chính là người đã giới thiệu cho em về RMIT. Qua đó em mới biết RMIT là một trường ĐH quốc tế được công nhận về khả năng giảng dạy trong lĩnh vực thiết kế mà em muốn theo học. Đây cũng là môi trường quốc tế rất tốt để phát triển những kỹ năng mềm mà em cần cho công việc.
Vì sao em lựa chọn theo học ngành thiết kế? Ba mẹ có ý kiến gì về lựa chọn này của em không?
Ngay từ nhỏ em đã có sự yêu thích nhất định cho nghệ thuật thông qua truyện tranh và hoạt hình. Lớn hơn một chút, em đã dành rất nhiều thời gian rảnh của mình cho việc vẽ và nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật. Vào đầu năm lớp 11, em đã dành thời gian để phân tích các điểm mạnh của mình và kết hợp chúng để xác định ngành nghề, công việc mà bản thân muốn theo đuổi. Sau nhiều lần đắn đo thì em đã quyết định chọn thiết kế.
Hơn nữa Thiết kế ở thời điểm đó vẫn còn xa lạ với mọi người nên cũng không có quá nhiều tài liệu để lựa chọn, em cũng có kiến thức ngoại ngữ nhất định nên em nghĩ nó sẽ giúp ích nhiều cho việc tự học và nghiên cứu.
Nhiều ba mẹ lo lắng hoặc không yên tâm không biết học thiết kế thì triển vọng việc làm ra sao, có đủ nuôi sống được bản thân không, có vất vả không… Là người trong ngành, em nghĩ sao?
Hiện tại Thiết kế có thể nói là một trong những ngành được lựa chọn nhiều cho thế hệ trẻ. Em nhận thấy được sự thiếu nhân lực về mảng Thiết kế. Vì xã hội ngày càng hiện đại đi cùng với sự phát triển của công nghệ, Thiết kế sẽ là một trong những ngành trở nên nổi bật hơn trong những năm sắp tới. Chỉ cần có kiến thức và năng lực thì cơ hội việc làm sẽ rất nhiều.
3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT?
Chuyên nghiệp, thân thiện và hiện đại
Em thấy phương pháp giảng dạy tại RMIT có điểm gì khác biệt?
RMIT chú trọng rất nhiều vào thực hành. Ngoài những giờ học lý thuyết thì RMIT còn có những bài tập/dự án cá nhân và nhóm xen kẽ để học viên có thể chọn nhóm và thực hành cùng với nhau. Không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn giúp sinh viên phát triển những dự án trong ngành học, thông qua những dự án đó thì em có cơ hội học được nhiều hơn về kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Đặc biệt với ngành thiết kế, trường cũng có đầy đủ thiết bị để hỗ trợ em trong lúc làm bài.
Giảng viên ở đây cũng rất tận tình trong việc giảng dạy. Các thầy cô có chuyên môn cao và rất thân thiện với sinh viên. Khi có vấn đề về dự án, em có thể dễ dàng đặt lịch trao đổi thêm với các thầy cô trong quá trình làm bài.
RMIT đóng vai trò ra sao trong việc hình thành nên nhà thiết kế Nguyễn Thành Phương của hiện tại?
Khi học cấp 3, các bạn sẽ luôn được giáo viên và phụ huynh theo sát và đốc thúc trong việc học. Còn với ĐH, các bạn phải tự biết chủ động trong mọi việc của bản thân, bao gồm việc học tập.
Lúc bắt đầu học ở RMIT, trường đã giúp em nhận ra sự quan trọng của việc tự học. Trường dạy cho em cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề một cách độc lập và khoa học. Nhờ đó em đã nhìn nhận rõ hơn về khả năng của bản thân. Từ một người ngại giao tiếp mà em đã tự tin vào bản thân hơn rất nhiều và nhờ đó ban đầu, em cũng đạt được một số thành tựu nhất định trong nghề nghiệp.
Trong quá trình học tại RMIT, em đã có 1 năm “gap year” để tham gia Thơm Festival với tư cách Giám đốc Nghệ thuật. Thời điểm đó, em khá mất động lực với việc học tập những kiến thức hàn lâm ở trường nên đã dành thời gian để nhìn lại và nhìn tới: mục tiêu sắp tới của mình là gì, viễn cảnh tốt nhất và xấu nhất ra sao,… Những trải nghiệm cọ xát thực tế giúp em “yêu trường” hơn. Đặc biệt, việc sử dụng các kiến thức ở trường trong môi trường thực tế cũng rất thú vị. Sau một năm, thế giới quan và tư duy thẩm mỹ của bản thân em đã thay đổi và mở mang hơn rất nhiều.
Được biết em có kế hoạch du học tại RMIT Melbourne, vì sao em lại chọn học lên cao, và vì sao lại là RMIT?
Motion Graphic (Thiết kế chuyển động) cũng là một khái niệm khá mới lạ tại Việt Nam nên việc học thêm thạc sĩ sẽ giúp em có cơ hội kết nối với những nghệ sĩ quốc tế và cọ xát trong môi trường nghệ thuật năng động, rộng mở hơn. Em nghĩ chương trình học thạc sĩ sẽ giúp bản thân trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng chuyên môn đối với ngành thiết kế nói chung và lĩnh vực Motion Graphic nói riêng.
Lí do em tiếp tục chọn RMIT vì em vẫn tin tưởng vào khả năng dạy học và đào tạo của trường và vì RMIT có danh tiếng và xếp hạng rất cao về lĩnh vực Nghệ thuật – Thiết kế trên thế giới.
Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?
Có một thói quen sinh hoạt lành mạnh vì vào ĐH mọi người sẽ rất cần sức khỏe và cố gắng xác định rõ ngành nghề phù hợp với mình càng sớm càng tốt.
Nêú có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ của các em học sinh cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?
Em mong là các phụ huynh sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng của các bạn vì mỗi người đều có những hoàn cảnh và tính cách khác nhau. Không nuông chiều để các bạn học được cách ứng xử thật tốt nhưng hãy động viên những điểm mạnh để giúp cho các bạn phát triển bản thân một cách toàn diện.
Cám ơn em vì cuộc trò chuyện này!
👉 Đọc thêm Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo (RMIT)
👉 Tìm hiểu về ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo của RMIT
👉 Theo dõi kênh Youtube “Phương” tại ĐÂY