Mời cha mẹ gặp gỡ Nguyễn Nhật Minh – sinh viên năm nhất ngành Thiết kế Game tại RMIT – người dám biến ước mơ làm Game của mình thành hiện thực.

Ngay từ nhỏ, Nhật Minh đã yêu thích với các trò chơi điện tử. Dần dần, sau khi tiếp xúc với nhiều thể loại game khác nhau, Minh càng thích thú đào sâu vào cốt truyện mà mỗi tựa game truyền tải. Từ đó, em dần cảm thấy hứng thú hơn với cách mà các nhà làm game tạo nên mỗi tựa game mới. Và sở thích này đã hình thành trong Minh một ước muốn sẽ theo đuổi bằng được sự nghiệp học tập và làm việc trong ngành Game mai sau.

Ngoài việc tự tìm hiểu thêm về lĩnh vực này trên mạng, Minh may mắn có cơ hội được tiếp xúc và trò chuyện cùng các anh chị đang làm việc trong ngành để hiểu rõ hơn về các vị trí trong một công ty làm Game.

“Sau khi tìm hiểu và đọc qua nhiều bài báo, bài viết khác nhau, em nhận thấy rằng lĩnh vực Game trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, là vô cùng tiềm năng.” – Minh cho biết.

Để rồi từ đó, Nhật Minh vững tin hơn vào lựa chọn và ước mơ theo đuổi ngành Game của mình. Tuy nhiên, để có thể thành công nhập học ngành Thiết kế Game RMIT, Nhật Minh cũng đã phải vượt qua ‘3 cửa ải’:

🔎 “Ải” chọn ngành: Muốn làm thiết kế game, thì nên học lập trình hay thiết kế đồ hoạ?

👨‍👩‍👧‍👦 “Ải” bố mẹ: Thuyết phục bố mẹ cho theo ngành game, liệu có dễ?

📚 “Ải” nhập học: Làm thế nào để thoả mãn các điều kiện nhập học chương trình Cử nhân Thiết kế Game, đặc biệt là vụ hồ sơ sáng tạo (portfolio)?

Mời cha mẹ khám phá hành trình nhập học ngành Thiết kế Game của Nguyễn Nhật Minh trong bài viết dưới đây.

🔎 “Ải” chọn ngành: Muốn làm thiết kế game, thì nên học lập trình hay thiết kế đồ hoạ?

Thế rồi, khi bắt đầu lớp 12, thời điểm mà các bạn học sinh đang rục rịch tìm hiểu về ngành học để chuẩn bị cho kỳ thi THPTQG, Minh cũng đứng giữa những lựa chọn khác nhau.. “Thích làm Game thì học lập trình hay thiết kế đồ hoạ?” Minh tự hỏi. Vào thời điểm đó, hiếm có đại học nào tại Việt Nam đào tạo chuyên biệt về ngành Game.

Sau khi suy nghĩ kỹ càng, Minh nhận thấy mình muốn đào sâu vào mảng xây dựng trò chơi, phát triển từ cốt truyện đến luật chơi của game,.. chứ không chỉ đơn thuần là mày mò thiết lập những dòng code hay vẽ nên giao diện cho nhân vật trong game. Và thế là Minh bắt đầu tìm hiểu về RMIT và chương trình Cử nhân Thiết kế Game vừa được ra mắt vào tháng 10 năm 2022.

👨‍👩‍👧‍👦 “Ải” bố mẹ: Thuyết phục bố mẹ cho theo ngành game, liệu có dễ?

Khi tìm hiểu qua về cấu trúc chương trình và lộ trình học, Minh đã nung nấu ý định Nam tiến để bắt đầu hành trình đại học tại RMIT cơ sở Nam Sài Gòn. Và để thực hiện được điều này, bạn đã giành một khoảng thời gian để lên kế hoạch và thuyết phục bố mẹ cho mình theo đuổi đam mê.

Nhật Minh chia sẻ “Từ nhỏ em đã rất thích chơi game và dành rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính, thế nên bố mẹ em đã rất lo lắng và có định kiến chưa được tốt về Game nói chung. Và em tin rằng cũng sẽ có rất nhiều phụ huynh ngoài kia có đồng quan điểm giống bố mẹ em thời điểm đó nếu thấy con mình rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, khi em tìm hiểu kỹ càng và chia sẻ về tiềm năng và cơ hội nghề nghiệp cũng như đam mê của bản thân với bố mẹ, dần dần bố mẹ em cũng đã bắt đầu hiểu rõ hơn về hướng đi của em, từ đó tiếp thêm lửa để em vững vàng hơn trên hành trình này.”

Và Minh cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh đang phân vân liệu mình có thật sự yêu thích ngành Thiết kế Game hay không rằng: “Các bạn có thể bắt đầu bằng việc phân tích một tựa game mà các bạn yêu thích (về cốt truyện, đồ hoạ, luật chơi,..). Đây là bước đầu tiên và căn bản nhất nếu bạn muốn trở thành một nhà phát triển game (game developer) đó.”

📚 “Ải” nhập học: Làm thế nào để thoả mãn các điều kiện nhập học chương trình Cử nhân Thiết kế Game, đặc biệt là vụ hồ sơ sáng tạo (portfolio)?

Để nhập học chương trình Cử nhân Thiết kế Game RMIT, ngoài việc đạt được những yêu cầu đầu vào về học thuật và Tiếng Anh, các bạn học sinh cần phải hoàn thành bài ứng tuyển bao gồm một bài luận cá nhân phân tích một tựa game mà mình yêu thích, kèm theo một hồ sơ sáng tạo (portfolio) bao gồm những dự án cá nhân mình đã thực hiện trước đây.

“Vậy làm thế nào để chuẩn bị hồ sơ sáng tạo ấn tượng nếu bản thân chưa từng thiết kế trò chơi nào?”. Khi được hỏi, Minh cũng tiết lộ rằng nếu chưa từng ‘cho ra lò’ trò chơi nào thì các bạn học sinh có thể đính kèm hình ảnh của những tác phẩm đồ hoạ mà mình đã từng thiết kế hoặc ý tưởng cho các trò chơi mà mình muốn sáng tạo vào hồ sơ ứng tuyển. Điều này cũng sẽ góp phần làm cho hồ sơ của các bạn nổi bật hơn.


Mời cha mẹ tìm hiểu chương trình Cử nhân Thiết kế Game RMIT.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.