Dù đã tốt nghiệp khá lâu, nhưng khi trò chuyện, Lê Tuấn Anh không giấu được sự tự hào rằng mình là một cựu sinh viên RMIT, và luôn trân trọng khoảng thời gian học tập tại RMIT vì đã giúp hình thành một Lê Tuấn Anh tự tin, độc lập và vững vàng của ngày hôm nay.
🟥 Một số thông tin về Lê Tuấn Anh:
Hiện là Quản lý Đào tạo & Hướng nghiệp tại công ty TopCV – một trong những nền tảng tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam;
Giảng viên thỉnh giảng, Đại học Văn Lang;
Tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, ĐH RMIT;
Sở hữu trang blog hướng nghiệp anhtuanle.com có 4 triệu lượt xem, kênh Tiktok Tuấn Anh Hướng Nghiệp 120K người theo dõi và kênh Podcast Tuan Anh 150K lượt nghe;
Tác giả 4 cuốn sách với 15.000 ấn bản phẩm “Nhắm mắt bắt được việc”, “Định vị bản thân”, “Một ngày của tôi có 48 giờ” và “Freelancer – Muốn tự do phải tự lo”;
Diễn giả chia sẻ các chương trình hướng nghiệp tại hơn 30 trường đại học như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, FPT, Hoa Sen, tiếp cận hơn 30.000 sinh viên;
Học bổng 100% và tham gia chia sẻ tại Hội nghị Hướng nghiệp Châu Á Thái Bình Dương 2020 và 2021.
❓ Vì sao em lựa chọn RMIT? Bố mẹ có ảnh hưởng gì tới lựa chọn này của em không?
Sau khi tốt nghiệp THPT, em muốn tìm một môi trường quốc tế để có cơ hội tiếp cận với các kiến thức tiên tiến của thế giới, học trong cơ sở vật chất hiện đại và có cơ hội trau dồi ngôn ngữ. Lúc đó RMIT chưa phải là lựa chọn đầu tiên của Tuấn Anh do vấn đề học phí. Tuy nhiên sau đó ba em nghe giới thiệu từ bạn bè rằng RMIT là một môi trường tốt, ba cũng dành thời gian lên tận trường tại Hà Nội để tìm hiểu, trò chuyện với các anh/chị tư vấn trước khi về hỏi ý kiến em và dẫn em đến trường kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Đến thời điểm này em vẫn luôn tự hào rằng mình là một cựu sinh viên RMIT, môi trường RMIT đã tạo nên con người tự tin, độc lập và vững vàng của em ngày hôm nay.
❓ 3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT?
Quốc tế, tự chủ, năng động.
Quốc tế là vì môi trường học hoàn toàn 100% bằng tiếng Anh, ngoài ra có cơ hội được học chung nhóm với các bạn bè quốc tế và tiếp cận với các tài liệu bản quyền từ nước ngoài (mà bình thường rất tốn tiền hoặc khó có cơ hội tiếp cận).
Tự chủ vì tại RMIT là nơi “dễ vào, khó ra” chứ không phải cứ “con nhà giàu là tốt nghiệp được” như mọi người thường đồn. Học tại RMIT thời gian lên lớp không nhiều, chủ yếu là thời gian tự học và thảo luận nhóm. Chính vì vậy tính tự chủ được rèn luyện rất sớm tại trường, sau này đi làm giúp ích cho em rất nhiều, điển hình trong việc bản thân có thể tự tìm công việc mình yêu thích mà không cần phải nhờ gia đình “xin việc” cho.
Năng động bởi tại RMIT ngoài việc học có rất nhiều hoạt động CLB và chương trình để tham gia. Bản thân em trong 3 năm học ở RMIT đã tham gia hơn 5 CLB khác nhau cũng như làm tình nguyện cho các chương trình khai giảng, tốt nghiệp của trường – chính nhờ các chương trình này mà sau này có rất nhiều mối quan hệ.
❓ RMIT đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành nên con người em hiện nay?
Có hai điểm em đã thay đổi trước và sau khi vào RMIT đó là:
Sự tự tin: Trước khi vào RMIT việc đứng trước 2-3 người để trình bày một điều gì đó làm em rất run. Bây giờ, chính người thân trong gia đình còn ngạc nhiên khi thấy em là diễn giả, có thể đi dạy hoặc thỉnh giảng cho những lớp học cả ngàn bạn học viên. Sự thay đổi này đến từ việc môn học nào trong ngành Truyền thông chuyên nghiệp cũng có thuyết trình trước lớp và thảo luận nhóm. Ban đầu thì có khó khăn nhưng từ từ kỹ năng thuyết trình và đứng trước đám đông cũng như sự tự tin tăng lên, việc này giúp ích rất nhiều cho việc trình bày hoặc thuyết phục khi đi làm sau này.
Sự độc lập: Em thấy rằng có nhiều bạn bè của mình học xong đại học cần nhờ đến cha mẹ hoặc phải bỏ tiền để ‘chạy’ được một công việc. Cá nhân em chưa từng phải làm đến việc này. 3 năm học tại RMIT đã trang bị đủ cho em kiến thức chuyên môn, tiếng Anh vững, kỹ năng chuẩn bị hồ sơ chuyên nghiệp cũng như mạng lưới các mối quan hệ với các anh chị cựu sinh viên và các đại diện doanh nghiệp (nhờ tham gia các sự kiện hướng nghiệp của trường), vậy nên từ khi ra trường năm 2015 đến nay, tất cả các công việc em có được đều do bản thân tự ứng tuyển hoặc doanh nghiệp mời về làm việc do biết đến mình.
❓ Em thấy phương pháp giảng dạy tại RMIT có điểm gì khác biệt?
Môi trường 100% tiếng Anh là điểm khác biệt đầu tiên. Không chỉ học bằng tiếng Anh, tất cả các tài liệu, các cuộc trò chuyện với thầy cô, thậm chí cả với bạn bè trong các hoạt động nhóm cũng bằng tiếng Anh hết, vậy nên muốn hay không thì tốt nghiệp RMIT tiếng Anh cũng phải tiến bộ chút chút.
Tiếp theo là việc làm dự án thực tiễn và có sự tham gia của doanh nghiệp rất nhiều. Các môn học thay vì chỉ có lý thuyết khô khan thì có thêm các hoạt động giao lưu doanh nghiệp, làm dự án cùng doanh nghiệp, thuyết trình và làm nhóm nhiều. Lúc đi học thì em cứ ngán ngẩm mấy vụ này, nhưng sau này đi làm mới thấy nó đáng giá vì nhờ nó mà đi làm đỡ bỡ ngỡ.
Cuối cùng là thực tập thật làm thật. Không phải là đi thực tập cho có và xin giấy xác nhận từ công ty, khi em đi thực tập hàng tuần có đại diện nhà trường kiểm tra trực tiếp về việc đã làm gì tại công ty, kết quả làm như thế nào – các công ty cũng được nhà trường kiểm tra rất kỹ, nên từ việc thực tập xong ở lại làm luôn toàn thời gian tại công ty đó không phải là hiếm.
❓ Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi vào học ở RMIT?
Suýt trượt môn ở Kỳ 2 tại RMIT. Do kỳ đầu học tại trường điểm cao nên kỳ 2 mình đăng ký 4 môn học (số lượng tối đa có thể đăng ký). Lúc đó vô tình lịch học 4 môn lại trùng vào một ngày nên đến cuối kỳ làm bài tập mình rất mệt. Lúc đó mình đã nghĩ ra cách đối phó với bài tập là đi ‘viết đại’ thay vì làm theo yêu cầu của cô giáo vì mình nghĩ cô giáo chắc có nhiều học sinh nên không kiểm tra kỹ. Ai dè cô giáo đọc bài rất kỹ và chấm mình điểm 15/50 (số điểm thấp nhất có thể nhận). Một sự may mắn vớt vát lại là điểm các bài trước của mình cao nên tổng điểm cả môn mình vẫn vừa đủ qua môn. Từ trải nghiệm này mình mới thấm thía việc học thật thi thật của RMIT, không dám chểnh mảng các môn về sau, và cuối cùng tốt nghiệp với GPA 3.23/4, loại giỏi đó nhé.
Một trải nghiệm đáng nhớ khác là trong năm 2 tham gia các CLB. Do thấy CLB nào ở trường cũng hay và thú vị, mình đã đăng ký 6 CLB liền. Hậu quả là vui chưa thấy đấu, việc học bị ảnh hưởng mà hiệu quả tham gia tại các CLB cũng không cao do không biết phân bổ công việc hợp lý. Cuối cùng mình phải suy nghĩ và dừng lại hết các hoạt động CLB, chỉ chọn tập trung duy nhất vào nhóm hỗ trợ sinh viên của trường để cân bằng việc học và việc hoạt động. Tuy có mang tính ‘thất bại’ nhưng chính trải nghiệm này đã dạy cho mình biết cách ưu tiên và quản lý thời gian tốt trong công việc, điều mình rất cần khi đi làm sau này. Vậy nên sau này khi mình đều khuyên các bạn trẻ là lúc học đại học đừng ngại thất bại, thất bại sớm thì thành công sớm.
❓ Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?
Hãy bắt đầu bằng việc không chọn ngành sai. Có rất nhiều ngành nghề đúng và phù hợp với các em, ở độ tuổi 17-18 hiện nay rất khó để các em trả lời được 100% đam mê của mình ở trong lĩnh vực nào. Ví dụ anh thích đặc thù công việc hỗ trợ giúp đỡ người khác, anh có thể làm rất nhiều việc từ viết sách, giảng dạy, nhân sự hay tư vấn hướng nghiệp. Tuy nhiên, anh rất dở toán và không tỉ mỉ, anh biết những lĩnh vực sai với mình có thể là Kế toán, Tài chính. Các em cũng có thể làm điều tương tự, thông qua các buổi hội thảo, các bài trắc nghiệm tính cách, hãy tìm ra điểm sai của mình và tránh chọn học các ngành có yếu tố đó, dù cho ngành đó có ‘hot’ mấy đi chăng nữa.
❓ Nêú có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ của các em học sinh cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?
Các bạn trẻ hiện nay rất giỏi trong việc tìm kiếm thông tin, và chắc chắn nguồn thông tin các em có thể tiếp cận lớn hơn nhiều so với những gì ba mẹ có thể biết nhờ Internet. Điều các em cần nhất ở cha mẹ là sự đồng hành và thấu hiểu. Đừng bắt ép con phải học ngành này trường kia vì cha mẹ ‘nghĩ như vậy là tốt cho con‘, cũng đừng cấm con không nên theo đuổi lĩnh vực A, B chỉ vì nghe lĩnh vực đó ‘không phù hợp với giới tính’ hay ‘có vẻ không ổn định’. Có rất nhiều các công việc mới đã xuất hiện mà cha mẹ chưa nghe qua bao giờ, hoặc có đặc thù làm việc về thời gian, vị trí rất khác với thời cha mẹ. Các em hiện nay tuy giỏi trong việc tìm kiếm thông tin nhưng sống trong một thế giới số với quá nhiều thông tin và áp lực nhiều bạn bè giỏi rất cần cha mẹ ủng hộ các em trong các lựa chọn. Cha mẹ hãy hướng dẫn các em cách tìm kiếm thông tin, giới thiệu các em đến các chuyên gia hoặc chương trình phù hợp, cung cấp các góc nhìn đa chiều, được và mất trong một nghề của các em và cuối cùng hãy để các em tự ra quyết định cho cuộc đời của mình.