GƯƠNG MẶT RMIT: LÊ HOÀNG YẾN, SINH VIÊN NGÀNH KINH TẾ & TÀI CHÍNH

Nếu chỉ có 1 từ để mô tả bản thân thì với Lê Hoàng Yến đó sẽ là “Kiên cường” (Resilience). Trò chuyện với Yến, ta dễ dàng nhận ra sự “kiên cường” và chín chắn đằng sau vẻ bề ngoài xinh xắn dễ thương của cô gái trẻ này.

2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức với tất cả mọi người, và với Lê Hoàng Yến cũng vậy. Thế nhưng, em đã vượt qua nó một cách “kiên cường” với “quả ngọt” là Giải vô địch quốc gia cuộc thi CFA Research Challenge 2020 cùng các đồng đội đến từ RMIT, đại diện cho Việt Nam tham gia vòng chung kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là kỉ niệm đáng nhớ nhất của Yến từ sau khi giành được Học bổng Toàn phần vào học tại RMIT.

Một vài thông tin về Lê Hoàng Yến:

🏅Hiện đang là sinh viên năm 3, ngành Kinh tế & Tài chính

️🏅Học bổng Toàn phần ĐH RMIT năm 2019

🏅Giải vô địch quốc gia cuộc thi CFA Research Challenge 2020, đại diện cho Việt Nam tham gia vòng chung kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương

️🏅Giải ba học sinh giỏi môn tiếng Anh Đại học quốc gia 2017

🏅Giải nhì học sinh giỏi môn tiếng Anh thành phố Hà Nội năm 2015

🏅Chủ tịch câu lạc bộ VietAbroader Hà Nội 2017-2018

️🏅Lãnh đạo dự án iLead 2018 và Trưởng ban tổ chức cuộc thi Teen Entrepreneur 2017

️🏅Cựu học sinh THPT Chuyên Ngoại Ngữ Hà Nội

1.Nếu chỉ có một từ để mô tả bản thân thì đó sẽ là từ gì?

Em nghĩ đó là từ “Kiên cường” (Resilience). Em đã luôn như vậy từ trước đây, đặc biệt là năm vừa rồi, do Covid nên cũng giống như mọi người, mọi thứ đối với em cũng vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong các giai đoạn giãn cách xã hội. Em hiện đang học liên cơ sở tại TP.HCM, trước đó em học ở cơ sở Hà Nội. Trong thời gian giãn cách, vì sống một mình nên em thường xuyên phải đối mặt với sự cô đơn khi đi học xa nhà. Nhờ đã rèn luyện được sự “kiên cường” mà em nghĩ em đã tìm được cách để vượt qua các giai đoạn đó.

2. 2020 là một năm đầy khó khăn. Em đã vượt qua nó như thế nào?

Năm 2020 thực sự quá khó khăn với bản thân em. Mặc dù vậy, cũng nhờ đó mà em khám phá thêm được về bản thân mình, học được cách làm bạn với chính mình, yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Trước đó, em cũng nghe mọi người nói nhiều về việc phải yêu chính mình nhưng cảm thấy hơi “sách vở”, nhưng khi bản thân mình bị đẩy tới giới hạn nào đó và phải đối mặt với khó khăn, khi không có nguồn vui từ bên ngoài nữa thì em mới thực sự thấu hiểu và thấm thía để tự mình tìm nguồn vui, động viên từ chính bản thân mình. Vì thế, em đã tự nhủ với bản thân và “ép” bản thân hàng ngày phải thực hiện một lịch trình sống thật tích cực và khoẻ mạnh như ăn uống đầy đủ, đúng giờ, ăn nhiều thứ tốt cho sức khoẻ, tập thể dục, tìm cách tận hưởng cuộc sống nhiều hơn… vì chính bản thân mình chứ không phải vì người khác nhìn vào mình mà mình phải như vậy như trước đây. Em thấy rất bất ngờ với bản thân mình vì đã làm được như vậy. Đấy là mặt tích cực của dịch Covid-19 đối với bản thân em.

3. Em làm gì để cân bằng cuộc sống và việc học tập?

Trước đây, em khá là cứng nhắc, nghiêm túc và thời gian của em chủ yếu là để học, làm việc gì đó mà em cảm thấy tạo giá trị, những thời gian khác không làm gì thì em cho là thời gian “chết”. Em như vậy là vì từ nhỏ em đã được dạy là phải luôn luôn tiến về phía trước, nếu không thì em đang thụt lùi so với người khác, vì thế, em luôn bị áp lực phải cố gắng cố gắng và vì thế đôi khi em bị stress. Cho tới khi năm ngoái em tham gia vào cuộc thi CFA Research Challenge, em học được rằng mình phải có thời gian thư giãn nếu không sẽ không thể vượt qua áp lực và khối lượng công việc khổng lồ của cuộc thi phải nói là khó nhất trong các cuộc thi về tài chính này trong lúc đồng thời vẫn phải duy trì việc học trên lớp trong 3 tháng liên tục làm việc cả ngày. Em đi bơi, đọc sách, ngắm cây ngắm hoa, ngủ nướng, quan sát mọi người… và em thấy khi em thư giãn, mọi thứ đều hiệu quả và thuận lợi hơn. Đặc biệt, giờ đây, em đã không còn cảm thấy “tội lỗi” khi không làm gì cả 😉

4. Vì sao em lựa chọn RMIT? Bố mẹ có ảnh hưởng như thế nào tới lựa chọn này của em?

Bố mẹ là người hướng cho em vào RMIT. Bố mẹ em đã đọc tất cả các bài báo, bài chia sẻ về RMIT, về kinh nghiệm học bổng của các anh chị trước đây và gửi cho em đọc những thông tin này, bố mẹ cũng rất chăm chỉ tham gia và rủ em đi những hội thảo của trường. Sau những buổi đó em bắt đầu yêu mến RMIT vì các anh chị tư vấn rất nhiệt tình, và trường đáp ứng hoàn toàn những mong muốn của em về một ngôi trường đại học trong mơ. Em là người gắn bó với gia đình nên cũng thích học ở Việt Nam để gần bố mẹ, và vì thế, RMIT là lựa chọn hàng đầu và duy nhất của em.

5. 3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT?

  • Thầy cô tận tâm
  • Bạn học giỏi giang, năng động
  • Các dịch vụ hỗ trợ học tập, làm việc tuyệt vời.

6. RMIT trong tưởng tượng của em trước đây và trên thực tế thế nào?

Trước đây khi chưa vào trường em được nghe nhiều đồn thổi về trường nào là con nhà giàu học dốt… Tất nhiên, lời đồn cũng chỉ là lời đồn, em và bố mẹ cũng đã tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định học tại RMIT. Và thật sự khi vào trường, em thấy mọi tin đồn đều không đúng sự thực. Các bạn học của em đều rất giỏi giang năng động. Và ở đây cơ hội cho mọi người là như nhau nếu học hành nghiêm túc, bỏ công gắng sức vào việc học tập, tham gia các hoạt động thì ai cũng có thể đạt được những thứ mình xứng đáng.

7. Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT mang tới cho em là gì?

Em nghĩ mình có được sự Hỗ trợ về mọi mặt: thầy cô sẵn sàng giúp đỡ, bạn bè cùng nhau học tập và tham gia các cuộc thi, có rất nhiều bạn sinh viên giỏi để đồng hành cùng mình, các anh chị nhân viên trong trường thì hỗ trợ tụi em rất nhiều trong việc học tập, tìm mentor, tìm các cơ hội thi thố tài năng, đi thực tập… Đặc biệt, trong quá trình tham gia cuộc thi CFA Research Challenge vừa qua, các thầy cô và các anh chị mentor là cựu sinh viên của RMIT đã giúp đỡ tụi em rất nhiều trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc thi và góp phần giúp đội của chúng em giành giải Vô địch.

8. Em thấy phương pháp giảng dạy tại RMIT có gì khác biệt?

Ở RMIT, lần đầu tiên em được thực sự học và tìm hiểu từ nhu cầu của chính mình. Cách học ở RMIT khiến em phải tìm hiểu thông tin rất nhiều. Việc này không chỉ để phục vụ bài tập mà còn thôi thúc em tìm hiểu thêm những thứ mới mẻ khác và điều này khiến em học thêm được rất nhiều kiến thức khác bên cạnh bài tập. Những kiến thức như vậy cứ được tích luỹ dần và sau này khi tham gia các cuộc thi, hoặc kể cả sau này đi làm, em nghĩ là mình đã có thêm rất nhiều kiến thức phong phú.

9. Nếu có một lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, đó sẽ là gì?

Hãy vào RMIT! 😃 Điều khó khăn nhất với học sinh cấp 3 là chọn ngành, chọn trường cho phù hợp, và không biết cái gì hợp với mình hay không. Vì vậy, các em hãy tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn từ các anh chị tuyển sinh để hiểu hơn về các ngành học và để xem mình có hợp với các ngành đó không.

10. Nếu có một lời nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào đại học, đó sẽ là gì?

Em nghĩ là bố mẹ hãy cho con được tự chủ động lựa chọn ngành học mà con mong muốn và cùng con tìm hiểu để đi đến một lựa chọn phù hợp nhất với con mình. Em đã được chứng kiến nhiều bạn vô cùng vật vã, đau khổ khi phải học ngành do bố mẹ chọn, không phù hợp với khả năng và mong muốn của các bạn. Tất nhiên, bố mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái và những lựa chọn của bố mẹ không phải không có lý, nhưng hãy cố gắng lắng nghe và tìm hiểu khả năng, mong muốn của con là gì để đồng hành cùng con. Bố mẹ và con hãy cùng tham gia các hội thảo về hướng nghiệp, tìm hiểu ngành học, cùng con đọc thật nhiều thông tin để bất cứ quyết định nào đưa ra cũng là có cơ sở chứ không quyết định dựa trên cảm tính.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.