Cao Phan Bảo Trân là cựu sinh viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT. Sau 4 năm tốt nghiệp, Trân hiện đang giữ vị trí copywriter (người viết nội dung quảng cáo) cấp cao tại TBWA\Media Arts Lab – công ty quảng cáo độc quyền cho thương hiệu Apple tại Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp RMIT, Trân từng kinh qua các vị trí như thực tập sinh, nhân viên chính thức, rồi đến các vị trí cao cấp hơn tại những công ty truyền thông và quảng cáo tiếng tăm như Publicis và Ogilvy… Ở tuổi 25, cô nàng Gen Z tài năng đã nhận được lời mời làm việc từ TBWA\Media Arts Lab, và gia nhập đội ngũ sáng tạo cho nhãn hàng Apple nhờ vào hồ sơ năng lực ấn tượng.

Vậy nhờ đâu mà cô nàng Gen Z tài năng có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và thăng tiến trong sự nghiệp quảng cáo đến vậy?

Mời cha mẹ kéo xuống dưới để đọc tiếp phần chia sẻ của cựu sinh viên Cao Phan Bảo Trân.

1/ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP KẾT HỢP THỰC TIỄN

Vào năm cuối đại học, Bảo Trân từng thực tập tại công ty quảng cáo Wunderman Thompson (trước đây là JWT) thuộc khuôn khổ môn Thực tập Doanh nghiệp (Internship) của ngành Truyền thông RMIT.

Ở tuổi 21, vừa bước ra từ giảng đường đại học, Trân không hề bỡ ngỡ với cuộc sống trong công ty quảng cáo nhờ vào quá trình tôi luyện tại RMIT.

“Một cái hay ở ngành Truyền thông RMIT chính là mình như được học việc trong một agency thực thụ. Em hiểu thế nào là quá trình nhận một bản tóm tắt sáng tạo, suy nghĩ ý tưởng, sắp xếp và trình bày ý tưởng thật chỉn chu. Tuy đi làm vất vả hơn đi học, nhưng giáo trình dạy Truyền thông ở RMIT bám rất sát thực tế. Em không hề bị sốc với khối lượng công việc, cũng như guồng quay trong thế giới quảng cáo và truyền thông.”

Trong quá trình thực tập tại Wunderman Thompson, Bảo Trân đã được sếp lớn (Giám đốc Sáng tạo) tin tưởng cho phép tham gia vào chiến dịch quảng cáo Tết của một nhãn hàng lớn. May mắn thay, ý tưởng của cô thực tập sinh năm đó lại được khách hàng nhìn trúng. Nhân dịp Tết 2020, Bảo Trân lần đầu nhìn thấy ý tưởng của mình xuất hiện trên truyền hình toàn quốc và đạt hơn 32 triệu view trên Youtube: MV ca nhạc “Tết là ăn hết” của thương hiệu Ô Long Tea+.

Sau 3 tháng thực tập, Bảo Trân được giữ lại làm copywriter (sáng tạo nội dung quảng cáo) chính thức của Wunderman Thompson.

2/ KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH VÀ GIAO TIẾP TIẾNG ANH

Một đặc thù khi làm ở công ty truyền thông nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam chính là: copywriter phải viết nội dung quảng cáo bằng tiếng Việt nhưng phải trình bày kế hoạch truyền thông bằng tiếng Anh cho đối tác.

Khi còn là thực tập sinh, Bảo Trân đã được sếp tin tưởng giao nhiệm vụ thuyết trình ý tưởng bằng tiếng Anh với khách hàng.

“Nhờ ở RMIT em phải làm bài nhóm và thuyết trình rất nhiều, nên không thấy sợ hay áp lực khi phải thuyết trình bằng tiếng Anh trước khách hàng.”

Ngoài ra, môi trường học tập cởi mở cùng các giảng viên trẻ trung, luôn truyền lửa cho sinh viên cũng giúp cho mình thoải mái hơn khi trao đổi và nói lên chính kiến với những bậc tiền bối và đối tác trong ngành.

“Nếu không được học trong môi trường 100% tiếng Anh như vậy, Bảo Trân sẽ khó có thể giao tiếp hiệu quả với đối tác ở Apple bằng tiếng Anh, và cũng không thể Việt hoá nội dung quảng cáo một cách tự nhiên.”

3/ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN

Khi đã dấn thân sâu vào ngành quảng cáo và truyền thông, Trân nhận ra thế giới sáng tạo đôi khi cũng không sáng tạo đến thế, bởi vì ý tưởng còn chịu ảnh hưởng bởi đặc thù thị trường, thị hiếu của khách hàng, định vị thương hiệu của nhãn hàng, v.v.

Bảo Trân đúc kết ra rằng quá trình sáng tạo không đòi hỏi trí tưởng tượng dồi dào, mà là kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện tốt. Đó là những kỹ năng quan trọng mà học được ở thời sinh viên tại RMIT.

“Con đường làm sáng tạo không phải là màu hồng! Có những ý tưởng em nghĩ là rất hay, nhưng lại không phù hợp với thuần phong mĩ tục Việt Nam, hoặc không giải quyết được vấn đề của nhãn hàng.” – Bảo Trân cho biết.

Một lời khuyên mà Trân muốn trao đến các em học sinh, sinh viên đang ấp ủ ước mơ làm việc trong ngành quảng cáo sáng tạo chính là “Stay hungry, stay foolish” như Steve Jobs đã nói. Để có thể sáng tạo cho bất kỳ lĩnh vực nào, mình không nhất thiết phải là người uyên bác nhất, nhưng chắc chắn mình phải là người luôn tò mò, không ngừng quan sát, sẵn sàng trau dồi và đa dạng hóa trải nghiệm của mình. Có như vậy thì vốn sáng tạo của mình mới dồi dào, để brief tới thì mình nhận chứ không ngán cái nào.”


Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.