Duong Tuan Anh - cuu sinh vien Truyen thong CHuyen nghiep RMIT

Late bloomer (tài năng nở muộn) là một cụm từ trong tiếng Anh chỉ những cá nhân phải đến một thời điểm khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa mới tìm được con đường hay đam mê cho chính mình. Dương Tuấn Anh, cựu sinh viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT, chính là một trường hợp như vậy

Hiện là Quản lý Nội dung tại Sea Group và quản lý team 20 thành viên, chịu trách nhiệm nội dung cho game Liên Quân ở Việt Nam và mảng sản xuất phim kỹ xảo trên toàn cầu, Tuấn Anh chia sẻ, nếu không quyết định lựa chọn bắt đầu học lại đại học ở tuổi 24, em không biết liệu hiện tại mình sẽ là người như thế nào, cuộc sống sẽ ra sao.

RMIT xin đươc chia sẻ với cha mẹ cuộc trò chuyện ngắn với Tuấn Anh để hiểu thêm câu chuyện đằng sau lựa chọn đầy thử thách nhưng cũng rất đáng giá của cựu sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp này.


Quyết định học lại đại học ở tuổi 24 hẳn là một quyết định không dễ dàng. Lý do cho quyết định này của em là gì?

Giống như rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 18 còn thiếu va chạm thực tế để có thể định hướng tương lai, em cũng từng rơi vào tình trạng không biết bản thân thực sự yêu thích ngành nghề gì khi đứng trước ngưỡng cửa đại học. Cuối cùng, lắng nghe theo định hướng của cha mẹ, em quyết định theo học Ngân hàng như một giải pháp an toàn. Và đáng buồn thay, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay cũng là lúc em nhận ra đây không phải công việc đem lại cho mình niềm vui và hứng khởi mỗi ngày.

Thế là ở tuổi 24 – độ tuổi nhiều bạn cùng trang lứa đã có 1-2 năm kinh nghiệm đi làm, em khởi động hành trình đi tìm “bến đỗ” mới cho sự nghiệp.

Thời điểm đó em có 3 lựa chọn: Một là theo hẳn nghiệp nhảy – tức sở thích bấy lâu của em, hai là theo hướng quân đội vì bố mẹ em đều làm quân đội, và ba là cho mình cơ hội cuối cùng để tìm ra ngành học và con đường sự nghiệp phù hợp.

Không muốn theo hẳn nghệ thuật nhưng lại thích một công việc cho mình sự sáng tạo và cũng cần tư duy logic, em khát khao tìm được một ngành học vừa giúp mình phát huy được sự năng động lẫn tư duy đổi mới của bản thân lại vừa tận dụng được thế mạnh sẵn có là khả năng ngoại ngữ. Sau khi quyết định theo phương án cuối cùng, em đã tìm ra ngành Truyền thông chuyên nghiệp của Đại học RMIT, nơi em cảm thấy hội tụ đủ và dung hoà được tất cả những tiêu chí đã đề ra.

Vì sao em lựa chọn RMIT mà không phải một môi trường khác?

Trước đây, khi tìm hiểu về RMIT, em đã nghe khá nhiều định kiến, những lời đồn thổi không có căn cứ về trường. Nhưng em vẫn quyết định chọn RMIT dựa trên tiêu chí môi trường học tập năng động và các dịch vụ hỗ trợ việc làm cho sinh viên, chứ không phải theo định kiến của những người xung quanh. Và thực tế đã chứng minh rằng em đúng vì RMIT làm rất tốt ở những khía cạnh này.

Dù bắt đầu lại ở môi trường học tập mới với những sinh viên kém mình đến 5-6 tuổi, nhưng chính nhờ khởi đầu mới này mà lần đầu tiên trong đời, em cảm thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui bởi môi trường học mới tôn trọng sự khác biệt, coi trọng sự sáng tạo không biên giới và trao cho sinh viên sự tự chủ, linh hoạt để bứt phá, giúp em cảm thấy tự tin hơn khi theo đuổi đam mê của mình.

Quá trình học tập tại RMIT giúp ích như thế nào cho công việc hiện tại của em?

Sau 5 năm tốt nghiệp ngành Truyền thông tại RMIT, em đã trải qua nhiều môi trường làm việc và hiện tại phần nào đã đạt được một số thành công nhất định, tạo dựng chỗ đứng cho riêng mình trong lĩnh vực Tiếp thị & Truyền thông. Hiện em đang nắm giữ vị trí Quản lý Nội dung tại Sea Group và quản lý team 20 thành viên, chịu trách nhiệm nội dung cho game Liên Quân ở Việt Nam và mảng sản xuất phim kỹ xảo trên toàn cầu. Công việc hiện tại đem lại cho em niềm vui và hứng khởi mỗi ngày – điều mà em chắc chắn rằng nếu cứ ngại thay đổi, ngại bước ra khỏi vòng an toàn mà đi theo con đường cũ, em sẽ không bao giờ có được niềm hạnh phúc này.

Em có lời nhắn nhủ nào tới các em học sinh, sinh viên cũng đang đứng giữa những lựa chọn như em dạo trước?

Chúng ta có thể chưa biết mình thuộc về đâu, chúng ta lựa chọn bây giờ và hối hận về sau… Dù là lựa chọn đúng hay sai, tốt hay chưa tốt, các em hãy tin rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại từ đầu nếu các em tin rằng đó là con đường đúng đắn. Các em hãy tập trung phát triển bản thân thành một nhân sự chất lượng thông qua giáo dục và trải nghiệm, rồi thời cơ để em tỏa sáng rực rỡ sẽ đến.


👉 Để tìm hiểu về chương trình Cử nhân Truyền thông Chuyên nghiệp của RMIT, vui lòng nhấn vào ĐÂY

👉 Làm việc trong ngành truyền thông thì thế nào?

👉 Phân biệt ngành Tiếp thị Số & ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.