Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, hiện đang là Chủ nhiệm Nghiên cứu và giảng viên cấp cao ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại Đại học RMIT, thầy hiện không chỉ là một giảng viên mà còn là một chuyên gia trong ngành truyền thông với đam mê truyền lửa kiến thức và kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ.

Tại RMIT, sinh viên gọi thầy là Dr. Long – người chuyên trị các bộ môn quan hệ công chúng và chiến lược truyền thông. Ngoài giảng dạy sinh viên đại học, Dr. Long còn chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát các dự án nghiên cứu của các sinh viên nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ.

Ngoài ra, thầy còn được biết đến với cương vị khách mời và nhà nghiên cứu với các chủ đề xoay quanh sự phát triển truyền thông bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Không chỉ truyền bá kiến thức trên giảng đường, thầy Long còn nhà một nhà báo, cụ thể là tại hai trang báo nổi tiếng ngành Truyền thông Marketing là Vietcetera và Brands Vietnam, thầy Long được biết đến với bút danh Long Infinity.

Bên cạnh đó, thầy còn tự hào là một ‘trọc phú kiến thức’ vì bản thân là người liên tục cập nhật kiến thức mình biết trên mạng xã hội, đưa ra những góc nhìn chuyên môn về những chủ đề chuyên ngành. Suốt hơn 15 năm qua, thầy Long đã ‘dầm mưa, dãi nắng’ ở nhiều ‘mặt trận’ để tạo nên những thành tựu cho riêng mình:

  • Thầy từng giữ chức vụ Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị tại Tập đoàn The Ascott Limited
  • Thầy là Tiến sĩ Marketing, và là một nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực marketing và truyền thông.
  • Thầy nắm trong tay 2 bằng Thạc sĩ Kinh doanh, Nghiên cứu & Marketing và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh & Marketing.

Trò chuyện cùng RMIT hôm nay, thầy Long đã chia sẻ hành trình ‘làm nghề’, cũng như bí quyết để thành công trong ngành Truyền thông Marketing.

Khi đang nắm giữ vị trí chuyên ngành cấp cao tại các doanh nghiệp/ tập đoàn, vì sao thầy lựa chọn rẽ hướng sang giáo dục?

Thời còn làm quản lý, thầy thấy các bạn sinh viên mới ra trường trong tập đoàn rất thông minh, nhưng nhiều khi kiến thức chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Và một trong những lý do chính là cách giảng dạy chưa được phù hợp. Từ đó, thầy dần bắt tay vào việc huấn luyện (coaching) cho các bạn trẻ (mới nhập môn) của nghề sales & marketing tại tập đoàn Ascott.

Tập đoàn thấy thầy làm công tác đào tạo cũng ổn, nên đề bạt thầy vào đội ngũ POP – viết tắt của Pre Opening Plan (Kế hoạch Chuẩn bị cho Khai trương) – đội ngũ chuyên đào tạo và huấn luyện các nhân viên sales và marketing của các tòa nhà mới mở hoặc sắp đi vào hoạt động.

Sau đó, thầy đã được đứng lớp các trường đào tạo kỹ năng, cao đẳng. Thầy cảm thấy thích hợp với nghề giảng dạy, huấn luyện và ngành còn tươi sáng, đang làm Giám đốc Sales & Marketing, và chuẩn bị có kế hoạch phát triển lên quản lý tòa nhà, tập đoàn. Nhưng nếu được chọn lại, thầy vẫn sẽ quyết định theo con đường giáo dục, vì bản thân mình sẽ tạo được những giá trị tốt đẹp và thay đổi ý nghĩa hơn, nhất là đối với các bạn trẻ.

Điều thầy thích nhất về RMIT là gì?

Đó chính là:

  • Môi trường và điều kiện làm việc năng động, trẻ trung
  • Không có sự phân biệt đối xử
  • Có lộ trình phát triển sự nghiệp và bản thân
  • Và đặc biệt, sinh viên rất năng động, sáng tạo, tài năng

Theo thầy, liệu trí tuệ nhân tạo và công nghệ tân tiến có thể thay thế được vị trí của con người trong ngành sáng tạo hay không?

Đến thời điểm hiện tại, thầy đánh giá Trí tuệ nhân tạo (AI) không hoàn toàn thay thế được con người, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo. Vì AI và công nghệ chỉ xử lý được dữ liệu (đã có) và dựa trên đó tạo ra các tùy biến khác nhau (được gọi là sáng tạo). Nhưng với con người, thì khả năng suy nghĩ, trí tưởng tượng là vô hạn, đồng thời với các thấu hiểu khách hàng, hiểu biết nền văn hóa, thêm trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) sẽ được kết hợp để tạo ra các ý tưởng, sản phẩm độc đáo, lạ. Nói cách khác, sáng tạo không phải là tính toán theo kiểu 1+1=2 mà là cái lạ, cái mới theo góc nhìn riêng của mỗi người. Đó là điều mà trí tuệ nhân tạo và công nghệ không thể hoặc chưa thể làm được.

Muốn học Truyền thông, ngoài sự sáng tạo, học sinh cần có những có những tố chất nào?

Các bạn học sinh phải biết thực tế và hiểu các con số. Các bạn học truyền thông thường sợ làm gì liên quan tới số. Nhưng khi học chuyên sâu, chúng ta mới nhận ra ý tưởng bay bổng cũng phải đáp xuống đúng yêu cầu của đối tác, cần phải dễ hiểu và bám sát mục tiêu kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp (1 là 1, 2 là 2).

Và ý tưởng đó cuối cùng cũng phải chạy ra số liệu (KPI – hay theo cách các bạn nói vui là cây bi ai – sầu thảm). Lúc đó, thì ý tưởng sáng tạo đó mới có đất sống, mới bán được, và ‘truyền’ mới ‘thông’.

Trong những nhóm kín Marketing Truyền thông trên mạng xã hội, cộng đồng mạng thường cho rằng ‘Học truyền thông quảng cáo sáng tạo, nếu không nổi bật thì sẽ khó thành công?’. Thầy suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

Thực ra khi bạn học ngành nào, bạn cũng cần phải nổi bật mới thành công. Nhưng ‘nổi bật’
ở đây chính là làm sao để ‘bán’ được ý tưởng và ‘quảng bá’ bản thân, khiến người khác nhận biết và tin vào ý tưởng hoặc điểm mạnh của bạn.

Các bạn học sinh nên tự đặt ra câu hỏi như thế này: ‘Nếu dùng 1-2 từ để mô tả về mình, bạn sẽ muốn người khác nhớ điểm (tích cực) nào nhất ở mình?’ Đó chính là điều nổi bật mà bạn cần.

Thầy có nhắn gửi gì đến các bạn học sinh trung học có dự định theo ngành Truyền thông, Marketing hoặc Sáng tạo hay không?

Ngành truyền thông, marketing, hay sáng tạo rất tiềm năng cho việc phát triển kỹ năng mềm và kiến thức cứng – những điều có thể ứng dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau và cả trong cuộc sống. Còn về năng khiếu, thì các bạn đừng quá lo. Cứ đi đi rồi sẽ thành đường, có đam mê thì không sợ khó khăn. Như trước đây thầy cũng nhát lắm, lại dở tiếng Anh cực kỳ, nhưng từ từ mình khắc phục và hoàn thiện mình hơn để được như hôm nay.


  • Mời Cha Mẹ tìm hiểu thêm về chương trình Cử nhân Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) tại đây.
  • Mời Cha Mẹ tìm hiểu thêm về chương trình Cử nhân Digital Marketing tại đây.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.