Là sinh viên năm cuối khối ngành sáng tạo, cuộc sống của Quỳnh Anh diễn ra đầy sôi động và náo nhiệt, xen kẽ giữa việc học tập và các hoạt động hoàn thiện kỹ năng. Là một thành viên năng nổ của “biệt đội” SAS – Cố vấn Học Tập của RMIT Hà Nội, Quỳnh Anh không chỉ giúp đỡ các bạn sinh viên tìm ra phương pháp học tập thích hợp, mà còn tích luỹ được rất nhiều bài học và kỹ năng cho bản thân. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Quỳnh Anh và hành trình tại SAS của em.
Một số thông tin về Quỳnh Anh
Trưởng nhóm Workshop tại ban cố vấn học tập SAS RMIT Hà Nội
1. Tại sao RMIT lại là lựa chọn của em? Bố mẹ có ảnh hưởng gì tới quyết định này của em không?
Thực ra ý định ban đầu của em là đi du học, em cũng đã tham khảo rất nhiều trường ở Singapore và khu vực lân cận. Thế nhưng run rủi thế nào số phận lại để em cân nhắc giữa các trường Đại học Quốc tế trong nước. Em tìm hiểu trên mạng, đọc review về các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam, hỏi bạn bè và các anh chị đi trước. Cuối cùng thì em ‘bị’ thuyết phục vào RMIT vì chương trình học ở đây ‘xịn’ có tiếng.
Em cũng có trao đổi với bố mẹ về “bước ngoặt” này của bản thân. Bố mẹ em vẫn luôn ủng hộ và tạo không gian để con tự phát triển nên hoàn toàn ủng hộ quyết định của em.
2. RMIT trong tưởng tượng của em trước đây và trên thực tế thế nào?
Ngay từ đầu, điều mà em quan tâm và tìm hiểu nhiều nhất về RMIT chính là chương trình học và cơ hội nghề nghiệp. Em đã chủ động xin lời khuyên từ các anh chị đang học tại RMIT và có tới trường để trao đổi với các anh chị tư vấn viên thì biết được chương trình học rất sát với thực tế và có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Khi thực sự trải nghiệm môi trường học tập RMIT, em thấy những gì các anh chị nói đều đúng. Tới bây giờ em vẫn chưa hết bất ngờ về mức độ “thực tế” của chương trình học tại RMIT. Em học Truyền thông chuyên nghiệp và các môn học thực sự dạy em quy trình để lên được một chiến dịch truyền thông từ cơ bản tới chi tiết. Với những kiến thức được học trên trường, em khá tự tin là sau này khi đi làm ngành Truyền thông em sẽ không bị choáng ngợp mà có thể thích nghi và biết được vị trí mình cần phải làm gì.
Không chỉ nội dung học tập thực tế, trường cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên sẵn sàng cho công việc. Mỗi kỳ em đều được gửi thông tin về các buổi workshop gặp gỡ nhà tuyển dụng, hướng dẫn viết hồ sơ cá nhân, kỹ năng phỏng vấn… Những hoạt động như vậy giúp cho sinh viên khi đi tìm việc làm rất tự tin.
3. Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho em là gì?
Em nghĩ đó là tâm thế chủ động. Ở RMIT, trung bình mỗi kỳ sinh viên sẽ học 2 – 3 môn. Nghe thì có vẻ ít nhưng mỗi môn đều yêu cầu sự đầu tư rất lớn. Để hoàn thành 1 bài tập dự án, sinh viên phải đầu tư rất nhiều thời gian để hiểu đề bài, phát triển ý, mở rộng và nâng cao luận điểm… .
Để đạt điểm cao, chỉ dựa vào nội dung học trên lớp không thì không đủ, sinh viên sẽ phải chủ động nghiên cứu từ nhiều nguồn uy tín mới có thể làm bài đạt điểm cao, gây được ấn tượng với giảng viên.
4. Điều gì khiến em tham gia trung tâm hỗ trợ kỹ năng học tập SAS? Công việc của một cố vấn học tập bao gồm những gì?
Em làm cố vấn học tập ở SAS tính tới nay được 4 học kỳ rồi ạ. Hồi em mới vào, chưa quen với cách học trên trường nên rất vất vả. Cũng may là có sự trợ giúp của các anh chị SAS mà em hiểu hơn về phương thức học tập ở đại học, cũng như cách áp dụng lý thuyết vào trong bài làm của mình. Vì thế nên khi em đủ tín chỉ để nộp hồ sơ vào SAS là em nộp đơn liền, em cũng muốn giúp đỡ các bạn cũng từng bối rối và lo lắng như em.
2 kỳ đầu em làm cố vấn học tập cho ngành Truyền thông chuyên nghiệp. Những bạn nào trong ngành đang gặp khó khăn về các kiến thức trên lớp hay trong quá trình làm bài thì sẽ tới gặp những những bạn như em. Bọn em sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu và nghiên cứu để các bạn có thể tự tìm ra được đáp án hay cách giải quyết vấn đề của mình. Phương châm của SAS hướng tới cổ vũ và động viên các bạn tự tin và chủ động trong việc tìm tòi kiến thức.
5. Công việc tại SAS đã mang lại cho em những gì?
Nhiều lắm ạ. Mọi người vẫn hay nói là khi mình hướng dẫn lại được một ai đó, mình đã thực sự hiểu vấn đề. Cơ sở lý thuyết cơ bản của Truyền thông chuyên nghiệp có giới hạn nhưng rất dàn trải và yêu cầu hiểu sâu. Càng học sinh viên sẽ thấy kiến thức được liên tục nhắc lại theo mức độ khó dần. Vì thế nên khi hướng dẫn các bạn sinh viên, em cũng có cơ hội ôn tập lại kiến thức.
Ngoài ra, em còn được cải thiện các kỹ năng mềm khác như là cách giao tiếp hiệu quả, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, v.v. Dù đã làm ở SAS bao lâu thì đầu mỗi kỳ học bọn em sẽ được “đào tạo chuyên môn” lại từng bước. Em cảm thấy dần dần những kiến thức và kỹ năng có được khi làm dần dần ăn vào máu em luôn rồi, không chỉ khi làm việc tại SAS mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày em cũng áp dụng những kỹ năng ấy để xử lý mọi việc.
6. Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?
Em nghĩ là các em nên có cho mình một mục tiêu thật rõ ràng, nhất là ở giai đoạn lớp 12 để có thể đề ra được một kế hoạch phấn đấu hết năng suất.
7. Nếu có một lời nhắn nhủ tới các cha mẹ của các em hs cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?
Em thấy mình rất may mắn khi được ba mẹ để cho toàn quyền quyết định việc học và làm của mình. Đây là một cơ hội mà không phải bạn học sinh nào cũng có. Em nghĩ là đam mê hay sở thích nào cũng đều đáng trân trọng và hoàn toàn có khả năng nuôi sống chúng ta. Vì thế, nếu các con có mục tiêu và kế hoạch phấn đấu rõ ràng thì cha mẹ nên cân nhắc để ủng hộ con đi theo con đường mà con lựa chọn.
Cảm ơn em vì cuộc trò chuyện này.
👉 Tìm hiểu về ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT tại đây
👉 Tham khảo các hoạt động của RMIT SAS tại đây