Mô tả những thành tựu của bản thân bằng từ “nỗ lực”, hành trình phát triển của My tại RMIT trải qua rất nhiều cố gắng và hoàn thiện bản thân. Để rồi sau tất cả, hình ảnh Đặng Trà My – Phó Chủ Tịch đầy nhiệt huyết của Hội đồng Sinh viên RMIT Việt Nam chính là kết quả ngọt ngào nhất cho những nỗ lực của em. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Trà My và sự phát triển của em tại RMIT.
Một số thông tin về Trà My:
Phó Chủ tịch Hội đồng Sinh viên RMIT Việt Nam
1. Vì sao em lựa chọn RMIT? Bố mẹ có ảnh hưởng gì tới lựa chọn này của em không?
Ngay từ năm lớp 10, bố mẹ em đã hướng em vào môi trường RMIT. Thế nhưng bản thân em thì luôn có suy nghĩ là mình sẽ đi du học, em cũng đã có rất nhiều lần suýt “xách ba lô lên và đi”. Thế nhưng sau khi cân nhắc tất cả các lựa chọn, em quyết định ở lại Việt Nam học RMIT. Đơn giản vì ngành Truyền Thông luôn là đam mê của em, và sau một thời gian tìm hiểu, ngành Truyền Thông tại trường có chương trình phù hợp với nguyện vọng của em nhất. Vậy nên, RMIT trở thành điểm đến của em.
2. RMIT trong tưởng tượng trước đây của em và hiện tại có thay đổi như thế nào?
Có lẽ điều khác với trong tưởng tượng của em nhất chính là việc học ở RMIT nặng hơn những gì em nghĩ rất nhiều. Thú thật là ban đầu em không nghĩ chương trình học ở RMIT sẽ quá khó, nhưng mà đến khi vào học rồi, em mới nhận ra mình hoàn toàn sai lầm. Theo trải nghiệm của cá nhân em thì để qua môn ở RMIT không quá khó, thế nhưng nếu muốn đạt một mức điểm cao thì cần rất nhiều nỗ lực và kiên trì.
3. Em có nhận xét gì với phương pháp giảng dạy tại RMIT?
Em nghĩ điều “đắt giá” nhất trong chương trình giảng dạy ở RMIT chính là tính thực tiễn của các dạng bài. Ngay từ những học kì đầu ở năm nhất, bọn em đã được tiếp xúc với các dạng bài tập mô phỏng thực tế. Ví dụ như trong môn “Nhập môn Quảng cáo”, nhóm chúng em phải đóng vai “nhân viên” thuộc một công ty truyền thông hoặc quảng cáo để thuyết trình đưa ra những giải pháp để xử lí vấn đề của một doanh nghiệp/nhãn hàng. Những bài tập nhóm như vậy không chỉ kích thích sự sáng tạo của bọn em, mà còn luyện cho bọn em sự tự tin và làm quen dần với các kỹ năng mềm như thuyết trình, đàm phán. Trong quá trình làm bài có rất nhiều lý thuyết được áp dụng, tuy nhiên RMIT vẫn em cho một “vùng” tự do, nơi em được thể hiện quan điểm của bản thân và được lắng nghe.
4. Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi vào học ở RMIT?
Với em thì đó là khi em cùng các bạn tranh cử để vào ban Quản trị của Hội đồng Sinh viên RMIT Việt Nam thế hệ thứ 10. Mặc dù trước đây em đã có kinh nghiệm tranh cử, tuy nhiên với quy mô lớn như tại RMIT thì là lần đầu tiên. Trong quá trình tranh cử, thay vì cạnh tranh đơn lẻ, chúng em đã quyết định lập độiđể có thể hỗ trợ và học hỏi từ nhau tốt hơn. Việc chạy chiến dịch online khi ấy không hề dễ dàng. Đội em phải lên kế hoạch chi tiết cho từng bài đăng, chuẩn bị nội dung cũng như hình ảnh thật kĩ lưỡng để kêu gọi bình chọn. Thật may mắn khi đây là lúc em có thể áp dụng kiến thức học được từ ngành Truyền Thông vào chiến dịch như lên chiến dịch, quảng bá hình ảnh bản thân. Sau bao nỗ lực, em và các bạn đã thành công trong cuộc tranh cử và trở thành ban Quản trị của Hội đồng Sinh viên RMIT Việt Nam thế hệ thứ 10. Đối với em, có lẽ đây là một dấu mốc lớn trong quãng đời sinh viên mà em khó có thể nào quên.
5. Em đánh giá ra sao về chất lượng dạy và học tại RMIT?
Em thấy các thầy cô rất hỗ trợ cho sinh viên trong việc giải đáp sau giờ học. Đối với em, tuần nào em cũng mail giáo viên để hỏi thêm về nội dung bài tập và thầy cô luôn rất sẵn lòng giải thích và trả lời em rất nhanh.
Thư viện luôn là bạn đồng hành của em vì ngành của em yêu cầu phải nghiên cứu tài liệu khá nhiều.
Em cũng có kết nối với một dịch vụ khá hữu ích đó là Personal Edge – chương trình phát triển kỹ năng toàn diện của RMIT. Em đã tham gia workshop về tuyển dụng, cũng như học được rất nhiều bí quyết cho một hồ sơ nổi bật để kết nối được với các nhà tuyển dụng. Em cảm thấy những kiến thức đó giúp ích cho em rất nhiều trong việc chuẩn bị cho những kế hoạch việc làm của em.
6. Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?
Em muốn khuyên các bạn là hãy “dám” – dám ước mơ, dám thực hiện và luôn sẵn sàng cho mọi thử thách sẽ đến với mình. Hãy nắm lấy những cơ hội và tận dụng nó, đừng ngần ngại bất cứ điều gì cả. Nếu như trước đây các bạn luôn cảm thấy mình đang trong một vùng an toàn, đây là thời điểm để các bạn ngừng giới hạn bản thân, hãy thách thức chính khả năng của mình. Và nếu như có những kế hoạch các bạn đã dự định mà nó không xảy ra theo ý muốn, vậy hãy thử nắm lấy những cơ hội khác xem sao. Hãy quan niệm là “cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra”.
7. Nếu có một lời nhắn nhủ tới các cha mẹ của các em hs cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?
Em nghĩ là nếu được, cha mẹ hãy để các bạn được cân nhắc ngành học và môi trường mà các bạn ý cảm thấy phù hợp nhất. Khác với môi trường trung học thì em thấy kiến thức ở đại học chuyên sâu hơn rất nhiều, thế nên nếu như phải theo học một ngành hay ngôi trường mà ngay từ đầu các bạn không hứng thú, thì em nghĩ sẽ rất khó để các bạn có thể tận hưởng đời sống đại học. Vậy nên em mong rằng, các bạn học sinh cấp 3 cùng với cha mẹ có thể cùng nhau cân nhắc và lựa chọn kĩ lưỡng để có được một phương án phù hợp nhất.
Cám ơn My vì cuộc trò chuyện này.
👉 Tìm hiểu thêm về Đại học RMIT và trải nghiệm của sinh viên RMIT tại ĐÂY