Từng là một cậu học sinh cấp 3 nhút nhát, dành hầu hết thời gian cho việc học, quãng thời gian sinh viên tại RMIT lại khiến Đại trở nên hết sức năng nổ và hoạt bát – từ việc trở thành phó chủ tịch câu lạc bộ kinh doanh của trường tới đoạt giải các cuộc thi sinh viên. Tất cả những trái ngọt này đều xuất phát từ niềm đam mê với ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistic của Đại. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Đại trên con đường phát triển bản thân trong quá trình học tại RMIT.
Một số thông tin về Quốc Đại:
Giải nhì đồng đội vòng bán kết cuộc thi tài năng trẻ Logistic Việt Nam
1. Cơ duyên nào đã đưa em đến RMIT?
Có thể nói hành trình học tại RMIT của em gói gọn trong một chữ “duyên”. Ngay từ những năm tháng cấp 3, em đã xác định sẽ theo đuổi ngành Quản lý Chuỗi cung ứng & Logistics. Khó khăn duy nhất là chọn được một ngôi trường phù hợp bởi lúc đó có rất ít các trường đào tạo chuyên sâu về ngành này. Rồi em tình cờ vào trang web của trường về ngành, quyết định đăng ký tham gia ngày trải nghiệm, tham dự lớp học thử, đi nghe các anh chị chia sẻ. Càng tìm hiểu, em càng choáng ngợp với cơ sở vật chất, cũng như hào hứng với lộ trình học tương lai. Chính vì vậy em đã theo học tại RMIT.
2. Quá trình nhập học RMIT của em diễn ra như thế nào?
Như đã chia sẻ thêm, em có tìm hiểu thông tin khá kỹ về trường và ngành học trước khi nhập học. Tuy nhiên do xác định vào trường khá muộn, nên em gặp trở ngại với việc chuẩn bị tiếng Anh. Đây là một việc khá quan trọng, bởi vì khác với cấp 3, RMIT dạy 100% tiếng Anh và đòi hỏi việc tự nghiên cứu rất nhiều. Trước quỹ thời gian gấp gáp như vậy, em quyết định ngoài việc thi IELTS, còn học thêm khóa tiếng Anh của trường. Đây là một trải nghiệm khá tốt và hữu ích với em sau này vì song song học tiếng Anh, em còn được luyện thêm nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông, kỹ năng lãnh đạo đội nhóm.
3. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em khi học tại RMIT là gì?
Có thể nói, phiên bản em khi ở RMIT khi ở đại học là một phiên bản rất khác so với trước đây: năng nổ, tích cực hơn, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại khoá.
Tuy nhiên, điều em ấn tượng nhất và đáng nhớ nhất trong quãng đời sinh viên đó chính là quãng thời gian trải nghiệm 1 năm là sinh viên trao đổi sang Úc. Trong vòng 1 năm, em được học cách sống tự lập một mình, được trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau, phát hiện ra nhiều điểm mạnh bản thân, và hơn hết trở nên tự tin hơn về việc khám phá thế giới.
4. Có thể nói em có một niềm đam mê bất tận với Logistic?
Dạ đúng vậy. Ngay từ thời học sinh, em đã rất đam mê giày, và luôn tìm hiểu lý do về giá cả, cách thức mà những đôi giày từ những nơi xa xôi về được đến tay mình. Càng đọc, tiếp cận với các nguồn thông tin về tiềm năng của ngành sau này, em càng phấn đấu hơn để có thêm nhiều kiến thức chuyên ngành cũng như tận dụng được các cơ hội để phát triển thêm trong ngành.
5. Vừa ra trường nhưng em đã tìm được việc làm đúng chuyên ngành ở một tổ chức lớn. Những kiến thức được học tại trường đã giúp ích gì trong quá trình tìm việc và làm việc của em?
Hiện tại công việc của em là trợ lý mua hàng của Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội. Có thể nói, RMIT không chỉ trang bị cho em kiến thức về công việc, mà còn là những kỹ năng mềm rất cần thiết.
Đầu tiên phải kể đến đó chính là việc được đi thực tế tại các doanh nghiệp đã giúp bản thân em phần nào hình dung cũng như giải đáp được các thắc mắc về cơ cấu vận hành của mỗi doanh nghiệp ngay từ khi còn học đại học.
Tiếp theo đó, ngoài những kiến thức chuyên ngành, những kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề phát sinh, làm việc và lãnh đạo đội nhóm, kỹ năng làm việc độc lập dưới áp lực lớn… được rèn luyện cũng như phát triển trong suốt quãng thời gian tại RMIT đã giúp ích em rất nhiều trong quá trình tìm việc và làm việc tại đây. Em đã có thể bắt nhịp với công việc một cách suôn sẻ và không gặp quá nhiều khó khăn.
Với vị trí làm việc hiện tại, em đúc kết ra một điều rằng, những kiến thức trên sách vở là không thể thiếu, nhưng những kỹ năng mềm mới là yếu tố quan trọng nhất để giúp chúng ta đáp ứng những đòi hỏi khắt khe trong công việc hiện tại.
6. Em có lời khuyên gì cho các em học sinh cấp 3?
Em nghĩ rằng thời gian trôi qua rất nhanh và không đợi một ai. Vì vậy, Trước ngưỡng cửa đại học, các bạn học sinh nên chuẩn bị từ trước, đừng để nước đến chân mới nhảy để tránh trở nên bị động dẫn đến thiệt thòi cho bản thân.
Cám ơn em về cuộc trò chuyện này.