“Nếu chỉ có 1 từ để mô tả bản thân mình thì từ đó là “kiên trì”, luôn cố gắng theo đuổi ước mơ tới cùng.” Cô Võ Ngọc Yến Nhi – giảng viên chuyên ngành Công nghệ thông tin và Khoa học Dữ liệu thực tiễn tại cơ sở RMIT Nam Sài Gòn, đã giới thiệu về mình như vậy. Với câu chuyện của mình, cô đã chứng minh cho chúng tôi thấy sự kiên trì ấy, và tất nhiên, cả những quả ngọt của nó nữa.
1. Trước khi bắt đầu, cô có thể chia sẻ một chút về bản thân mình được không? Cơ duyên nào đã dẫn cô đến với ngành Công nghệ?
Từ cấp 2, cấp 3, mình đã rất thích môn Tin học ở trường phổ thông. Mình thích cái cảm giác lần đầu tiên tạo ra một trang web hoàn chỉnh bằng HTML/CSS, lần đầu tiên code forum bằng PHP để cả lớp có thể chia sẻ với nhau trên mạng. Bản thân mình đã từng trải qua nhiều khó khăn khi cố gắng thuyết phục ba mẹ cho mình theo con đường này. Ba mẹ nói ngành công nghệ khô khan, lại ngồi ôm máy cả ngày hại người. Mình đã tốn 4 năm đại học để học quản trị kinh doanh theo ý ba mẹ. Khi ra trường và đi làm cho một số công ty khởi nghiệp công nghệ, mình nhận ra rằng đam mê trong mình vẫn không mất đi.
2. Vậy vào thời điểm đó, cô đã làm gì để có thể theo đuổi dự định của mình?
Mình tự học code với R, Java, Python và đồng thời tìm kiếm các cơ hội để học tập và làm việc trong lĩnh công nghệ. Mình may mắn đã có cơ hội học lên tiến sĩ về Khoa học dữ liệu tại University of Technology Sydney và làm việc tại các công ty công nghệ tại Úc. Điều này đã khiến tương lai mình rộng mở và hạnh phúc hơn khi có thể làm việc mình đam mê với thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, cơ hội để có thể chuyển ngành nhanh chóng và thuận lợi như mình không có nhiều. Và nếu có thể chọn lại, mình vẫn mong muốn được học 3-4 năm đại học chuyên ngành khoa học máy tính. Trong tương lai, tất cả các ngành nghề đều sẽ cần đến khoa học và công nghệ để phát triển.
3. Còn hiện tại với cương vị là một giảng viên, cô có những hoạt động gì để trau dồi và mở rộng thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc, nhằm giúp nâng cao chất lượng bài giảng?
Bên cạnh công việc giảng dạy, mình thường xuyên nghiên cứu những thay đổi mới nhất trong lĩnh vực IT, khoa học dữ liệu và công nghệ nói chung. Ngoài ra, mình còn tham gia trao đổi và hợp tác với những chuyên gia hàng đầu trong ngành đang làm việc tại các công ty công nghệ hoặc các trường đại học lớn trên thế giới để liên tục cập nhật kiến thức và nâng cao chất lượng bài giảng tại RMIT.
4. Đã từng có thời gian theo học ở các trường đại học quốc tế ở nước ngoài như vậy, theo cô đánh giá môi trường học ở RMIT có gì giống/khác với ngôi trường ngày xưa của mình?
Do bản thân mình theo học tại University of Technology Sydney nên cảm thấy rất giống nhau do hai trường cùng chung hệ thống giáo dục của Úc. Còn nếu so với trường mình từng học thạc sĩ bên Đức thì mình thấy RMIT có chương trình giảng dạy ít nặng lý thuyết hơn, bám sát thực tiễn và khuyến khích tư duy sáng tạo. Cách đánh giá năng lực sinh viên của RMIT cũng linh động hơn, không chỉ là những bài kiểm tra giữa kỳ hay cuối kỳ khô khan.
5. Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho sinh viên của mình là gì, thưa cô?
Điểm khác biệt lớn nhất có thể mang tới cho sinh viên là khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và một tầm nhìn quốc tế. Sinh viên RMIT rất tự tin để thể hiện bản thân mình trong cả môi trường học tập và làm việc chuyên nghiệp. Các bạn cũng rất năng động khi tham gia các hoạt động ngoại khoá.
6. Nếu chọn 3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT, cô sẽ chọn 3 từ nào?
- Quốc tế: Một trường đại học quốc tế với tiêu chuẩn chất lượng và bằng cấp quốc tế.
- Thực tế: Chương trình học bám sát thực tế và rèn luyện những kỹ năng thiết yếu.
- Tinh tế: Lớp học ít người nên các thầy cô có thời gian theo sát, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của sinh viên nhằm giúp các bạn phát triển tốt hơn.
7. Phương pháp giảng dạy những bộ môn cô đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì khác biệt?
Phương pháp giảng dạy của mình chủ yếu sẽ khuyến khích sinh viên chủ động hơn trong học tập, kích thích ham muốn học và và thực hành nhiều để quen tay. Bởi vì mình dạy ngành kỹ thuật, công nghệ thì thay đổi hằng ngày hằng giờ, các bạn phải tự học và tự cập nhật kiến thức liên tục kể cả sau khi tốt nghiệp đi làm. Các bạn có khả năng tự nghiên cứu và vận dụng kỹ năng của mình sẽ thành công hơn trong con đường sự nghiệp.
8. Chia sẻ thêm một chút, cô thường làm gì để cân bằng cuộc sống và công việc? Hãy thử kể ra một sở thích mà cô nghĩ sinh viên có thể làm theo.
Để cân bằng cuộc sống và công việc, mình tập thể dục, đọc sách và đọc truyện tranh, dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Mình cũng rất thích xem các videos về khoa học, toán học và TedTalks trên Youtube. Từ những thông tin này, mình sẽ tìm đến các bài nghiên cứu liên quan và thử chạy code từ Github.
9. Nếu có một lời khuyên dành cho các tân sinh viên RMIT, cô sẽ khuyên gì?
Mình sẽ khuyên các bạn hãy dành thời gian cân bằng cho cả việc học và hoạt động ngoại khoá. Khi mình là sinh viên mình đạt được rất nhiều thứ từ những hoạt động ngoại khoá của mình, được đi các hội nghị quốc tế, có nhiều trải nghiệm cuộc sống thú vị và cũng mở rộng tầm mắt, giúp mình tự tin hơn trên con đường sự nghiệp sau này.
Xin cảm ơn cô!