“Một năm sau khi tốt nghiệp, bất ngờ có nam sinh viết email thông báo: nghe lời cô em đã bỏ hút thuốc lá. Một email ngắn gọn đầu buổi sáng mà làm cô giáo vui cả ngày.” Đó là chia sẻ giản dị mà rất cảm động về những niềm vui nghề giáo của cô Phan Minh Hoà – giảng viên môn Kinh tế học (ngành Kinh tế & Tài chính).

Cô giới thiệu về mình đơn giản “Có lẽ vì tên tôi là Hòa, nên tôi thích chữ đó. Nghĩa là hòa hợp, linh hoạt và cân bằng, không quá cực đoan.” Với bài phỏng vấn ngắn này, chúng tôi đã được hiểu thêm về cô theo cách đó – nhẹ nhàng và tinh tế.

Trước hết, cô có thể cho biết lý do mình chọn RMIT từ những ngày đầu tiên không?

Tôi gia nhập RMIT năm 2010. Năm nay là tròn 10 năm tôi giảng dạy ở RMIT và kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Tôi đã quyết định ứng tuyển vì yêu thích giảng dạy và vì RMIT gợi nhớ đến môi trường thân thuộc đại học bên Úc, nơi tôi từng có cơ hội học tập và giảng dạy.

Vậy, theo cô đánh giá thì môi trường học ở RMIT có gì giống và khác với ngôi trường ngày xưa của cô?

Có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, về cơ bản, RMIT rất giống ngôi trường của tôi ở Úc, với hệ thống cơ sở vật chất vượt trội. Thứ hai, trường chú trọng đến việc hỗ trợ phát triển toàn diện cho các sinh viên của mình, từ học thuật đến tâm lý, thể thao… Khi ở Úc, tôi cũng đã tham gia tư vấn học tập (tutor) cho các bạn học. Giờ khi về RMIT, nhớ lại những kỷ niệm đó, tôi đã chia sẻ với những em đang tham gia làm tư vấn học tập trong bộ phận Hỗ trợ học thuật SAS của trường.

Còn về điểm khác biệt và cũng là một trong những điều tôi thích nhất ở RMIT là cơ hội tương tác giữa giảng viên và sinh viên. RMIT ở Hà Nội theo mô hình ‘city campus’ nên mọi thứ đều tiện lợi, ấm cúng,nhỏ xinh…. điều này cho phép cho phép tôi có thể thuộc tên và hiểu rõ từng sinh viên để cá nhân hóa cách dạy cho phù hợp.

Vậy còn điều “ghét nhất” thì sao, thưa cô?

Tôi chỉ được nói chuyện bằng tiếng Anh, nên chưa sử dụng hết khiếu hài hước chơi chữ bằng tiếng Việt của mình (cười).

Phương pháp giảng dạy của bộ môn mà cô đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì khác biệt?

Về đánh giá, RMIT chú trọng vào phương pháp đánh giá thực tiễn (authentic assessment), đòi hỏi sinh viên phải tìm dữ liệu thực tế, phân tích, tổng hợp, soi chiếu lý thuyết với thực tiễn, đọc, viết và thuyết trình rất nhiều. Điều này khác với cách đánh giá truyền thống chỉ là học thuộc lý thuyết hoặc một vài kỹ năng tính toán căn bản. Với cách đánh giá này, sinh viên phải làm việc nhiều hơn, và đổi lại sẽ hiểu sâu hơn, cũng như giáo viên khi chấm bài sẽ mất nhiều công sức hơn để góp ý cho các em tiến bộ. 

Trước khi giảng dạy ở RMIT, có lẽ cô đã từng giảng dạy ở các trường đại học khác, vậy cô thấy sinh viên RMIT có gì khác biệt?

Tôi đã từng dạy ở đại học của cả Việt Nam và Úc. Mặc dù môi trường nhỏ hơn, nhưng sinh viên RMIT lại có sự đa dạng hơn nhiều, từ ngoại hình, tính cách, phương pháp học tới những đam mê cá nhân.

Vậy, kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi giảng dạy ở RMIT của cô là gì?

Rất nhiều. Có lẽ nổi bật hơn cả là việc có nam sinh một năm sau khi tốt nghiệp bất ngờ viết email thông báo: nghe lời cô em đã bỏ hút thuốc lá. Một email ngắn gọn đầu buổi sáng mà làm cô giáo vui cả ngày. Hoặc một em nữ nói cũng muốn trở thành đồng nghiệp của cô.

Cô có thể chia sẻ thêm về những hoạt động giúp trau dồi và mở rộng thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc, nhằm giúp nâng cao chất lượng bài giảng tại RMIT?

Ngoài việc đọc tài liệu chuyên môn là bắt buộc, tôi giữ mạng lưới liên hệ của mình trong các Bộ ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Sứ quán Hoa Kỳ, các doanh nghiệp nhiều lĩnh vực như tư vấn, ngân hàng, bảo hiểm để tạo nguồn diễn giả thực tiễn cho các lớp học của mình, đảm bảo học kỳ nào sinh viên cũng được học từ những câu chuyện thực tế.

Cô làm gì để có thể cân bằng cuộc sống và công việc? 

Đó là một câu hỏi rất quan trọng cho cả thầy lẫn trò. Để đảm bảo hiệu quả, khi đã làm việc cần duy trì tập trung không lan man. Các em hãy biết cách tự đặt những ưu tiên cho mình. Ngủ đủ cũng rất quan trọng. 

Nếu có một lời khuyên dành cho các tân sinh viên RMIT, cô sẽ khuyên gì?

Các em hãy chăm chỉ đọc nhiều bằng tiếng Anh, phát triển khả năng tư duy phản biện của mình để bước vào môi trường học thuật. Đừng ngần ngại trao đổi với các thầy cô hay đội ngũ trợ giúp SAS để hiểu đúng câu hỏi của các bài tập được giao và chăm chỉ hoàn thành kịp thời hạn.

Xin cảm ơn cô rất nhiều!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.