phạm thanh mai rmit

Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, là một trong những tham vấn viên tâm lý được sinh viên vô cùng yêu mến tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội.

Luôn tham vấn với tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu với bất kể khúc mắc hay trở ngại nào của sinh viên từ học hành, gia đình, tình cảm cho đến các mối quan hệ xã hội, Mai cho rằng sứ mệnh của mình không phải đưa ra giải pháp để sinh viên giải quyết vấn đề mà là đồng hành, giúp đỡ các bạn học cách soi chiếu chính mình và điều chỉnh bản thân. Những kỹ năng đó, theo cô, sẽ là hành trang quan trọng theo chân các bạn vượt qua mọi áp lực hay khó khăn trong suốt chặng đường đời.

Mai có thể chia sẻ một chút về công việc của mình được không?

Hiện tại tôi đang là Tham vấn viên tâm lý, thuộc bộ phận Các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên. Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là cung cấp dịch vụ tham vấn cho các bạn sinh viên khi các bạn gặp khó khăn tâm lý, có thể là căng thẳng, lo âu hay trầm cảm và một số vấn đề tâm lý đặc thù khác. Các bạn sinh viên bất kỳ khi nào cảm thấy bản thân không ổn hay có những khúc mắc chưa biết chia sẻ cùng ai đều có thể đặt lịch với các tham vấn viên. Các buổi tham vấn tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo mật thông tin và các bạn sẽ nhận được hỗ trợ phù hợp nhất cho hoàn cảnh của tôi.

Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với RMIT?

Tôi bắt đầu làm ở RMIT từ tháng 12.2019. Tôi đến với RMIT là do được một người bạn kết nối với anh Cường – Chuyên gia Tư vấn Hướng nghiệp và Việc làm của RMIT ở cơ sở Hà Nội.

Nếu phải dùng 3 từ để mô tả RMIT, đó sẽ là 3 từ gì?

Chuyên nghiệp, thân thiện và luôn luôn vì một chất lượng tốt nhất. Trải nghiệm khác biệt lớn nhất khi làm việc tại RMIT so với những chỗ tôi từng làm đó là tinh thần làm việc chuyên nghiệp và nhiệt huyết. Mọi người làm đúng chuyên môn, quy trình công việc rõ ràng, chặt chẽ và ai ai cũng rất tâm huyết với công việc mình đang làm.

Khó khăn lớn nhất của công việc này là gì? Bạn đã vượt qua nó như thế nào?

Khó khăn lớn nhất của công việc này là việc bạn đang tham gia vào cuộc sống của một ai đó một cách rất sâu sắc và toàn diện. Tham vấn viên cần ý thức rất rõ vai trò và khả năng tác động của mình tới thân chủ (hay khách hàng) để từ đó vạch ra những giới hạn cần thiết. Nếu không, có thể dẫn đến việc bạn can thiệp quá mức và tổn hại đến quyền tự quyết của thân chủ hoặc không hiểu đủ rõ vấn đề thân chủ đối diện để có thể đưa ra những cách tiếp cận phù hợp.

Các tham vấn viên tại RMIT đều được đào tạo và giám sát liên tục các kỹ năng để đảm bảo vấn đề xác lập giới hạn trong tham vấn. Việc có các buổi giám sát ca đều đặn, nơi tham vấn viên trao đổi với nhau hoặc với các nhà chuyên môn có kinh nghiệm hơn cũng là một cách để giúp nâng cao năng lực chuyên môn nhưng đồng thời cũng để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho tham vấn viên.

❓ Điều gì ở công việc này thôi thúc và truyền cảm hứng cho bạn luôn tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong công việc?

Đó chính là sự đa dạng sắc màu của cuộc sống. Mỗi bạn sinh viên khi đến đều đem theo một câu chuyện vừa giống lại vừa rất khác nhau. Những điểm chung trong trải nghiệm sống giúp tôi cảm nhận một kết nối sâu sắc giữa người với người. Còn những điểm khác biệt lại đòi hỏi tôi có một tư duy linh hoạt và nhạy bén để xác định cách tiếp cận phù hợp với từng bạn. Cũng có nghĩa tôi cần liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng về các vấn đề tâm lý khác nhau để luôn cung cấp những hỗ trợ phù hợp nhất và cập nhật nhất.

❓ Nếu chỉ có 1 từ để mô tả bản thân thì từ đó là gì?

Ôi chỉ một từ thôi à? Vậy chắc là từ “thấu hiểu”. Thấu hiểu trước tiên là việc hiểu và chấp nhận chính mình. Sau đó, mới đến hiểu và chấp nhận người khác. Kỹ năng lắng nghe để thấu hiểu và chấp nhận người khác trong tham vấn gọi là thấu cảm. Các tham vấn viên thường có thiên hướng tự suy ngẫm và soi chiếu chính mình. Tuy nhiên, thiên hướng này còn cần được mài giũa qua nhiều năm đào tạo và thực hành để có thể trở thành kỹ năng thấu cảm.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất khi làm việc với sinh viên RMIT?

Do đặc thù công việc nên tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, để một cái là hơi khó khăn. 😊 Có lẽ điều đáng nhớ với tôi không giới hạn với một bạn sinh viên nào. Quan trọng nhất vẫn luôn là được chứng kiến sự thay đổi ở các bạn trong suốt quá trình tham vấn. Có những bạn không đến buổi tham vấn cuối cùng nhưng cũng có những bạn đến để nói về sự thay đổi ở bản thân, nhất là trong cách tư duy và nhìn nhận về cuộc sống. Điều đáng quý hơn cả không phải là các bạn đã thay đổi nhiều như thế nào, mà là giờ đây các bạn biết cách để soi chiếu chính mình và điều chỉnh bản thân. Những kỹ năng đó sẽ là hành trang cho các bạn trong suốt chặng đường đời.

Mai làm gì để cân bằng cuộc sống và công việc?

Đôi khi cũng khó để có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Sẽ có những thời điểm mà chúng ta cần đặt công việc ở thứ tự ưu tiên cao hơn và ngược lại. Điều quan trọng theo tôi đó là ý thức được khi nào cán cân bị lệch và không để nó lệch thái quá hay trong một thời gian dài.

Một trong những cách tôi dùng để cân bằng lại cán cân công việc-cuộc sống là tổ chức lại thời gian biểu để bản thân thấy rõ mình vẫn có thời gian cho bản thân cho dù lúc đó công việc bận rộn. Nếu không có thời gian biểu trực quan này, đôi khi tôi sẽ rơi vào tình trạng đổ lỗi cho công việc “vì bận mà không có thời gian cho mình nữa”. Thực ra chúng ta luôn có thể sắp xếp để có thời gian cho mình, đôi khi việc đó đòi hỏi chúng ta xem lại cách tư duy và tổ chức công việc và cuộc sống.

Tôi có rất nhiều sở thích, một trong số đó là hát nghêu ngao, không biết có được tính là sở thích không? (cười). Hoạt động này đơn giản, không cần chuẩn bị đạo cụ gì, lại tiện thực hiện mà còn giúp tôi xả stress rất tốt nữa.

Cám ơn Mai về cuộc trò chuyện thú vị này. 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.