Tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa protean (không ngừng thay đổi), trước khi giảng dạy tại RMIT, cô Phạm Thanh Hằng từng kinh qua nhiều vị trí và ngành nghề khác nhau, từ chuyên viên tư vấn kinh doanh bất động sản, giáo viên tiếng Anh, nhà sáng lập trung tâm luyện thi IELTS và cho đến bây giờ là vai trò giảng viên đại học.
Cô Hằng luôn tâm niệm rằng cuộc đời là một chuỗi những phép thử đúng – sai. Và khi thử sức ở vai trò giảng viên, cô đã thật sự tìm được tiếng gọi và sứ mệnh của mình.
Với kinh nghiệm làm việc phong phú, cô Hằng đã thổi một làn gió mới đến các lớp học tại RMIT và trở thành một trong những giảng viên được sinh viên nhóm ngành Kinh doanh yêu quý.
Mời cha mẹ đọc tiếp bài viết dưới đây lắng nghe trải nghiệm giảng dạy của cô Hằng tại RMIT cũng như những lời khuyên về chọn ngành, chọn nghề cho con từ góc độ cùa một giảng viên về Nguồn Nhân lực.
Một số thông tin về cô Phạm Thanh Hằng:
Giảng viên ngành Quản trị Nguồn nhân lực, ĐH RMIT cơ sở Hà Nội
Thực ra, tôi bén duyên lần đầu với RMIT không phải ở vị trí giảng viên mà là ở vai trò nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Sau khi quyết định theo đuổi tấm bằng tiến sĩ với suất học bổng toàn phần tại RMIT, cái duyên của tôi với trường tiếp tục kéo dài, cánh cửa cơ hội giảng dạy tại trường mở ra và cứ thế, tôi đã gắn bó với công việc giảng dạy tại đây được gần 2 năm. Một động lực khác khiến tôi quyết định thử sức tại RMIT là vì tôi mong muốn được trải nghiệm giảng dạy tại môi trường quốc tế – nơi giảng viên và sinh viên có những nét vô cùng khác biệt so với môi trường đại học công lập truyền thống mà tôi từng dạy.
Về khía cạnh sự nghiệp, tôi là một người theo chủ nghĩa protean, tức tôi không ngại thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân cũng như biến đổi của thị trường. Cốt lõi của chủ nghĩa protean chính là tự mình định nghĩa và làm chủ công việc của mình chứ không phải công ty, tổ chức hay bất kỳ ai khác.
Vì vậy, nếu nhìn vào sơ yếu lý lịch của tôi, mọi người sẽ thấy tôi từng kinh qua rất nhiều vị trí tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng mỗi vị trí lại đáp ứng nhu cầu học hỏi của tôi ở thời điểm đó. Cụ thể, tôi từng làm trong mảng kinh doanh bất động sản, giảng dạy tiếng Anh, kinh doanh (sản phẩm giáo dục) và cho đến bây giờ là nghiên cứu học thuật và giảng dạy đại học.
Những khoảnh khắc giảng bài cho sinh viên đến quên mình hay thậm chí quên luôn cả thời gian đã khiến tôi nhận ra rằng đây chính là công việc mình thực sự đam mê.
Bên cạnh đó, giáo dục là một lĩnh vực đem lại giá trị lớn về khía cạnh tri thức, phát triển bản thân cũng như phát triển cộng đồng. Đây cũng đều là những giá trị cốt lõi mà tôi luôn theo đuổi.
Thực ra, ở những công việc khác, tôi vẫn có thể phát triển bản thân và không ngừng học hỏi, nhưng những cố gắng đó sẽ chỉ có ích đối với bản thân tôi, dưới tư cách là một cá nhân. Trong khi đó, khi đứng ở vai trò giảng viên, tầm ảnh hưởng của những kiến thức mà tôi học hỏi, gặt hái được sẽ được nhân lên rất nhiều lần và truyền qua nhiều thế hệ sinh viên. Đó chính là nguồn động lực vô cùng to lớn thúc đẩy tôi trong công việc.
Mọi sinh viên đều có cơ hội tiếp cận giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ một cách bình đẳng. Tôi nhận ra điều này khi có cơ hội làm việc với các phòng ban khác trong trường để điều chỉnh học liệu (slide) sao cho phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên khác nhau, bao gồm cả các bạn sinh viên có khiếm khuyết.
Sinh viên RMIT mang nhiều màu sắc khác nhau và không bao giờ cảm thấy phải gồng mình để trở thành một ai đó. Các bạn đều thoải mái khi là chính mình, tự tin thể hiện cá tính và không có sự phân biệt hay kỳ thị.
Sinh viên RMIT rất cá tính, độc đáo và đến từ nhiều gốc văn hóa hay bối cảnh gia đình, xã hội khác nhau. Vì vậy, bạn sẽ không thể sử dụng bất kỳ giả định hay khuôn mẫu nào làm hệ tham chiếu khi tiếp xúc với các bạn trẻ tại đây. Cũng chính vì thế, đây là môi trường lý tưởng để không chỉ sinh viên mà cả giảng viên như tôi có cơ hội rèn luyện trí thông minh về văn hóa (cultural intelligence) và trở nên cởi mở hơn trong tư duy.
RMIT rất chú trọng truyền tải kiến thức cho sinh viên thông qua các hoạt động và ví dụ thực tiễn. Vì thế, không khó để thấy các lớp học ở trường thường xuyên có sự xuất hiện của khách mời thỉnh giảng là các chuyên gia, quản lý đến chia sẻ kinh nghiệm thực chiến trong ngành. Bản thân tôi cũng làm việc rất sát sao với Bộ phận Hướng nghiệp, Việc làm và Quan hệ doanh nghiệp của trường để mời các chuyên gia đến thỉnh giảng cho sinh viên.
Bên cạnh khách mời thỉnh giảng, sinh viên còn có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế thông qua chính bạn bè đồng trang lứa. Sinh viên RMIT thực sự rất năng động. Nhiều bạn từ năm 1, năm 2 đã đi thực tập hay làm part-time để tích lũy kinh nghiệm rồi. Bởi vậy, tôi thường hay động viên sinh viên của mình chia sẻ kinh nghiệm đi làm cho các bạn cùng lớp ở những phút cuối giờ để các em có cơ hội học hỏi lẫn nhau.
Các em hãy lắng nghe sự thôi thúc và tiếng nói bên trong mình. Nếu vẫn cảm thấy mông lung thì đừng hoảng loạn mà hãy làm một vài phép thử để tìm ra con đường dành cho mình.
Có 2 cách thử mà các em có thể cân nhắc tùy vào điều kiện và nhu cầu của từng bạn.
—Cách thứ nhất là thử gián tiếp thông qua trải nghiệm của người khác bằng cách tìm hiểu và đọc nhiều về những câu chuyện của người trong cuộc. Tuy nhiên, các em cần lưu ý tham khảo từ nhiều nguồn thông tin, nhiều câu chuyện khác nhau để hiểu rõ cả điểm tốt lẫn những mặt tối của ngành trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
👉 Đọc thêm: Chuỗi bài “Trải nghiệm thực tế của sinh viên các ngành tại RMIT“
—Cách thử thứ hai đó là “trăm nghe không bằng một trải nghiệm”. Ngay từ bây giờ, các em có thể tìm những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng cho em cơ hội tiếp xúc trực tiếp với ngành để biết mình có hợp với ngành không. Nếu không tìm được cơ hội thì hãy tự tạo ra cơ hội cho mình bằng cách khởi động các dự án cá nhân có liên quan đến ngành.
Hãy cho các con không gian, thời gian để “thở” và trải nghiệm. Lo lắng cho con và bảo vệ con là bản năng của cha mẹ. Nhưng nếu không để con va vấp, trải nghiệm, con sẽ không bao giờ hiểu được mình là ai, mình cần gì, thích gì và đâu là tiếng gọi bên trong con người mình.
👉 Đọc thêm các bài viết về RMIT tại đây