Với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực Tâm lý học, cô Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh là một trong những giảng viên đầu tiên của ngành Tâm lý học tại RMIT. Trước khi gia nhập RMIT, cô từng có khoảng thời gian hỗ trợ sinh viên khuyết tật, giảng dạy và tham vấn tâm lý, quản lý dự án ở Tổ chức Viêm gan ở Úc…

Khi được hỏi mô tả bản thân 1 từ ngắn gọn, cô đã chọn “Cầu tiến”. Quả thật, khi trò chuyện, lắng nghe hành trình chạm đến trái tim mọi người cùng hàng loạt những thành tựu, giải thưởng Tâm lý học mà cô đã đạt được, chúng tôi không khỏi trầm trồ, thán phục về một người luôn chăm chỉ, nỗ lực cho chính bản thân mình và cho cả cộng đồng.

Một số thông tin về cô Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh:

🌠 Giảng viên, ngành Tâm lý học Ứng dụng

🌠 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu Tâm lý học, nghiên cứu chuyên sâu về Tâm lý học đường, Tâm thần học & Tâm lý học phát triển

🌠 Học bổng chính phủ Úc chương trình Tiến sĩ Tâm lý học tại ĐH Monash


 ❓ Cô đã giảng dạy và làm việc trong ngành Tâm lý học bao lâu?

Năm 2006, tôi ra trường và được giữ lại làm Giảng viên khoa Tâm lý và Giáo dục; đến cuối năm 2021 thì bắt đầu hành trình mới ở RMIT với khóa Cử nhân đầu tiên của RMIT về Tâm lý học Ứng dụng. Ngoài giảng dạy, tôi cũng thích làm nghiên cứu và cũng đã có một số bài báo được xuất bản trong nước và quốc tế. Năm 2015, tôi nhận giải Ba Nghiên cứu khoa học sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, được nhận Bằng chứng nhận Sáng tạo Khoa học và Huân chương Lao động Hạng Ba của Nhà nước Việt Nam. Năm 2018, tôi được nhận học bổng và cũng là đại diện các nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam tham gia Hội thảo Quốc tế về Tâm lý học Ứng dụng (International Conference of Applied Psychology – ICAP2018) tại Canada. Cũng trong năm này, tôi cũng may mắn nhận được học bổng của Chương trình Học giả Trẻ của Tổ chức.

Trước khi giảng dạy tại RMIT, cô có từng trải qua công việc nào mà cô nhớ nhất không?

Đối với tôi, mỗi chặng đường đã qua đều là những kỉ niệm đặc biệt, những công việc đã từng làm đều có những giá trị riêng và đều khiến bản thân nhớ mãi. Dù đó là giảng dạy các bạn sinh viên ở trường Đại học, tập huấn và hỗ trợ các thầy cô giáo ở các trường phổ thông về tâm lý học đường, cùng các bạn sinh viên trải nghiệm thực tế, kiến tập thực tập, trực tiếp tham vấn trị liệu tâm lý; hay hỗ trợ sinh viên khuyết tật học tập ở trường Đại học Monash; quản lý dự án ở tổ chức Viêm gan ở Úc và trực tiếp giảng dạy cho người Việt tại Melbourne về viêm gan, hay tham gia dự án Trường học Hạnh phúc ở Huế, tôi đều nhớ. Có thể vì với mỗi hành trình đó, tôi đều tận hưởng từng giây phút của trải nghiệm. Điều quan trọng ấn tượng nhất mà tôi học được, dù có làm gì hay ở đâu, chỉ cần bạn thật sự lắng nghe và chia sẻ thì có thể chạm đến trái tim của người khác.

 ❓ Cơ duyên nào đã đưa cô đến với lĩnh vực Tâm lý học?

Thực ra tôi không chọn ngành Tâm lý học, mà có thể nói là ngành Tâm lý học chọn tôi. Trước đây, tôi lựa chọn thi Đại học Y dược nhưng không có duyên nên “đành” chọn học nguyện vọng 2 là Tâm lý. Lúc đó, cách đây đúng 20 năm, chưa ai biết Tâm lý học là gì và tôi không hề có ai hướng dẫn hay tư vấn hướng nghiệp như bây giờ. Sự lựa chọn ngành là vì cái tên “Tâm lý và Giáo dục” gây tò mò khiến tôi “chọn đại”. Nhập học ngành Tâm lý cũng với tâm thế là chỉ học 1 năm và sau đó sẽ thi lại Y khoa.

Rất may mắn vào học kì 2, tôi gặp được cô giáo du học từ Úc về và cô dạy tôi môn Lịch sử Tâm lý học. Môn học đó đã cho tôi cái nhìn tổng quát về ngành Tâm lý từ khi hình thành và phát triển và nó cũng giúp tôi biết những khía cạnh chi tiết nhất mà Tâm lý học theo đuổi. Tôi đã hiểu ra nhiều điểu và được truyền cảm hứng theo đuổi con đường Tâm lý học đến tận bây giờ và từ bỏ luôn ngành y.

Cô yêu thích lĩnh vực nào nhất trong Tâm lý học?

Tôi thích nhất là mảng Tâm lý học Tích cực. Từ khi bắt đầu học Tâm lý học, tôi đã khá quan tâm về cảm xúc và tình cảm của con người. Có thể do xúc cảm và tình cảm của bản thân khá phức tạp. Khi học bằng Tiến sĩ, tôi tập trung nghiên cứu về Trí tuệ cảm xúc – một khía cạnh của Tâm lý học Tích cực. Sau khi về nước tôi rất may mắn được tham gia dự án Trường học Hạnh Phúc với các thầy cô và những đồng nghiệp đáng yêu. Dự án tập trung vào các giá trị cốt lõi để tạo nên hạnh phúc nội tại bền vững ở giáo viên và học sinh, trong đó có kiểm soát cảm xúc, lòng trắc ẩn, lòng biết ơn… Bản thân tôi cũng được hưởng lợi rất nhiều về mặt tinh thần khi tham gia dự án đó và tôi tin rằng Tâm lý học tích cực có ý nghĩa lớn trong cuộc sống con người, kể cả là người đang có hay không có các vấn đề về tâm lý.

 Điều gì cô thích nhất khi giảng dạy ngành Tâm lý học?

Điều tôi thích nhất khi làm việc với các bạn sinh viên là được lắng nghe những suy nghĩ, ý tưởng và phân tích sáng tạo của các bạn. Những lúc đó tôi thấy các bạn rất tuyệt vời và tôi cũng được truyền cảm hứng rất nhiều. Tôi cũng rất hạnh phúc khi thấy hành trình phát triển của sinh viên và sự trưởng thành, thành công của sinh viên khiến tôi cảm thấy rất tự hào và thấy “sướng”

Nếu để đưa ra 1 định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu về ngành Tâm lý học, cô sẽ định nghĩa như thế nào?

Tâm lý học là một khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi của con người. Chẳng hạn như vì sao chúng ta suy nghĩ như thế này, có cảm xúc như thế kia, và hành động như thế nọ. Điều gì diễn ra trong não chúng ta và nó tác động như thế nào đến cách chúng ta nói năng, cư xử, ứng xử và hành động, vân vân…

 Các bạn sinh viên tương lai nên trau dồi thêm kỹ năng hay kiến thức gì để theo đuổi ngành này?

Thật ra là bất kì ai cũng có thể theo đuổi ngành Tâm lý học. Điều quan trọng nhất là cần có sự tò mò và sự mở lòng để đón nhận những điều mới.

❓ Cô có lời nhắn nhủ gì tới các bạn và phụ huynh không?

Tâm lý học là một ngành khó và trừu tượng nhưng rất thú vị. Tâm lý học đã bắt đầu phát triển từ thế kỷ XIX trên thế giới và bây giờ vẫn đang ngày càng phát triển. Tuy là một ngành mới, Tâm lý học có một tương lai đầy hứa hẹn ở Việt Nam. Dù bạn là ai, bạn ở bất cứ đâu, nếu bạn có thể hiểu và kết nối được với bản thân mình, hiểu và kết nối được với người khác và thế giới xung quanh, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để hạnh phúc và thành công.

Cám ơn cô vì cuộc trò chuyện thú vị này.


👇 Đọc thêm:

Học ngành Tâm lý học ở RMIT có gì đặc biệt?

Hóa giải 3 hiểu lầm thường gặp về ngành Tâm lý học

[Gương mặt RMIT] Thầy Nguyễn Huỳnh Luân – giảng viên ngành Tâm lý học cùng câu chuyện quyết tâm theo đuổi ngành tâm lý đến cùng

▪ Tìm hiểu về ngành Cử nhân Ứng dụng Khoa học Ứng dụng (Tâm lý học) tại đây

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.