Thực tế – Nhất quán – Sáng tạo là 3 yếu tố cô Haley Phan luôn muốn đem cho sinh viên trong mỗi tiết học. Những bài học, kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ, truyền thông lớn như Microsoft, Oracle, VTV và cả khởi nghiệp của cô đã giúp những bài giảng trên lớp trở nên dễ hiểu, sống động và đầy tính thực tế.

Một số thông tin về cô Haley Phan:

🔹Giảng viên ngành Digital Marketing

🔹Tổng giám đốc và Nhà sáng lập ứng dụng Raise – Trợ lý ảo cho Cha Mẹ,

🔹 Thành viên ban lãnh đạo UNICEF NextGen Vietnam

🔹 Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Microsoft

🔹 Quản lý Vận hành và Chiến lược Kinh doanh, Oracle Việt Nam

🔹 Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Solvay Brussels School (Bỉ)

🔹 1 trong 100 lãnh đạo trẻ toàn cầu của Microsoft vào năm 2017 (MACH MBA), đồng thời nằm trong danh sách Nhà sáng lập công nghệ nữ nổi bật được các tổ chức quốc tế uy tín như Amazon Web Services, Tiger Hall, Google và Jellycorn bình chọn.


❓ Điều gì đã truyền cảm hứng cho cô Haley đến với ngành giáo dục?

Tôi yêu thích giáo dục từ nhỏ, có lẽ nhờ được truyền cảm hứng từ gia đình với nhiều người theo nghiệp giáo dục, trong đó có mẹ tôi – một giáo viên Vật lý xuất sắc và tâm huyết. Khi là học sinh tiểu học, tôi đã thích học bài bằng cách đóng vai làm cô giáo, viết thông tin lên bảng và tự học với mình – cũng từ đó, tôi nghĩ ra nhiều cách học sáng tạo, hiệu quả hơn cho mình và khác với ở trường. Khi đi làm, tôi học và làm việc cùng rất nhiều cựu sinh viên RMIT, và đa phần đều là những người tuyệt vời, tài năng, giữ trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết với con đường mà các bạn chọn.

Tới năm 2021, tôi có dịp làm việc với giáo sư Majo George, được thầy truyền động lực và giới thiệu về giảng dạy ở RMIT.

Cả đồng nghiệp lẫn sinh viên đều hay trêu “Cô Haley đi dạy vì đam mê”, vì đúng là như thế thật. Mỗi tuần đi dạy dù cũng căng thẳng và đau họng, nhưng so với công việc ngoài thương trường, việc đi dạy giống như cách tôi cân bằng cảm xúc vậy. Sinh viên từng được thực tập ở công ty tôi nói cô Haley lúc đi làm có nhăn và lạnh, nhưng lúc cô trên lớp thì luôn cười trìu mến. Vì sinh viên là búp trên cành mà, mình phải tìm cách mà nâng đỡ các em chứ (cười).

❓ 3 từ miêu tả về RMIT?

Chính trực (integrity), đổi mới sáng tạo (innovation) và tư duy mở (open mindset).

Điều này thể hiện ở sự tận tâm của ban lãnh đạo trường, chủ nhiệm bộ môn, sự thay đổi và nỗ lực thay đổi không ngừng để tăng cường chất lượng giảng dạy và phát triển môi trường ngày càng tốt hơn, an toàn hơn, cởi mở hơn cho sinh viên.

❓ RMIT mang đến lợi thế như thế nào với các bạn sinh viên?

Tôi nghĩ lợi thế của sinh viên RMIT là các em đang ở trong một môi trường giáo dục mở, chất lượng cao, có bề dày kinh nghiệm, và được hướng dẫn, giảng dạy bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm.

Các giảng viên tại RMIT là những người vừa có tư duy sư phạm tốt, vừa có kinh nghiệm và lối suy nghĩ của những con người làm dịch vụ, kinh doanh, lăn xả trên thương trường. Chính vì vậy, họ đem đến cho sinh viên góc nhìn đa dạng, giúp các em mở rộng hướng tiếp cận vấn đề mà không bị bó gọn trong lý thuyết hay các mô hình có sẵn, luôn thúc đẩy sinh viên liên tục tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới. Giảng viên cũng là những người cởi mở với ý kiến, ý tưởng mới, chính vì vậy họ có thể nói chuyện, trao đổi với sinh viên như những người đồng hành, mentor.

Nhờ vậy, các bạn sinh viên được tiếp cận với những nhân tài có tâm và đạo đức với nghề, có chuyên môn cao – đó cũng chính là may mắn lớn nhất với mỗi học sinh, sinh viên trên chặng đường xây dựng kiến thức của mình. 

❓3 từ mô tả phong cách giảng dạy của thầy/cô? Điểm khác biệt trong phong cách giảng dạy của thầy/cô là gì?

Thực tế – Nhất quán – Sáng tạo. Tức là: đưa các nội dung thực tế giúp các bạn chuẩn bị cho nghề tốt hơn, tỉnh táo và hiểu đúng thực trạng xã hội hơn, nhất quán và chắc chắn với những gì mình nói ra và sáng tạo với cách mình kể chuyện, có nhiều khi là tự pha trò, tự hỏi, tự trả lời để sinh viên tương tác với mình nhiều hơn. Sau tiết học, sinh viên sẽ đặt nhiều câu hỏi xoay quanh bài học, có những câu hỏi rất sâu và xoáy vào kiến thức trên lớp. Bởi vậy, nếu không nhất quán trong các nội dung, thông tin mình truyền tải đến sinh viên, môn học sẽ trở nên khó hiểu.

❓ Được biết cô Haley từng làm việc tại VTV, Microsoft và Oracle, cô có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm việc thực tế đã giúp cô như thế nào trong việc giảng dạy tại RMIT?

Khi tôi là sinh viên như các em, 4 năm ròng là cho việc làm PR và tổ chức sự kiện, lập kế hoạch truyền thông.

Khi tôi chính thức tốt nghiệp, Oracle là công việc đầu tiên. Cách đây 10 năm, khi mọi người còn xa lạ với CRM, hệ thống đám mây (Cloud),.. thì tôi đã được tiếp cận các công nghệ này từ sớm ở ông lớn công nghệ này. Nhờ được rèn luyện về vận hành, phân tích hoạt động, dự báo và lập kế hoạch kinh doanh, quản trị dự án, giám sát quy trình cùng cấp trên và các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, đến từ nhiều vùng văn hóa khác nhau tại Oracle mà tôi có nền tảng tốt cho tất cả các công việc về sau và RMIT.

Với Microsoft, ở vị trí quản lý kinh doanh, Marketing và vận hành kinh doanh cho một mảng đối tác trong khu vực Đông Nam Á, tôi học cách thực thi những gì mình lên kế hoạch, va vấp hơn với nhiều đối tượng đa dạng, áp lực hơn với trách nhiệm doanh thu. Nhờ trải nghiệm này, tôi chai lì hơn và ngày càng tích cực. Mỗi lần thất bại hay gặp khó khăn, tôi học cách suy nghĩ “công ty đang trả tiền cho mình học, còn gì bằng”. Nên với tôi, chẳng có lý do gì để tôi oán trách những gì mình có và suy nghĩ nhiều về chuyện “giá như…”.

Với VTV lại là câu chuyện thú vị khác, thỏa mãn việc tôi muốn để lại thêm di sản cho mình và cuộc đời. Khi đó đạo diễn Trần Thu Trang của VTV1 có dự án làm phim tài liệu lịch sử mang tên “Những giải mã mang tên chiến tranh” (có phát sóng trên vtv.vn), ghi lại các câu chuyện về chiến tranh Việt Nam một cách thực tế nhất, không tô hồng chiến tranh, không xuyên tạc lịch sử. Đề bài khi đó của đạo diễn cũng rất hay, rất khó và oái oăm. Ví dụ như là yêu cầu: thấy bài blog của một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, làm thế nào để xin phỏng vấn và phỏng vấn miễn phí. Thế nào mà tôi xin được cụ cho phỏng vấn, và tự thực hiện một cuộc gọi phỏng vấn đường dài từ Việt Nam tới Mỹ. Ví dụ như là yêu cầu: một chiếc đèn cổ của Việt Nam đang được lưu giữ ở Pháp, làm thế nào xin bảo tàng bên đó cho quay và cho quay miễn phí. Hay như yêu cầu: đọc báo thấy có cụ ông ở Malaysia cũng làm được đèn trung thu giống đèn con cá, con bướm của Việt Nam, làm thế nào để liên hệ phỏng vấn. Nghe toàn những nhiệm vụ tưởng chừng không thể, thế mà tôi lại hoàn thành.

Nhờ làm việc trong mảng công nghệ, tư vấn, sáng tạo nội dung và khởi nghiệp, tôi giữ cho đầu óc mình luôn linh hoạt trong hoạt động tìm tòi, học hỏi và cải thiện kiến thức, kỹ năng, cách tư duy. Tôi tự nhận mình là con mọt sách, nhưng vẫn là người mới đối với mảng nghiên cứu. Và tôi càng học, càng thấy còn nhiều thứ mình chưa biết quá.

Do đó khi thiết kế bài dạy trên lớp tại RMIT, tôi sẽ vừa phải học lý thuyết rất nhanh, nghiên cứu các mô hình hiện đang được áp dụng thực tế và vận dụng kinh nghiệm của mình để có nhiều bài học, ví dụ dễ hiểu, sống động cho sinh viên. 

❓ Một lời nhắn gửi đến các bậc cha mẹ có con đang chuẩn bị vào đại học?

Mong các cha mẹ sẽ kiên nhẫn với bản thân mình trong hành trình chuẩn bị cho con vào đại học. Kiên nhẫn để tìm hiểu thông tin. Tỉnh táo để sàng lọc các nguồn thông tin tốt. Tỉnh táo để nhận ra không có giải pháp hoàn hảo, và giải pháp tốt nhất là giải pháp phù hợp nhất.

Và cha mẹ hãy kiên nhẫn hơn với con. Các con 18 tuổi rồi, bắt đầu hành trình trưởng thành rồi, hãy cho các con được học cách đưa ra quyết định với cuộc đời mình, lựa chọn dựa trên các luận điểm và tư duy của các con – với cha mẹ đóng vai trò là người định hướng, hỗ trợ, nhưng không phải người quyết định hộ. Dù thế nào đi chăng nữa, qua tuổi 18, các con đã được ghi nhận quyền công dân đầy đủ, và cần phải học cách tư duy độc lập, học cách tự đưa ra quyết định – bất luận đúng hay sai.

Chúc các cha mẹ hạnh phúc và tự tin khi làm cha mẹ. 


▪ Tìm hiểu ngành Digital Marketing tại RMIT ở đây

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.